Phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nguyên Nguyên - Hữu Quân 13/09/2022 16:28

(Baonghean.vn) - Báo chí không chỉ là công cụ đắc lực của cấp ủy mà còn phải là một trong những lực lượng nòng cốt, là người đồng hành tin cậy trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

LTS: Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định: “Phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang”. Về vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn nhà báo, phóng viên cao cấp Nguyễn Bắc Văn - Báo Nhân Dân về vai trò của báo chí đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên: Thưa nhà báo Nguyễn Bắc Văn, từ lâu nay, báo chí được xem là một lực lượng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào về nhận định đó?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Thời nào, quốc gia nào cũng có và ở nước ta cũng vậy. Chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến với chính mình mà Đảng ta đã tiến hành từ lâu, nhưng chưa bao giờ được thực hiện quyết liệt và hiệu quả như những năm gần đây. Trong kết quả đó, báo chí có vai trò rất quan trọng, tích cực lên án những hành vi không chấp hành các nguyên tắc hoạt động của Đảng, làm trái pháp luật để trục lợi.

Không có thẩm quyền điều tra như một cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng báo chí lại có nhiều hình thức để tìm hiểu, phát hiện, điều tra bằng nghiệp vụ báo chí đối với những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, như qua thư bạn đọc, phản ánh của người dân và nhiều kênh khác để đưa vấn đề ra công luận. Nhờ đó, các cơ quan chức năng có thông tin, các chứng cứ, tài liệu, phục vụ quá trình điều tra.

Thực tế, nhiều vụ việc nếu không có báo chí lên tiếng có lẽ mãi mãi nằm im trong bóng tối. Có thể nói, báo chí luôn là người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn - Phóng viên cao cấp Báo Nhân Dân
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 8/8/2022). Ảnh tư liệu: Thành Duy

Việc phát động Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 4 năm qua đã thêm động lực thu hút sự tham gia của đông đảo nhà báo và nhân dân. Qua đó, vai trò của báo chí càng được thể hiện rõ, nhất là đấu tranh với tội phạm về kinh tế; giới thiệu kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Trước đây, xử lý cán bộ vi phạm được coi là công việc nội bộ. Nhưng giờ đây, báo chí là cầu nối giữa Đảng, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhân dân. Các cuộc họp của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp ủy các cấp về xử lý tổ chức Đảng và đảng viên đều được báo chí kịp thời đưa tin, có nhiều bài phân tích sâu sắc, định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ngăn chặn luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

Các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên

Song, đâu đó vẫn còn một vài nhà báo lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra đủ chiêu trò “ăn tiền” doanh nghiệp hay đối tượng tham nhũng, tiêu cực - một kiểu làm báo không thể chấp nhận. Nhiều bài báo còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Để là người bạn đồng hành tin cậy cùng cấp ủy trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải thật sự liêm chính, tuyệt đối không được “nhúng chàm”.

Phóng viên: Hiện nay, cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, các tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông, điều đó có thuận lợi hơn cho báo chí khi viết về lĩnh vực này?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Việc Ban Bí thư mới ban hành Quy định số 67, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ góp phần cùng Ban Chỉ đạo ở Trung ương đã có kinh nghiệm 10 năm hoạt động là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đúng tinh thần “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Điều đó rất thuận lợi cho báo chí. Vì nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm này ở các địa phương, hy vọng từ nay có người cầm lái để khắc phục những khâu yếu, việc khó, xử lý các “lực cản”, các “sóng ngầm” làm cho không còn khoảng trống, kẽ hở nào để tham nhũng, tiêu cực lợi dụng. Nếu làm được như vậy thì đó không chỉ là niềm tự hào của cấp ủy địa phương, là niềm vui của nhân dân mà còn là hiện thực sinh động, hấp dẫn cuốn hút người làm báo làm nên các tác phẩm báo chí có giá trị, góp phần từng bước đẩy lùi vấn nạn này.

