Nghệ An: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng hơn 10%

Thu Huyền 28/06/2022 11:43

(Baonghean.vn) - Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2022 của Nghệ An tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như linh kiện điện tử, phân bón, thức ăn gia súc,... giảm do gặp khó khăn về vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương,..

Theo báo cáo sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,06% so với 6 tháng/2021, trong đó: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,5%; công nghiệp khai khoáng tăng 18,43%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,33%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,75% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 41.625 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021 và đạt 45% mục tiêu kế hoạch.

Sản xuất cá ngừ xuất khẩu tại KCN Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền

Các sản phẩm ước tăng so với cùng kỳ năm 2021: Bia các loại: 71 triệu lít, tăng 21,70%; Tôn Hoa Sen các loại: 647 nghìn tấn, tăng 28%; Xi măng: 5.531 nghìn tấn, tăng 20,12%; May mặc: 43 triệu cái, tăng 18,30%; Điện sản xuất: 1.534 triệu Kwh, tăng 16,16%,…

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ 2021: Linh kiện điện tử: 49,4 triệu cái, giảm 21,17%; Thức ăn gia súc: 71,4 nghìn tấn, giảm 9,09%; Phân bón NPK: 23 nghìn tấn, giảm 6,26%,…

Đồ hoạ: Hữu Quân

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá cả nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển... tăng cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà máy may mặc trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động; một số dự án, nhà máy đường giao thông khó khăn, giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công…

Để đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp, thời gian tới, ngành Công Thương tăng cường hoạt động của tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, dự án để nắm bắt khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh có giải pháp kịp thời tháo gỡ, qua đó, khai thác hiệu quả công suất sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư dở dang đưa vào hoạt động theo kế hoạch để bổ sung thêm năng lực sản xuất mới: Everwin, Goertek... Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo tiến độ các dự án và thu hút các nhà đầu tư mới.

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại khu vực Cảng Cửa Lò để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Tiếp tục hỗ trợ tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh thông suốt; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đầu vào cho các nhà máy (mía, gỗ trồng, chè, cao su, dứa, thực phẩm chăn nuôi bò sữa, thủy sản,...), quan tâm đến đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics và hỗ trợ tín dụng đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường thông qua hoạt động khuyến công, công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu,… để kích cầu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

Thu Huyền