Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 30/7
(Baonghean.vn) - Sẽ có một Cửa Lò hiện đại, hấp dẫn, gần gũi thiên nhiên; Cử tri thành phố Vinh kiến nghị siết chặt công tác quản lý hộ khẩu; Cuộc sống chật vật của những giáo viên gần 20 năm dạy hợp đồng ở Nghệ An… là những thông tin đáng chú ý trong ngày 30/7.
* Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò trao đổi với Báo Nghệ An về kế hoạch giải tỏa các công trình, ki ốt phía Đông đường Bình Minh, để tổ chức quy hoạch lại không gian biển, sắp xếp lại các khu vực dịch vụ hiện có, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài, bền vững, đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn, gần gũi thiên nhiên và thân thiện với môi trường.
Phía Đông đường Bình Minh có 209 ki ốt kinh doanh đã hết hạn kinh doanh từ năm 2020, trong đó có một số ki ốt hết hạn kinh doanh từ năm 2015. Ảnh: Thành Cường |
* Cử tri thành phố Vinh phản ánh có những trường hợp đã đi khỏi địa bàn thời gian dài nhưng vẫn còn trong hộ khẩu, vẫn đăng ký tạm trú. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý nhân khẩu thường trú, nhân khẩu tạm trú. Tập trung rà soát các nhân khẩu đã đi khỏi địa bàn thời gian dài nhưng còn thông tin trong sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú trên địa bàn để thực hiện xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo quy định của Luật Cư trú 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc quản lý hộ, nhân khẩu trên địa bàn Nghệ An từ ngày 01/7/2021 được thực hiện trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu cư trú, không tiến hành cấp mới, cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu giấy; đến ngày 31/12/2022 sẽ xóa bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu giấy.
Lực lượng Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên |
* Mùa mưa lũ đang đến gần, đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng biên Kỳ Sơn (Nghệ An) đang nơm nớp nỗi lo khi nhiều khu vực ách yếu chưa có cầu vượt lũ qua khe, suối chảy xiết...
Trong những năm qua, huyện Kỳ Sơn đã tăng cường kết nối các đơn vị và đã được đầu tư, hỗ trợ 11 cây cầu dân sinh tại các bản vùng sâu, vùng xa, thường xuyên bị lũ lụt với tổng số vốn trên 4,5 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo khảo sát, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều điểm cấp bách cần được quan tâm, hỗ trợ, xây dựng cầu dân sinh để giúp đồng bào vùng cao an tâm sinh sống, ổn định sản xuất; các cháu học sinh được đến trường an toàn trong mùa mưa lũ sắp tới.
Người dân bản Na Nhu, xã Tà Cạ lội khe, suối hàng ngày vì chưa có cầu dân sinh. Ảnh: Quang An |
* Với hơn 400 giáo viên hợp đồng, huyện Yên Thành là địa phương có số giáo viên hợp đồng đông nhất tỉnh, trong đó có nhiều giáo viên đã bám trụ gần 20 năm. Với mức lương ít ỏi, họ đành phải làm thêm nhiều nghề khác, với hy vọng một ngày nào đó được nhận vào biên chế.
Vợ chồng thầy Trình vẫn phải sống chung với bố mẹ trong căn nhà lụp xụp. Ảnh: H.H |