Tướng Cương: Hoàn thiện thể chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Đức Dũng (Thực hiện) 01/07/2022 09:16

(Baonghean.vn) - Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an trao đổi với Báo Nghệ An về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

P.V: Ngày 30/6/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Với vai trò là nhà nghiên cứu, Thiếu tướng có thể đánh giá khái quát thành quả 10 năm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi xin khái quát thành quả 10 năm phòng, chống tham nhũng trên 4 phương diện sau:

- Thành quả thứ nhất là trong 10 năm qua chúng ta đã xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, bước đầu đẩy lùi nạn tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền. Cụ thể biểu hiện bằng các số liệu sau: Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, chưa đến 1 năm rưỡi, đã kỷ luật 50 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó, có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Ảnh: Nhật Bắc - Phạm Cường

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Thời gian gần đây đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng…

Tóm lại, trong 10 năm qua, chúng ta đã đẩy lùi tham nhũng, tạo sự răn đe, thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng; tạo bước ngoặt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có thể nói, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương từ nhiệm kỳ VI đến nhiệm kỳ X, đã có hơn 10 nghị quyết bàn về phòng, chống tham nhũng, đưa ra hàng trăm giải pháp phòng, chống tham nhũng. Bước đầu cũng đã có những kết quả quan trọng. Nhưng khách quan mà nói, trong 10 năm qua, từ khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Ban Phòng, chống tham nhũng, thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã tạo bước ngoặt mới. Đây là điểm sáng, bước phát triển đột biến trong quá trình xây dựng Đảng trong 10 năm qua.

- Thành quả thứ hai là đã giúp Đảng, Nhà nước hoàn chỉnh một bước quan trọng về thể chế chính trị. Cụ thể là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; làm rõ hơn nhận thức về lý luận và thực tiễn đối với đảng cầm quyền; công tác cán bộ có bước phát triển quan trọng. Thể hiện ở chỗ, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức bầu cử có số dư, thí điểm thi tuyển lãnh đạo chủ chốt; kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi, bổ sung hơn 2.000 văn bản pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan công quyền, làm rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong quá trình thi hành công vụ; hoạt động cơ quan công quyền ngày càng công khai, minh bạch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả và thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất năng lực của cán bộ, đảng viên, lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức, bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Thông qua đấu tranh, phòng, chống tham nhũng Đảng, Nhà nước ta đã khắc phục được những sơ hở, yếu kém trong quy trình lãnh đạo quản lý mà một số cán bộ tha hóa có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi trục lợi cá nhân, tham nhũng. Qua đó, từng bước hoàn thiện thể chế về lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước.

- Thành quả thứ ba là góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để thu hút đầu tư từ nước ngoài (FDI). 10 năm qua đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam liên tục phát triển, nâng cao sự cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, tạo điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

Việt Nam đã tạo môi trường lành mạnh, an toàn để thu hút đầu tư từ nước ngoài (FDI). Ảnh tư liệu

- Thành quả thứ tư là 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh, tính chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được củng cố. Góp phần nâng cao vai trò, vị trí, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thế giới biến đổi phức tạp, khó lường.

Với 4 kết quả này, có thể khái quát: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng 10 năm qua đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, tạo ra cơ sở vững chắc, tiếp tục thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới đây.

P.V: Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Theo Thiếu tướng, nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công đó?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Xét về bản chất, tham nhũng là sự tha hóa về quyền lực. Người dân trao cho công chức, quan chức quyền lực để phục vụ công dân, phục vụ đất nước. Một bộ phận đã lợi dụng công quyền, biến thành tư quyền, đây là sự tha hóa của quyền lực. Tham nhũng là căn bệnh cố hữu của mọi nhà nước. Có thể còn nhà nước thì còn tham nhũng! Chỉ khác nhau ở mức độ, tính phổ biến và tính nghiêm trọng. Các nhà nước đa đảng như: Pháp, Hàn Quốc, Malaysia… cũng xảy ra những vụ tham nhũng cực lớn, nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền cũng trục lợi, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, phải vào tù. Như ở Hàn Quốc cả 3 đời tổng thống liên tục đã phải vào tù vì tham nhũng.

Trên mạng xã hội, các thế lực thù địch thường đưa ra luận điệu xuyên tạc, vu cáo, phản khoa học, nói rằng chỉ có 1 đảng mới có tham nhũng. Cho rằng, muốn chống tham nhũng thì phải đa đảng, đây là luận điệu xuyên tạc, kích động, bôi nhọ vì các nước đa đảng cũng xảy ra tham nhũng. Do đó, chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt được luận điệu thù địch.


Tại Việt Nam chúng ta, từ khi phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (từ năm 1986 đến nay), có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, với nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhưng khách quan phải thấy rằng, từ khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 2/2013) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Nguyên nhân thứ hai, là khi đã có quyết tâm chính trị cao, mục tiêu đúng, thì phương pháp thực hiện là rất quan trọng. Các Mác đã nói rằng, khi xác định đúng mục tiêu, thì giải pháp chiếm tới 60% thành công. 10 năm qua, Đảng ta đã đổi mới phương pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đầu tiên là thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Tiếp theo là thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đây là biện pháp hết sức quan trọng. Chính từ biện pháp tổ chức, thành lập ban chỉ đạo, đã quyết định, thúc đẩy điều tra, xử lý nhiều vụ việc. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước trong mặt trận phòng, chống tham nhũng.

