Tranh luận về hướng xử lý lỗ hổng trong quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An

Tiến Hùng 18/08/2022 08:11

(Baonghean.vn) - Người dân ồ ạt vào rừng phòng hộ tự ý khai thác trắng lâm sản, rồi tự ý trồng cây nông nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ đã nhiều lần lập biên bản, đề nghị kiểm lâm xử phạt nhưng phía kiểm lâm cho rằng, không có chế tài xử lý. Trong khi đó, sau khi Báo Nghệ An có loạt bài phản ánh, có nhiều ý kiến cho rằng, có thể xử phạt được tình trạng này.

Ồ ạt tự ý khai rừng trong rừng phòng hộ

Mới đây, Báo Nghệ An đã có loạt bài “Lỗ hổng trong quản lý rừng phòng hộ”. Nội dung loạt bài phản ánh nhiều bất cập đã và đang xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Trong đó, có tình trạng nhiều năm nay người dân ở thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu công khai chặt phá, khai thác trong rừng phòng hộ để trồng cây nông nghiệp, làm trang trại quy mô lớn, dựng nhà kiên cố ngay giữa rừng... trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Cụ thể, mặc dù là rừng phòng hộ đầu nguồn, có vai rất quan trọng nhưng có tới hàng trăm hecta rừng tại đây đã bị người dân tự ý khai thác để chuyển qua trồng cây nông nghiệp, trong đó chủ yếu là dứa. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đầu nguồn.

Rừng phòng hộ nhưng lại trồng dứa. Ảnh: Tiến Hùng

Đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều hộ dân tự ý khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng bằng nguồn vốn tự có của hộ dân được trồng trên đất rừng phòng hộ. Tình trạng này tập trung tại các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng và Tân Thắng thuộc lưu vực hồ chứa nước Vực Mấu. Đỉnh điểm là chỉ trong vòng 18 ngày, từ ngày 20/3/2022 đến ngày 8/4/2022, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đã phát hiện đến 14 vụ. Có những ngày, phát hiện đến 3 vụ khai thác rừng phòng hộ.

Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cho biết, đơn vị đã kiểm tra ngăn chặn, lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Có những vụ, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An sau khi lập biên bản đã phát đến 20 văn bản gửi lực lượng Kiểm lâm và UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị xử phạt. Tuy nhiên, phía kiểm lâm cho rằng, hiện nay không có chế tài để xử phạt. Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Lê Ngọc Hữu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu - Hoàng Mai và ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, đều khẳng định, theo quy định hiện nay, không thể xử phạt hành vi người dân tự ý khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ. Nguyên nhân là do trước khi được quy hoạch rừng phòng hộ, người dân đã được giao đất để trồng rừng. Hiện nay, đây là rừng do người dân tự bỏ vốn ra trồng…

“Lúc đầu tôi cũng cứ nghĩ có thể xử phạt được, nên làm rất nhiều văn bản đề nghị kiểm lâm xử phạt. Nhưng sau khi làm việc với lực lượng Kiểm lâm và nghiên cứu các quy định, thì đúng là chưa có chế tài”, ông Trần Văn Sơn - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An nói.

Một cánh rừng phòng hộ bị khai thác trắng. Ảnh: Tiến Hùng

Có thể xử phạt được?

Tuy nhiên, sau khi Báo Nghệ An có loạt bài phản ánh, phóng viên đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm của lực lượng Kiểm lâm cũng như lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. “Tình trạng này có thể xử phạt được chứ sao lại nói là không. Nói như vậy là sai hoàn toàn”, một vị cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin được giấu tên nói.

Theo vị này, từ đầu năm 2019, sau khi Chi cục Kiểm lâm phát văn bản xin ý kiến, Cục Kiểm lâm cũng đã có văn bản phúc đáp. Cụ thể, theo Cục Kiểm lâm, các hộ dân tự ý khai thác mà không thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định là đã có vi phạm… “Đề nghị Chi cục Kiểm lâm Nghệ An xem xét cụ thể tình tiết, tính chất vụ việc để xác định hành vi vi phạm và quyết định xử lý (có thể xem xét, đối chiếu với quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 24, Nghị định 157 của Chính phủ, xác định đây là hành vi khai thác gỗ rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành về hồ sơ lâm sản và trình tự, thủ tục quản lý)….", văn bản trả lời của Cục Kiểm lâm nêu.

