Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thành Chung - Đức Anh (thực hiện) 08/08/2022 11:31

(Baonghean.vn) - Nỗi đau chất độc da cam là rất nặng nề, kéo dài qua nhiều thế hệ. Dẫu đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ nhưng cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam và con cái họ vẫn hết sức khó khăn…

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng ông Hoàng Đăng Hòe - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An.

P.V: Ông có thể cho mọi người biết rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8/1961-10/8/2022)?

Ông Hoàng Đăng Hòe: Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Ngày 10/8/1961, lần đầu tiên, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang” xuống tỉnh Kon Tum. Từ năm 1961 - 1971, Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha, trong đó, có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần…

Máy bay UC-123 rải chất độc da cam tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Việc sử dụng chất da cam không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 61 năm qua. Vô số nạn nhân phải chết vì độc, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên cơ thể con người; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu là nạn nhân chất độc da cam thường là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc... Theo thống kê, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.

Chất độc da cam/dioxin mà Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam hủy diệt môi trường sống và cây trồng nơi đây, để lại hậu quả đến tận ngày nay. Nguồn ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 25/6/2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 32/32 tổ chức thành viên họp Hội nghị Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hội nghị nhất trí lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ngày này được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh, những số phận đã và đang phải chịu dày vò vì chất độc da cam do chiến tranh để lại.

P.V: Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, lớp lớp người dân Nghệ An đã lên đường đánh giặc. Hòa bình lập lại, nhiều người đã trở về trong nỗi đau chất độc da cam dai dẳng. Xin ông cho biết về tình hình cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam đó?

Ông Hoàng Đăng Hòe: Nghệ An là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có 596.000 người con quê hương tham gia quân đội; 45.000 người tham gia thanh niên xung phong và trên 150.000 người tham gia dân công hỏa tuyến chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Đã có rất nhiều người đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến này và cũng có rất nhiều người trở về nhưng lại mang trong mình chất độc da cam.

Ông Hoàng Đăng Hòe chia sẻ cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam và con cháu họ hiện nay hết sức khó khăn. Ảnh: Đức Anh

Qua khảo sát năm 1999, toàn tỉnh có hơn 30.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh. Nhà nước đã thực hiện giám định và giải quyết hưởng chế độ cho 18.973 người. Và đến nay, sau 23 năm, nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam đã mất (chủ yếu do bệnh ung thư), nhiều người khác đã chuyển địa bàn sinh sống, toàn tỉnh hiện có 14.056 người được hưởng chế độ.

Hòa bình lập lại, với phẩm chất người lính Cụ Hồ, những nạn nhân chất độc da cam luôn ý thức rõ hoàn cảnh của bản thân và gia đình mình để rồi cố gắng gấp bội, vượt lên nghịch cảnh. Trong toàn tỉnh đã có một số mô hình kinh tế giỏi của những nạn nhân chất độc da cam như ông Thái Doãn Òa (Thanh Chương), ông Trần Quang Hùng (Diễn Châu), ông Bùi Văn Ấn (Quỳnh Lưu), ông Hoàng Đức Thương (TX. Cửa Lò)...

Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An trao quà cho các nạn nhân trong tỉnh. Ảnh: Hoàng Đăng Hòe

Tuy nhiên, đại đa số nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Với những người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu thì nay tuổi đã cao, sức đã yếu, mắc nhiều loại bệnh tật, mất sức lao động, đời sống hết sức khó khăn. Dẫu họ đã có chế độ, chính sách song không đủ sinh sống, điều trị các loại bệnh tật… Đáng nói hơn, nhiều người là con, cháu của nạn nhân chất độc da cam bị dị dạng, dị tật, câm, điếc ngay từ khi mới sinh ra, nhiều người không thể tự sinh hoạt mà phải có người khác phục vụ.

P.V: Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ở Nghệ An, việc thực hiện Chỉ thị này ra sao?

Ông Hoàng Đăng Hòe: Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, ngày 7/8/2015 Tỉnh ủy Nghệ An có Công văn số 4534/CV-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Từ sự chỉ đạo này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã có nhiều hoạt động hiệu quả như tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An thực hiện hỗ trợ vốn sản xuất cho các nạn nhân trong tỉnh. Ảnh: Hoàng Đăng Hoè

Từ việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, đã có nhiều người dân tích cực ủng hộ cả vật chất và tinh thần nhằm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; đã có nhiều phần quà ý nghĩa của các cấp ủy, chính quyền và nhà hảo tâm được trao nhân các dịp lễ, Tết, động viên các nạn nhân và gia đình an tâm, phấn khởi, cố gắng vươn lên, góp phần ổn định tình hình xã hội trong tỉnh… Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam từng bước được xã hội hóa với nhiều nội dung, hình thức vận động phong phú.

