Nghệ An sẽ kiểm soát chặt việc xây dựng, cải tạo quán karaoke

Tiến Đông 18/09/2022 15:33

(Baonghean.vn) - Trước nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra phương án, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, nhất là phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ khi xây dựng, cải tạo quán karaoke…

Thiệt hại lớn

Không phải khi liên tục xảy ra các vụ cháy quán karaoke gần đây ở Bình Dương, Hà Nội thì người ta mới bàn về hậu quả thảm khốc của những vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này. Tại Nghệ An, những năm gần đây cũng liên tục xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại quán karaoke.

Đơn cử, khoảng 15h40 ngày 27/2/2019 tại quán karaoke Trâm Anh ở xã Yên Sơn (Đô Lương) xảy ra một vụ cháy lớn. Sau khi nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã điều động 2 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sỹ có mặt tại hiện trường để dập lửa. Đám cháy từ tầng 2 lan xuống tầng 1 theo mép tường và lan xuống sát các phòng karaoke. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đám cháy cũng đã thiêu rụi nhiều thiết bị, vật dụng trong nhà, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản.

Hiện trường vụ cháy tại tổ hợp khách sạn-karaoke-bar Avatar ngày 18/3/2019 tại thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Lâm Tùng

Hay vào khoảng 10h30 ngày 18/3/2019 tại tổ hợp khách sạn-karaoke-bar Avatar nằm trên đường Nguyễn Sỹ Sách (thành phố Vinh) đã xảy ra vụ cháy lớn làm 1 người chết và nhiều người khác bị thương. Lực lượng chữa cháy cũng phải tổ chức 10 xe cứu hỏa cùng 230 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại hiện trường để triển khai phương tiện, kịp thời sơ tán người dân bị mắc kẹt, khống chế, dập tắt đám cháy, không để cháy lan rộng sang các khu vực lân cận.

Nghiêm trọng nhất là vào lúc 0h ngày 15/6/2021 tại phòng trà Fill nằm trên đường Đinh Công Tráng (thành phố Vinh), đã xảy ra vụ cháy khiến 6 người tử vong, trong đó có 4 người trong 1 gia đình và 2 người thuê trọ. Thời điểm này, phòng trà đang đóng cửa phòng dịch Covid-19. Do vụ cháy diễn ra giữa đêm, vào lúc thời tiết hanh khô và có gió Tây Nam, đồng thời do khoá bằng cửa cuốn từ bên trong nên lực lượng cứu hộ đã phải rất vất vả mới phá được cửa để tiếp cận hiện trường.

Vụ cháy tại phòng trà Fill vào tháng 6/2021 là vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong những năm gần đây. Ảnh: Tư liệu

Mới đây hơn, vào khoảng 7h sáng 11/6/2022, Trung tâm chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh nhận được tin báo xảy ra cháy quán karaoke ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc). Ngay lập tức, lực lượng chữa cháy huy động 2 xe chữa cháy cùng 16 cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Rất may vào thời điểm sáng sớm, không có người hát bên trong, nên vụ cháy đã không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhiều tài sản, vật dụng đã bị thiêu rụi.

Theo tổng hợp, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 424 cơ sở thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 421 cơ sở kinh doanh karaoke, 2 quán bar, 1 pub (còn gọi là bar Tây). Đây là các loại hình kinh doanh dịch vụ thường xuyên tập trung đông người. Do phải đảm bảo cách âm, cách nhiệt nên các địa điểm này thường sử dụng các loại vật liệu như xốp, mút, linh kiện điện tử và sử dụng nhiều thiết bị điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một cơ sở bar Tây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh. Ảnh: Đặng Cường

Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke. Trong đó việc xảy ra cháy chủ yếu là do dùng hàn xì sửa chữa phòng hát; chập điện; kinh doanh karaoke kết hợp nhà ở nên nếu bất cẩn khi dùng lửa sẽ dễ gây ra cháy. Tuy nhiên, nguyên nhân gây chết người tại phòng hát karaoke chủ yếu là do ngạt khói. Điều này một phần do thiết kế cơ sở kinh doanh karaoke không đạt tiêu chuẩn; phòng hát cách âm nên rất kín, điều này khiến người bên ngoài khó nhận biết đám cháy bên trong và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy nổ bên ngoài. Chưa kể bên trong phòng hát, thay vì sử dụng các vật liệu chống cháy nổ để thiết kế xây dựng phòng hát thì họ lại chọn các vật liệu rất bắt mắt, màu mè và dễ bắt lửa...

Tăng cường quản lý

Về cơ bản, để một cơ sở karaoke hoạt động, phải trải qua các bước: tiến hành xây dựng (việc cấp giấy phép do cấp huyện, thành, thị tiến hành); kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (do cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện và được kiểm tra thường xuyên); cấp phép hoạt động (do cơ quan văn hoá địa phương thẩm tra thực hiện)… Vì là loại hình kinh doanh có điều kiện nên việc xây dựng, cấp phép hoạt động đối với cơ sở kinh doanh karaoke cũng phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, nhất là các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.

Cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Ảnh: Tư liệu

Theo Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ và Thông tư 147 năm 2020 của Bộ Công an về các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trước khi đưa vào hoạt động buộc phải có giấy phép hành nghề, được thẩm duyệt nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và phải niêm yết công khai. Chưa kể cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy đối với công trình lân cận; tường vách ngăn cháy, ít nhất phải có 2 lối thoát nạn, hệ thống âm thanh, vật tư trang trí, nội thất, biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…

Dù các quy định để cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được phép hoạt động đều đã được ban hành một cách chặt chẽ, trên thực tế, rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke được xây dựng, chuyển đổi từ dạng nhà ở sang cơ sở kinh doanh, ít cơ sở làm giấy phép cũng như thiết kế chuyên dụng để kinh doanh karaoke ngay từ đầu. Chưa kể việc cải tạo, chuyển đổi gần như được các chủ cơ sở tự thực hiện, không xin phép cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát được việc thiết kế phòng ốc, công năng, hệ thống thoát hiểm, hệ thống điện, chữa cháy…

Một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại thị trấn Nghĩa Đàn buộc phải mở thêm cửa thoát hiểm sau khi cơ quan chức năng đi kiểm tra. Ảnh: Đặng Cường

Ông Nguyễn Việt Đức - Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Vinh cho biết: Phòng Quản lý đô thị hiện đang tham mưu cho UBND thành phố trong việc cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà ở dân dụng. Khi làm thủ tục cấp phép người dân chỉ cần cung cấp bản vẽ thiết kế, mặt cắt công trình, đường điện, đường nước, hệ thống thoát nước thải… theo Luật Xây dựng. Còn khi công trình đã hoàn thành, họ chuyển sang mục đích kinh doanh karaoke hay một dịch vụ nào khác thì lại phải tuân theo các quy định liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Hiện nay trên thực tế, chưa có văn bản nào nói rõ việc chuyển đổi từ nhà ở sang kinh doanh karaoke cần phải tuân thủ những quy định nào, bởi vì sử dụng nhà ở để kinh doanh là điều mà pháp luật không cấm. Chưa kể, khi cấp phép cho cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động lại thuộc lĩnh vực khác phụ trách.

Kiểm tra lối thoát hiểm tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Ảnh: Đặng Cường

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có khoảng 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã được cấp phép, ngoài ra còn có một số cơ sở kinh doanh nhà hàng có bố trí máy hát karaoke.

Ông Nguyễn Hữu Trung – Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin, UBND thành phố Vinh cho biết: Từ năm 2020 UBND tỉnh đã phân cấp thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke cho các huyện, thành, thị. Tại thành phố Vinh, căn cứ vào các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mà các đơn vị liên quan cấp, Phòng Văn hoá - Thông tin sẽ thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế sau đó trực tiếp tham mưu cho UBND thành phố cấp giấy phép hoạt động.

Ông Trung cũng cho biết, một số cơ sở karaoke ra đời trước đây, khi các quy chuẩn chưa có nên có những phòng hát còn quá nhỏ. Đối với những trường hợp cấp mới, thời gian vừa qua, Phòng Văn hoá – Thông tin cũng đã từ chối cấp phép đối với những trường hợp có diện tích phòng hát dưới 12m2.

Huy động phương tiện và lực lượng để chữa cháy tại tổ hợp khách sạn-karaoke-bar Avatar. Ảnh tư liệu: Lâm Tùng

Khi cấp phép cho cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động, cơ quan chuyên trách cần thẩm định chặt chẽ, thậm chí tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn khác một cách kỹ càng. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với những nhà ở chuyển đổi sang kinh doanh karaoke. Nếu không đủ tiêu chuẩn về diện tích, không gian, an toàn thoát hiểm và phòng cháy, chữa cháy thì kiên quyết không cấp phép ngay từ đầu…

Ông Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An

Kinh doanh dịch vụ karaoke là một loại hình kinh doanh có những nét văn hoá riêng. Vì thế, để loại hình này vừa tồn tại, phát triển đồng thời đảm bảo an toàn khi hoạt động, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an về triển khai cao điểm tuyên truyền, kiểm tra đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, từ ngày 15/4/2021 đến ngày 15/5/2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả; tổ chức 841.372 lượt kiểm tra và 12.580 lượt phúc tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với toàn bộ 828.972 hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh (đạt 100%); kịp thời phát hiện 211.892 thiếu sót, vi phạm; xử phạt 76 trường hợp vi phạm với số tiền 85.650.000 đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở.

Tiến Đông