Xây dựng nhiều mô hình thực tiễn thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên
(Baonghean.vn) - Lực lượng đoàn viên, hội viên là nòng cốt trong các hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Trong những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm tập hợp đông đảo đoàn viên vào tổ chức, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xã hội.
Phát triển tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp
Câu chuyện tập hợp, thu hút hội viên, đoàn viên tham gia tổ chức hội lâu nay vẫn là vấn đề khó và trở thành chỉ tiêu quan trọng trong các nghị quyết đại hội các tổ chức đoàn thể các cấp. Lao động trẻ ở khu vực nông thôn thường đi làm ăn xa, trong khi lao động “có tuổi” lại ngại tham gia các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, việc sáp nhập khối, xóm, thôn, bản càng đặt ra khó khăn trong việc thu hút đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt đoàn thể. Nguyên nhân được lý giải, một là do địa giới hành chính xóm rộng nên việc đi lại xa hơn; hai là tâm lý người dân khi ở xóm cũ thân thiết, hiểu biết lẫn nhau, sau sáp nhập thêm dân cư khác, do ít gắn bó nên ngại tham gia sinh hoạt.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan thực tiễn hoạt động của chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa |
Tại Hội nghị Bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 150 Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã do Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh yêu cầu tổ chức hội cơ sở, bên cạnh đề xuất, kiến nghị cấp trên thì phải tìm cách đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức hoạt động thiết thực, hấp dẫn.
Thực tiễn, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã có nhiều biện pháp, giải pháp tập hợp, thu hút đoàn viên vào tổ chức hội thông qua phát triển các mô hình, tổ chức. Ngoài chi hội xóm, bản, Hội Nông dân tỉnh tăng cường chỉ đạo thành lập các tổ, hội tương ứng với tổ dân cư mang tính gọn, sâu sát hội viên hơn, tạo thuận lợi cho hội viên hội họp, sinh hoạt. Đồng thời, thông qua đó tổ chức hội cũng dễ nắm bắt tình hình cũng như chuyển tải các chủ trương, phong trào sâu rộng đến hội viên.
Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở vùng nông thôn theo hướng đa dạng ngành nghề, đa dạng tâm lý, nhu cầu sản xuất, thời gian làm việc và thu nhập; thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp, đưa tổ chức hội hoạt động mang tính chuyên biệt, những người nuôi gà hay người nuôi lợn, nuôi bò, trồng cây ăn quả… cùng nhau thành một tổ - chi hội nghề nghiệp để bàn một vấn đề quan tâm chung.
Toàn tỉnh đã có 43 chi hội nghề nghiệp và 746 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà, lợn, bò 3B; trồng cây ăn quả; nuôi cá lồng trên sông Lam; nuôi ong lấy mật; trồng rau, củ, quả an toàn…
Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bộ 3B với nguyên tắc "5 vùng" tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng với thành lập các mô hình, tổ chức tập hợp, thu hút hội viên, Hội Nông dân tỉnh chú trọng định hướng, đổi mới nội dung sinh hoạt gắn với sản xuất, thu nhập, đời sống và những vấn đề nông dân quan tâm. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, từ năm 2023, bản tin “Tiếng nói nhà nông” của Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung định hướng, hướng dẫn nội dung sinh hoạt, trở thành tài liệu sinh hoạt cho chi hội hàng quý. Theo đó, trong định hướng với 4 kỳ sinh hoạt chi bộ trong năm, trừ 1 kỳ tổng kết, đánh giá cuối năm thì 3 kỳ còn lại, nội dung trọng tâm tập trung bàn 3 đề án sản xuất 3 vụ xuân, hè thu và đông trong năm để triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân.
Nỗ lực đổi mới, sáng tạo
Đứng trước khó khăn chung trong hoạt động đoàn thể hiện nay, không riêng tổ chức Hội Nông dân, các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong tỉnh cũng có nhiều trăn trở phát triển nhiều mô hình, tổ chức nhằm thu hút đoàn viên, hội viên vào tổ chức hội.
Ở bản Tân Thành, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây chỉ có 36 chị em tham gia vào tổ chức hội, nhưng sau khi triển khai mô hình “Sắc thái bản em” với nhiều hoạt động thiết thực đã thu hút được 72/89 chị em vào hội.