Cũng theo vị cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm làm trong ngành lâm nghiệp, dù là rừng do người dân tự bỏ vốn trồng nhưng muốn khai thác phải lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định tại Điều 12, Thông tư 27 của Bộ ban hành vào năm 2018. Về phương thức khai thác, người dân chỉ được khai thác tỉa thưa cây trồng chính nhưng cũng phải đảm bảo mật độ còn lại ít nhất 600 cây/hecta và phân bố đều trong lô. Khai thác chọn cây trồng chính cường độ không quá 20% trữ lượng. Khai thác trắng theo băng thì chiều rộng băng không quá 30m; khai thác trắng theo đám thì diện tích đám không quá 3 hecta, tổng diện tích khai thác hàng năm không vượt quá 20% tổng diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ. Ngoài ra, người dân còn phải tuân thủ quy định trồng mới, trồng lại rừng phòng hộ.

Cánh rừng phòng hộ ở xã Quỳnh Tân. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, người dân đã tự ý khai thác mà không hề có phương án được cơ quan chức năng phê duyệt. Thậm chí tự ý khai thác trắng, tự ý trồng cây nông nghiệp. “Theo quy định, chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp… thì tiến hành thu hồi rừng theo Điều 22, Luật Lâm nghiệp 2017. Hoặc thu hồi đất rừng khác theo quy định của Luật Đất đai 2013. Quy định đã rõ ràng như vậy rồi mà nói không có chế tài xử phạt là sai”, vị cán bộ này nói thêm.

Liên quan đến tình trạng này, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng đã gửi văn bản, tham khảo ý kiến của Sở Tư pháp Nghệ An. Trong văn bản phúc đáp, Sở Tư pháp Nghệ An cho rằng “có thể đã xảy ra một số vi phạm trong hồ sơ, thủ tục thực hiện việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ là rừng trồng của các cá nhân, tổ chức được giao rừng và các cơ quan được giao quản lý rừng”.

Cụ thể, theo Sở Tư pháp vi phạm đó là không lập phương án khai thác; không gửi phương án khai thác đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn trồng rừng và cơ quan kiểm lâm sở tại để tổng hợp, kiểm tra trong quá trình khai thác; sau khi khai thác, chủ lâm sản không lập bảng kê lâm sản. Trường hợp có căn cứ xác định các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không chấp hành đầy đủ về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể xem xét xử lý theo quy định tại Khoản 1, điều 11, Nghị định số 35 của Chính phủ ban hành vào năm 2019.

Người dân tự ý khai thác trong rừng phòng hộ. Ảnh: Tiến Hùng

Có thể thu hồi đất rừng mà không phải đền bù?

Cùng quan điểm với vị cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, lãnh đạo 1 Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc giao đất lâm nghiệp trước đây theo các Nghị định 02, sau đó chuyển sang theo Nghị định 163 đều không thu tiền sử dụng đất. “Vì vậy mà khi thu hồi sẽ không có chuyện đền bù như đất ở. Vì khi giao quyền sử dụng đất ở, Nhà nước có thu tiền”, vị này nói.

Cũng theo vị này, hiện nay các hộ vi phạm về khai thác rừng trồng cũng như rừng tự nhiên đều xử lý được vì vi phạm luật lâm nghiệp phần quy chế quản lý rừng. “Theo tôi, đất đai đều là tài sản quốc gia, người dân được giao đất có quyền lợi và cũng có nghĩa vụ theo quy định. Do đó, yêu cầu người dân chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Nếu không thì sau khi thu hoạch tài sản trên đất, Nhà nước thu hồi lại”, vị này nói thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nghệ An, ngày 15/8 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị liên quan để họp, giải quyết những bất cập liên quan đến Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Cuộc họp kéo dài đến gần tối, tiếp tục nổ ra tranh luận giữa các nhiều bên liên quan về phương hướng xử lý. Kết thúc cuộc họp vẫn chưa thống nhất được quan điểm xử lý những lỗ hổng trong quản lý rừng phòng hộ.

Tiến Hùng