Những trăn trở cho người lao động ở một doanh nghiệp tư nhân
(Baonghean.vn) - Ở một môi trường mẫu mực, chân thành, sẽ có nhiều cá nhân nỗ lực cống hiến và tử tế. Đó là những gì có thể dễ dàng cảm nhận ở Công đoàn Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú.
Chân dung một công nhân tiêu biểu
Anh Hoàng Văn Tuân gắn bó với công việc tại Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú (Nghi Lộc) đã 5 năm nay. Công việc của anh là “giữ lửa” để lò hơi của nhà máy không bao giờ tắt - một công việc được đánh giá là nặng nhọc, vất vả nhất trong nhà máy này.
Anh Hoàng Văn Tuân là người giữ lửa cho lò hơi của nhà máy. Ảnh: Diệp Thanh |
Chưa phải là những ngày nắng nóng đỉnh điểm nhưng bất cứ ai đứng gần cánh cửa lò hơi cũng sẽ nhanh chóng có cảm giác ngột thở vì thiếu oxy và vì quá nóng. Cạnh lò hơi là những chồng gỗ lớn, chủ yếu là phi lao, bạch đàn - nguyên liệu dùng để duy trì hoạt động của lò.
Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, anh Tuân luôn là người đến sớm nhất công ty, trước giờ làm việc chính thức 30 phút. Đây là khoảng thời gian để anh vệ sinh lò, cạo tro, nhen lửa, chạy lò tạo sóng. Khi mọi người bắt đầu công việc cũng là khi tấm áo của anh đã ướt đẫm mồ hôi vì bê vác những khúc gỗ lớn và vì nhiệt độ cao của lò. Từ lúc đó đến 11 giờ trưa, khi ca sáng kết thúc, anh thay áo rất nhiều lần. “Mỗi ngày đi làm tôi mang theo 2 chiếc áo. Mồ hôi ra nhiều nên chỉ một lát là đã ướt sũng, tôi buộc phải thay để đảm bảo sức khoẻ. Vì lò nóng, trời nắng nên áo cởi ra nhanh khô lắm. Cứ khô thì tôi lại thay, liên tục như thế cho đến hết ngày”, anh Tuân giải thích.
Công việc của anh Tuân đòi hỏi phải bê vác nặng, thường xuyên làm việc ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Diệp Thanh |
Vất vả công việc chưa dừng ở đó. Vợ anh Tuân cũng là công nhân. Từ sau dịch Covid-19, công ty chị tăng ca, chị làm một ngày 12 tiếng nên anh Tuân phải tranh thủ tối đa thời gian của mình để hỗ trợ việc gia đình. 5 giờ sáng, anh đã dậy chuẩn bị bữa sáng cho con và đưa con đi học. Dù buổi trưa chỉ nghỉ được hơn 1 tiếng nhưng anh vẫn tranh thủ về để cho con ăn. Thương hoàn cảnh của anh, quý tính nết thật thà của anh, lãnh đạo công ty và đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để anh vừa có thể làm việc, vừa chăm lo gia đình.
Hỏi anh Tuân: “Công việc vất vả, nặng nhọc vậy, anh có muốn tìm một nơi tốt hơn?”, anh cười hiền: “Trước khi đến với công việc này, tôi đã từng làm rất nhiều nghề khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí là xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, hầu hết làm được một thời gian ngắn là tôi lại bỏ, chỉ có ở đây là tôi xác định làm lâu dài. Có thể vì bây giờ tôi trưởng thành hơn, cũng có thể vì tôi đã trót yêu công việc và môi trường ở đây mất rồi. Ở đây như là gia đình thứ 2 của tôi vậy”.
Một góc công xưởng tại Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú (Nghi Lộc). Ảnh: Diệp Thanh |
Không khó để tìm dẫn chứng cho bầu không khí “gia đình” mà anh Tuân nhắc đến. Vì chỉ trên dưới 50 người, lại làm việc với nhau lâu dài nên mọi thành viên trong nhà máy đều thấu hiểu hoàn cảnh, tính cách của nhau. Trong tiếng ồn ào của máy móc và không khí lao động hăng say, vui vẻ, mọi người trao đổi công việc với nhau một cách nhẹ nhàng và luôn để ý để hỗ trợ nhau khi cần. Bản thân anh Tuân cũng vậy, dù công việc nặng nhất nhà máy nhưng cứ rảnh tay là anh lại vào hỗ trợ mọi người, mày mò xử lý máy móc để sau này hỗ trợ nhau.
