Thủ phủ cam Phủ Quỳ có nguy cơ mai một

Văn Trường 15/09/2022 06:21

(Baonghean.vn) - Từng được mệnh danh là “cây tỷ phú”, đem lại sự giàu có nhanh chóng cho một số hộ nông dân, tuy nhiên thủ phủ cam Phủ Quỳ ở huyện Quỳ Hợp đang lâm vào cảnh lụi tàn, nhiều hộ dân phá cam để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Những vườn cam tàn lụi ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Giàu vì cam, phá sản cũng vì cam

Tìm về các xã Minh Hợp, Văn Lợi, Hạ Sơn, Nghĩa Xuân của huyện Quỳ Hợp - thủ phủ cam Phủ Quỳ thời điểm này khá lạ. Cả một vùng đất trước đây vốn nổi tiếng rợp trời cam, nhưng nay lại thưa vắng bóng cam. Quan sát một số diện tích cam còn sót lại, chúng tôi thấy cỏ dại mọc um tùm, nhiều cây cam bị khô héo, rụng trọc hết lá.

Qua tìm hiểu được biết, những năm 2010-2014, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành có trên 1.000 ha cam - nơi được xem là thủ phủ cam Vinh. Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam Vinh được trao tại Công ty, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh cũng được thành lập tại đây. Cam ở vùng này được đầu tư một cách bài bản, nức tiếng về chất lượng. Vào mùa thu hoạch cam, người xe nhộn nhịp từ khắp nơi về lấy hàng. Lúc đó, Công ty còn thành lập nhiều điểm giới thiệu sản phẩm tại nhiều địa điểm trên cả nước.

Anh Nguyễn Văn Lên ở xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp đang chăm sóc vườn cam còn lại. Ảnh: Văn Trường.

Hồi đó, giá cam cao, 1 ha cam thu hoạch lãi từ 600-700 triệu đồng/năm là chuyện bình thường, có khá nhiều nông dân chỉ sau 2-3 năm thu hoạch cam là trở thành tỷ phú. Trước lợi nhuận từ cây cam mang lại, khiến cho nhiều người dân ở cả vùng Phủ Quỳ đã chặt hạ hàng loạt cây trồng khác, rồi vay mượn tiền của để trồng cam, mong đổi vận từ cây cam. Tuy nhiên mấy năm nay, cây cam lại xuống dốc cả giá lẫn chất lượng, nhiều hộ dân lại phải nghèo vì…cam.

Ông Trần Đức Quyền ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp một hộ dân trồng cam chia sẻ: Thấy vùng cam ở Phủ Quỳ phát triển tốt, có hiệu quả kinh tế, nên năm 2015 gia đình tôi đã vay mượn tiền của, đầu tư trên 7 tỷ đồng để trồng 12 ha cam ở xóm 8, xã Hạ Sơn. Đến giai đoạn gần cho thu hoạch thì cây cam có dấu hiệu lụi tàn vì nhiễm bệnh, quả nhỏ, bán không được giá, từ đó chúng tôi chán nản không muốn chăm sóc nữa. Một số diện tích cam đã được chúng tôi chuyển đổi sang trồng mía.

Cùng chung tình trạng trên, nhiều hộ đầu tư tiền của mua đất trồng cam, nhưng lại không có thu hoạch nên dẫn đến phá sản vì cây cam. Hiện nay một số hộ nhận khoán cũng đang cố gắng gượng để giữ lại một số diện tích cam nhằm “cứu” vốn nhưng cũng không hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Lên ở xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp đang chăm sóc vườn cam còi cọc tâm sự: Thời hoàng kim cam nơi đây bán từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng nay cam còi quả, chỉ bán được giá khoảng 10.000 đồng/kg.

Những vườn cam khô héo, trọc trụi lá ở xã Minh Hợp, Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Ông Lê Viết Minh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành chia sẻ: Mấy năm nay, nhiều hộ nào trồng cam trên vùng đất Phủ Quỳ trồng cam xong là cam bị hỏng, nên Công ty đã quyết định “đình chỉ trồng cam” vì thấy trên địa bàn có quá nhiều hộ thua lỗ, thất bát vì trồng cam.

Từ năm 2020, Công ty đã trích kinh phí 120 triệu đồng, thuê Viện Bảo vệ thực vật về để phân tích các mẫu đất ở vùng trồng cam. Viện Bảo vệ thực vật đã có kết quả điều tra về chất đất và khẳng định là đất không trồng được cam, chỉ số về đạm, lân, kali, các nguyên tố vi lượng đều không đạt, đặc biệt là có mầm bệnh trong đất. Bệnh vàng lá gân xanh (Greening), bệnh này làm cho quả cam nhỏ, hạt trong quả bị thối. Khi cây bị nhiễm bệnh, bộ rễ của chúng bị thối.

Đã có nhiều đoàn cán bộ khoa học về đây nghiên cứu, xác định nguyên nhân tàn phá cây cam (vàng lá, thối rễ) là do nấm Fusarium và Phytophthora gây ra. Họ cũng đã khuyến cáo nông hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới để phòng trừ. Tuy nhiên cho đến nay chưa có thuốc đặc trị sâu bệnh hại trên cây cam ở Phủ Quỳ.

Một trong những vườn cam ở xã Minh Hợp, cỏ dại mọc um tùm người dân không muốn chăm sóc. Ảnh: Văn Trường

Một số vùng trồng cam ở xã Minh Hợp đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây khác. Ảnh: Văn Trường

Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: Sau thời gian dài trồng cam ở vùng Phủ Quỳ, đất đai đã bị thoái hoá nhiễm bệnh, vì vậy cần phải cho đất “nghỉ” một thời gian, sau khi cải tạo được đất “sạch” mới tiếp tục trồng cam là hợp lý. Để tìm hướng đi cho cây cam hiệu quả, cần xử lý triệt để các mầm bệnh gây hại cam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Vì sao cây cam Phủ Quỳ ngày càng bị bệnh nặng?

12/10/2018

Thử nghiệm các chế phẩm sinh học an toàn của Nhật Bản để trị bệnh trên cây cam Phủ Quỳ

05/02/2017

Văn Trường