Công an huyện Anh Sơn ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Duyên, công chức tài chính - kế toán xã Khai Sơn; Công an huyện Quỳnh Lưu khởi tố 2 bị can là cán bộ địa chính các xã ở huyện Quỳnh Lưu về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; Lực lượng chức năng huyện Nghi Lộc đọc lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đình Hải - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong sai phạm về bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ảnh tư liệu: C.T.V

Tuy nhiên, đây là việc khó, rất khó, bởi chống tham nhũng là cuộc chiến với chính thói hư, tật xấu và tính tham lam trong mỗi con người; người có chức quyền càng cao, càng nhiều cám dỗ, càng dễ sa ngã. Với tính chất như vậy, Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là đồng chí Trưởng ban - người đứng đầu cấp ủy phải là những cán bộ mẫu mực về mọi mặt, trong sạch, vững vàng trước mọi thử thách, chiến thắng bất kỳ thủ đoạn nào của đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Ở đây, báo chí không chỉ là công cụ đắc lực của cấp ủy, mà còn phải là một trong những lực lượng nòng cốt, là người đồng hành tin cậy trên mặt trận này. Muốn thế, các cơ quan báo chí và từng nhà báo cần thường xuyên rèn đức, luyện tài, giữ cho “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.

Phóng viên:Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25, trong đó nêu rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Vậy theo ông, báo chí và công chúng có thể dựa vào đó để nhận diện và đấu tranh hiệu quả hơn hay không?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Việc cụ thể hóa tiêu cực thành 19 nhóm hành vi là cách làm rất khoa học, bảo đảm cho việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dễ thực hiện và hiệu quả hơn. Đó cũng là cơ sở giúp nhân dân, người làm báo dễ nhận diện, dễ giám sát và đấu tranh với từng hành vi tiêu cực. Khái quát lại, đó là những hành vi trái chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; trái với các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc,... làm tha hóa cán bộ, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, theo tôi cần đặc biệt chú ý các hành vi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trước hết là trong cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây mới là căn nguyên làm cho cán bộ hư hỏng, làm gì cũng nghĩ đến bản thân, “chấm mút” được gì mới làm, không có thì làm cho qua chuyện, thậm chí viện cớ này nọ để từ chối. Rồi chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy chỗ làm việc, chạy dự án; khi vướng vào vòng lao lý thì chạy tội... Những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có liêm sỉ, không bao giờ làm như vậy.

Đó là những nội dung trọng tâm để nhân dân và báo chí giám sát; nếu làm tốt, ngăn chặn được suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống thì sẽ góp phần tích cực cho việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Trao Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020 - 2021. Ảnh tư liệu

Phóng viên: Tham nhũng, tiêu cực được cho là xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Vậy theo ông, làm thế nào để báo chí tham gia tốt hơn vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Tham nhũng, tiêu cực như một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, không bao giờ hiện hình. Trên mặt trận này, phương châm là kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng.

Trước một vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm như vậy, để báo chí tham gia hiệu quả hơn, tôi nghĩ cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và cách làm bài bản từ các cấp ủy, cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cơ quan báo chí và người làm báo. Trước hết là nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ Luật, các văn bản của Đảng về phòng, chống tham nhũng và Luật Báo chí. Theo đó, cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.

Nhà báo, phóng viên cao cấp Nguyễn Bắc Văn (Báo Nhân Dân). Ảnh: Lâm Tùng

Trong giao ban báo chí định kỳ, hoặc mỗi phiên họp, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên thông tin đến báo chí kết quả công tác, những vấn đề cần tập trung tuyên truyền, đặc biệt là khi có vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thì sớm thông tin, định hướng kịp thời cho báo chí chủ động. Nếu không được thông tin chính thống, nhiều báo sẽ tìm kiếm thông tin qua những nguồn khác, dễ dẫn đến sai lệch, không chính xác. Như thế chỉ có làm cho phức tạp vấn đề, dư luận hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Nguyên Nguyên - Hữu Quân