Quy định về 9 nhiệm vụ, 6 quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng
(Baonghean.vn) - Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra từ ngày 4 - 10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và ban hành Quy định với 9 nhiệm vụ và 6 quyền hạn.
Toàn cảnh hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Đảng. Ảnh: Internet |
Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Tờ trình của Bộ Chính trị, Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; dự thảo Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Quy định về chức năng: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Đầu tư xây dựng cơ bản là một trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
Quy định về nhiệm vụ có 9 nhiệm vụ:
1. Tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương; chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
3. Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
4. Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu khắc phục, hoàn thiện.
Đất đai là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
5. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực.
6. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin, kiến nghị về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
7. Chỉ đạo tuyên truyền, định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý vi phạm trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
8. Tổ chức sơ kết, tổng kết, định kỳ và đột xuất báo cáo ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao.
Tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư công sẽ là giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa |
Quy định về 6 quyền hạn:
1. Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
2. Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
3. Yêu cầu các cơ quan chức năng kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại.
4. Kiến nghị hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
5. Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý thì phải kịp thời báo cáo cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương; nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.
6. Trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan; được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp trên đối với cấp dưới là một trong những giải pháp kiểm soát sai phạm, tiêu cực có thể xảy ra. Ảnh đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy có chuyến công tác tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: Mai Hoa |
Quy định về tổ chức bộ máy:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định: Trưởng ban là đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Các Phó Trưởng ban, gồm: Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố. Trong đó Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các Ủy viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh là lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh, thành phố, gồm: Trưởng ban Tuyên giáo; Chánh Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; Chánh án Tòa án nhân dân; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc Sở Tư pháp; Chánh Thanh tra; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Trưởng ban Nội chính.
Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, gồm: Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ngoài các thành phần, cơ cấu nêu trên, Trung ương cũng quy định, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định.
Quy định về chế độ làm việc:
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi cần; khi cần thiết, tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần.
Quy định về mối quan hệ công tác:
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.