Trong 10 năm qua, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, đã tạo ra thành công, bước ngoặt trong phòng, chống tham nhũng. Chúng ta đã phát huy tối đa vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, toàn dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đó còn là sự tham gia vào cuộc, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả của hệ thống báo chí. Rất nhiều vụ việc được báo chí đưa ra ánh sáng, tạo ra dư luận, áp lực để các cơ quan chức năng vào cuộc. Tôi cho rằng, báo chí cũng là một lực lượng xung kích trên mặt trận này.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương trao Giải Đặc biệt cho nhóm tác giả đạt Giải "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực" lần thứ 3 năm 2020 - 2021. Ảnh: VOV

Một điều quan trọng trong phương pháp đấu tranh là xác định trọng tâm, trọng điểm. Từng thời kỳ Ban Chỉ đạo đã xác định những vụ án trọng điểm để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Tôi cho rằng, trong 10 năm qua, phương pháp phòng, chống tham nhũng có nhiều điểm mới, đạt được nhiều thành công, hiệu quả to lớn.

Nguyên nhân thứ ba, là vai trò của người đứng đầu, tư lệnh trong cuộc phòng, chống tham nhũng. Thực tế ở Việt Nam và ở các nước trên thế giới, cả trong lịch sử và hiện nay, khi nào người nắm quyền lực cao nhất trong sạch, trong sáng, quyết tâm xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh thì lúc ấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ thành công. Trong 10 năm qua, với cương vị là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư đã thể hiện quyết tâm, tinh thần cao trong phòng, chống tham nhũng. Đây là nguyên nhân đặc biệt quan trọng, làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng - “cuộc chiến chống giặc nội xâm” trong 10 năm qua đạt được những kết quả quan trọng.

Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Công Tạc, đều liên quan đến vụ Việt Á. Ảnh tư liệu

P.V: Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục giành được nhiều thắng lợi trong thời gian tới, theo Thiếu tướng có những vấn đề gì đặt ra cần phải giải quyết?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ then chốt, với quan điểm: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Như vậy, ở các nhiệm kỳ trước, Đảng đã xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt thì tại Đại hội XIII, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ then chốt hay đặc biệt của then chốt, công tác này không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn đặc biệt cả trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta hiện nay. Để khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”.

Các bị cáo trong phiên toà xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: VTC

Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, theo tôi, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần triển khai quyết liệt các công việc quan trọng sau:

- Các cơ quan của Đảng, Nhà nước làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của cấp dưới. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Nhiều vụ đại án xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn bất cập, sơ hở, lỏng lẻo. Nhiều cán bộ cao cấp của các thành phố lớn, của các bộ, ngành… sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, nhiều năm, chứ không phải là hôm nay họ tốt, mai họ xấu. Vậy, các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước ở đâu, làm gì trong thời gian đó?

Do đó, tôi đề nghị tổng rà soát các quy định của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước liên quan đến hệ thống kiểm tra, giám sát quyền lực. Tổ chức tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên.

- Xác định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, tập thể; trách nhiệm của người đứng đầu từ Trung ương đến địa phương; có gì cần phải điều chỉnh, bổ sung trong hệ thống luật pháp hiện nay. Nếu không làm rõ trách nhiệm cá nhân thì người ta còn dựa vào sự sơ hở, lỏng lẻo để trục lợi.

- Cần mở rộng việc bầu cử số dư và thực hiện công tác thi cử các chức danh lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở cấp huyện, cấp tỉnh để hạn chế chạy chức, chạy quyền.

- Cần phải công khai, minh bạch, tranh thủ ý kiến của người dân, các nhà khoa học khi thực hiện, triển khai các các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi các dự án được công khai, minh bạch thì không có chỗ để xà xẻo, tham nhũng.

- Đề nghị người đứng đầu các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã phải tiếp công dân hàng tháng.

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân. Ảnh: T.D - P.B

Để thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của người dân thì cán bộ chủ chốt phải nêu gương, dứt khoát phải làm gương.

- Vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất là thực hiện tốt Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương... Đội ngũ này nêu gương thì chắc chắn sẽ kéo theo 5 triệu đảng viên làm tốt và gần 3 triệu cán bộ làm tốt. Hơn lúc nào hết để thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của người dân, thì cán bộ chủ chốt phải nêu gương, dứt khoát phải làm gương. Nếu không làm được chuyện này thì mọi giải pháp đều vô nghĩa. Thực tế chứng minh rằng, người đứng đầu tâm huyết, nêu gương thì bộ máy sẽ trong sạch, vững mạnh. Theo tôi, trách nhiệm nêu gương rất quan trọng, mang tính quyết định.

Tôi hoàn toàn tin tưởng trong thời gian tới đây cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư sẽ tiếp tục thu được nhiều thắng lợi mới, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của người dân. Tạo ra sức mạnh cho đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Đức Dũng (Thực hiện)