Năm 2018, đoàn kiểm tra của Trung ương về thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW do Ban Dân vận Trung ương dẫn đầu đã khảo sát tại huyện Thanh Chương (địa phương có trên 1.700 đối tượng nạn nhân) và làm việc cùng Tỉnh ủy. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá cao Nghệ An trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Đại diện Ban Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 4 và Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh thăm hỏi, động viên tinh thần các nạn nhân chất độc da cam. Ảnh tư liệu: Thu Hương

Bên cạnh mặt đạt được, hiện vẫn còn có hơn 1.000 đối tượng chưa được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam. Những đối tượng này thực tế có tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu nhưng vì lý do nào đó đã mất hồ sơ, giấy tờ không đảm bảo. Để hỗ trợ, giúp đỡ họ, Hội Nạn nhân chất độc da cam Nghệ An đã báo cáo lên UBND tỉnh, Trung ương hội để đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu có phương thức nào đó nhằm giải quyết cho họ. Cần phải nhắc lại, thời gian của các đối tượng này không còn nhiều và họ rất thiệt thòi.

P.V: Thời gian qua, Nghệ An đã tổ chức việc thực hiện phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” như thế nào? Trong thời gian tới, với vai trò của mình, hội sẽ thúc đẩy phong trào này ra sao?

Ông Hoàng Đăng Hòe: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng , Nhà nước, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân, nạn nhân chất độc da cam trong toàn tỉnh đã nhận được nhiều phần quà có ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, những sự hỗ trợ đó chưa bao giờ là đủ.

Nạn nhân chất độc da cam ở Nghệ An được khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí. Ảnh tư liệu: Thu Hương

Để giúp đỡ họ thiết thực hơn, toàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tháng 5/2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam Nghệ An đã xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương vận động xây dựng Quỹ Nạn nhân chất độc da cam để vận động, kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân. Sau khi có chủ trương của tỉnh, Hội ra Thư ngỏ vận động ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Từ ngày 12/7/2021 đến nay, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh và các địa phương đã thu được 3,593 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, việc hỗ trợ cho các nạn nhân được thực hiện tốt hơn… Phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” đã và đang được thực hiện khá tốt. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân làm nhà, sửa nhà, vốn sản xuất, tặng học bổng, trợ cấp ốm đau, thăm, tặng quà được 15.665 suất, với tổng giá trị 5,221 tỷ đồng.

Thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Các hoạt động hỗ trợ sẽ tập trung vào việc thăm, tặng quà, làm nhà, tặng xe lăn, vốn sản xuất, kinh doanh .

P.V: Là người cùng thế hệ và chứng kiến rất nhiều nỗi đau da cam, bản thân ông trăn trở và mong muốn gì?

Các nạn nhân chất độc da cam ở Nghệ An hiện nay tuổi đã cao, sức đã yếu, mắc nhiều loại bệnh tật, mất sức lao động, đời sống hết sức khó khăn. Ảnh tư liệu: Thu Hương

Ông Hoàng Đăng Hòe: Nạn nhân chất độc da cam là người có công với cách mạng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân công nhận. Nhưng tương lai của họ rất khó khăn. Nhiều gia đình có tới 3-4 người là nạn nhân chất độc da cam. Đáng buồn hơn khi có thế hệ thứ 3, thứ 4 của những nạn nhân vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ở Nghệ An, hiện nay có hơn 500 cháu ở thế hệ thứ 3 và 5, cháu ở thế hệ thứ 4 bị ảnh hưởng chất độc da cam. Những cháu này chưa có chế độ liên quan đến chất độc da cam mà chỉ hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Mong muốn rằng, thời gian tới sẽ có thêm chế độ, chính sách cho thế hệ sau của nạn nhân chất độc da cam; cho đối tượng người nuôi dưỡng trong gia đình có tới 3-4 người là nạn nhân chất độc da cam.

Ở cấp Trung ương hiện đã có trung tâm nuôi dưỡng dành cho nạn nhân chất độc da cam mà cha mẹ đã qua đời, bị tàn tật, không ai chăm sóc. Ở Nghệ An, việc xây dựng trung tâm đã được thực hiện bước đầu, tuy nhiên, vẫn chưa thể kêu gọi được nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng. Mong muốn rằng, sẽ có thêm nhà đầu tư giúp đỡ xây dựng trung tâm nuôi dưỡng để những nạn nhân và con cháu họ đỡ phần nào vất vả, gian nan.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Chung - Đức Anh (thực hiện)