Với những đóng góp, tinh thần trách nhiệm, ham học hỏi của anh Tuân, trong cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh vừa qua, anh Tuân vinh dự được biểu dương là 1 trong 50 công nhân lao động tiêu biểu của tỉnh - một thành tích đáng tự hào.
Mong muốn có chi bộ Đảng
“Ở công ty chúng tôi có nhiều “anh Tuân” giống như vậy”, anh Bùi Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú chia sẻ. Anh nói thêm: “Có thể những người còn lại không khoẻ bằng anh Tuân, công việc không nặng nhọc bằng anh Tuân, nhưng họ cũng có tinh thần cống hiến, cầu thị và sẻ chia như vậy. Đó cũng là điều mà tôi rất tự hào về đơn vị của mình”.
Không chỉ chăm lo sức khoẻ người lao động, Công đoàn Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo tinh thần người lao động. Ảnh: ĐVCC |
Lý giải điều này, rất nhiều công nhân đồng tình rằng, chính sự lãnh đạo tâm huyết, trọn tình, chu đáo của lãnh đạo công ty và công đoàn công ty là động lực để họ đi làm mỗi ngày và tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong công việc mình làm. Không những xây dựng các chương trình phúc lợi thiết thực cho công nhân như tiền lương, thưởng, chế độ, ăn ca, du lịch, thăm hỏi…, Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú còn là đơn vị dẫn đầu huyện Nghi Lộc trong các chương trình do tổ chức công đoàn phát động. “Tôi nghĩ rằng việc mình là thành viên trong Ban Chấp hành Công đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện là một lợi thế của đơn vị. Tham gia các cuộc làm việc của Ban Chấp hành, tôi nắm rõ tinh thần và hiểu thấu đáo ý nghĩa của từng hoạt động, từ đó triển khai một cách kịp thời và hiệu quả nhất”, anh Hùng thổ lộ.
Suốt 5 năm là Chủ tịch Công đoàn, với quan điểm đã làm là phải thực chất, đến nơi đến chốn, anh Hùng duy trì chương trình “Giải nhiệt mùa hè” theo tuần thay vì theo ngày; chương trình khám sức khoẻ định kỳ được thực hiện thường niên, nghiêm túc tại công ty thay vì để công nhân tự đi; 2 năm một lần công nhân được trải nghiệm những điểm du lịch mới mẻ, hấp dẫn thay vì chỉ loanh quanh trong tỉnh…
Phần lớn công nhân lao động tại Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú xác định gắn bó với công ty lâu dài. Ảnh: Diệp Thanh |
Nghĩ nhiều, làm nhiều, Ban lãnh đạo Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phú mang theo không ít trăn trở về xây dựng, phát triển doanh nghiệp và chăm lo cho người lao động. Anh Hùng nói: “Chúng tôi tha thiết muốn thành lập một chi bộ Đảng tại doanh nghiệp của mình. Với sự dẫn dắt, chỉ đạo của Đảng, chắc chắn doanh nghiệp chúng tôi sẽ có nhiều lợi thế hơn, tiếng nói cũng có trọng lượng hơn. Với nhiều cá nhân mẫu mực, đủ phẩm chất đạo đức, chúng tôi tin tưởng chi bộ của chúng tôi sẽ mạnh”. Muốn là vậy nhưng một số bất cập trong theo dõi đảng viên sau học đối tượng đảng khiến mong muốn này chưa thể thực hiện. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và tìm phương án phù hợp để thực hiện nguyện vọng này”, anh Hùng khẳng định.
Chia sẻ về công tác Công đoàn, anh Hùng rất trăn trở với ý tưởng xây dựng cẩm nang hoạt động công đoàn để phát về tận cơ sở. “Ở nhiều công đoàn cấp cơ sở, cán bộ công đoàn không có cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với chỉ đạo của cấp trên, không có nhiều dịp trải nghiệm, học hỏi về hoạt động, không có nhiều ý tưởng hoạt động… Cẩm nang hoạt động công đoàn sẽ cung cấp cho họ những thông tin chính xác các chỉ đạo từ tổ chức, hướng dẫn cho họ cách làm hiệu quả, chính xác. Từ đó, hoạt động công đoàn sẽ đa dạng, lan toả hơn nhiều”, anh nói.