Thủ tướng yêu cầu tổng rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, quán karaoke
(Baonghean.vn) - Sáng 12/9, Bộ Công an tổ chức Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Trong 5 năm (từ năm 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng). Các vụ cháy đã làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, còn xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội vào ngày 10/9/2022. Hay nghiêm trọng nhất là vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm 32 người chết...
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông |
Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng chữa cháy dập lửa tại Phòng trà trên đường Đinh Công Tráng năm 2021. Đây là vụ cháy nhà ở kết hợp cho thuê kinh doanh có hậu quả nặng nề nhất tại TP Vinh. Ảnh: Tư liệu |
Tại Nghệ An, từ tháng 8/2017 đến tháng 4/2022 trên địa bàn đã xảy ra 568 vụ tai nạn, sự cố. Trong đó có 403 vụ cháy; 2 vụ nổ; 6 vụ tai nạn sập, đổ nhà; có 9 vụ tai nạn có người bị mắc kẹt.
Ngoài ra, có 35 vụ tai nạn, sự cố tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa có yêu cầu cứu nạn; 107 vụ tai nạn đuối nước và 6 vụ tai nạn, sự cố khác.
Các vụ cháy, nổ và tai nạn trên địa bàn trong 5 năm qua cũng đã khiến 141 người chết, trong đó có 10 người chết trong sự cố cháy, nổ; 131 người chết trong các vụ đuối nước, tai nạn giao thông, sập, đổ nhà, công trình.
Tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải |
Để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức 258 lượt xe chỉ huy, 2.237 lượt xe chữa cháy, 126 lượt xe cứu nạn, cứu hộ, 235 lượt ca nô, xuồng máy, cùng các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng và 16.904 lượt cán bộ, chiến sỹ cứu chữa kịp thời các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người trong các vụ cháy, sự cố; trực tiếp cứu được 219 người, ước tính giá trị tài sản cứu được lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, quán karaoke...
Trước thực tế ngày càng xảy ra các vụ cháy, nổ nghiêm trọng, vụ tai nạn phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; khắc phục những điểm chồng chéo liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các địa phương. Cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Một số ý kiến còn đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.
Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy tại Cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu) vào đêm 16/6/2022. Ảnh: Tư liệu Báo Nghệ An |
Một số ý kiến cũng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có cơ chế huy động các lực lượng quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được rộng rãi, đông đảo hơn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 83 của Chính phủ và các Thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an có liên quan về công tác cứu nạn, cứu hộ để phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào Công an các tỉnh, thành phố theo mô hình mới.
Đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương thì cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn nhiều bất cập. Có một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt cả phương án phòng cháy, chữa cháy nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công? Hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng xử lý vẫn chưa nghiêm. Vì thế, cần phải quy định rõ về an toàn điện trong Luật Xây dựng.
Đồng thời, siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh. Công tác phòng cháy, chữa cháy trong loại hình kinh doanh dân doanh cần phải được giám sát chặt chẽ. Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ lớn, sự việc cháy tại nhiều quán karaoke cũng là do thợ hàn, nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, việc kiểm tra máy móc của lực lượng này cũng chưa được tiến hành một cách nghiêm ngặt.
Cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và số hóa, dự báo báo cháy vì tính kịp thời, hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy chính là thời gian. Khi quy hoạch xây dựng phải gắn rất chặt với quy hoạch phòng cháy chữa cháy, coi trọng hạ tầng và thiết kế phục vụ phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị.
Sử dụng ống thoát nạn để đưa nạn nhân thoát nạn xuống vị trí an toàn tại cuộc diễn tập phòng, chống cháy nổ. Ảnh: Thành Cường |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần nhận thức đúng về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong thời kỳ mới. Hoàn thiện thể chế, đầu tư đồng bộ trang thiết bị để có thể phòng ngừa cháy, nổ một cách hiệu quả. Kiện toàn lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ...
Thủ tướng Chính phủ cũng phê bình nhiều bộ, ngành, địa phương khi đã không xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị định số 83 của Chính phủ dù Nghị định này đã ban hành cách đây 5 năm. Điều này chứng tỏ các cấp, ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo không nghiêm túc đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Chính vì thế, cần phải quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng các kế hoạch chương trình hành động cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các khu chung cư cao tầng, chợ, các quán karaoke. Xử phạt nghiêm minh, kịp thời răn đe đối với các trường hợp vi phạm, để nhằm giảm thiểu và tiến tới kiềm toả các tai nạn liên quan đến cháy, nổ.