Chị Hà Thị Ước là một trong những hội viên nghèo chia sẻ: Vào hội có rất nhiều lợi ích. Hộ nghèo như chị được hỗ trợ 1 con lợn, con bò sinh sản làm sinh kế cùng với hướng dẫn cách thức chăn nuôi; con cái đến trường được hỗ trợ học tập. Đối với nhiều gia đình hội viên trong chi hội, ai ốm đau thì chi hội kêu gọi chị em giúp thu hoạch nông sản; gia đình ai có hiếu - hỉ thì chị em chung tay vào hỗ trợ, rất đoàn kết.
Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ biên giới huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC |
Có thể nói, tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi địa phương một cách làm khác nhau. Ở Hội LHPN huyện Con Cuông có mô hình thu hút hội viên cao tuổi bằng cách tổ chức các tổ văn hoá, văn nghệ giàu bản sắc dân tộc, khơi dậy niềm tự hào của chị em, gắn với hoạt động dân vũ hiện đại. Một số hoạt động, phong trào ở khu dân cư, tổ chức Hội Phụ nữ cũng đứng ra chủ trì nhằm “kéo” chị em vào cuộc cùng với hội, từ đó tham gia vào các sinh hoạt của hội.
Còn Hội LHPN huyện Quỳ Châu, trên cơ sở nắm bắt thực tiễn, hiểu được điều phụ nữ quan tâm để đưa vào nội dung hoạt động chi hội. Theo đó, nội dung sinh hoạt là cách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo, gắn với hỗ trợ sinh kế hội viên nghèo; huy động chị em hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình chị em có hiếu - hỉ hoặc khi ốm đau về ngày công, về gạo ăn, kể cả củi đốt… Cách làm này theo đồng chí Hồ Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳ Châu đã lan tỏa đến tất cả các xã và chi hội, góp phần thu hút hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số vào tổ chức hội.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh khẳng định, cùng với tập trung đổi mới nội dung hoạt động thiết thực, cụ thể và sát sườn với mong muốn, nhu cầu của hội viên, như hỗ trợ sinh kế, cung cấp kiến thức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế, tổ chức các sân chơi văn hóa, thể thao… thì việc xây dựng các mô hình thu hút hội viên trong các khu công nghiệp, hội viên là nữ trí thức, nữ doanh nhân, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ theo đạo, phụ nữ dân tộc thiểu số… đã góp phần tích cực phát triển, thu hút hội viên vào tổ chức hội.
Phụ nữ Kỳ Sơn tham gia tập luyện thi dân vũ. Ảnh: CSCC |
Với tổ chức Đoàn Thanh niên, khi lứa tuổi đoàn viên, thanh niên ở địa phương mỏng thì đổi mới, sáng tạo của tổ chức Đoàn thanh niên là tổ chức Kỳ sinh hoạt toàn Đoàn theo nhiều hình thức, như sinh hoạt Chi đoàn; sinh hoạt Liên Chi đoàn; sinh hoạt toàn Đoàn cơ sở tại một địa điểm tập trung ngoài trời, tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa; gắn sinh hoạt với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, tạo hấp dẫn. Cùng với đó, tiến hành thành lập các chi hội, chi đoàn ở khu chung cư, khu công nghiệp có nhiều đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng gắn với tổ chức các hoạt động thu hút đoàn viên tham gia.
Có thể nói, hoạt động đoàn thể mỗi giai đoạn đều có những khó khăn và trong giai đoạn hiện nay có nhiều yếu tố tác động, chi phối đến việc tập hợp, thu hút hội viên, đoàn viên. Song đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Dù khó khăn nhưng nếu biết cách làm tạo ra sự hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, tâm lý của hội viên, đoàn viên thì dù địa bàn có rộng, lứa tuổi có cao thì hội viên vẫn tìm đến mình, tham gia cùng mình. Điều này đặt ra cho từng cán bộ hội ở từng cấp tiếp tục trăn trở đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm hơn để tập hợp, thu hút tỷ lệ cao nhất hội viên vào tổ chức hội. Đây là yếu tố quan trọng, tạo sức mạnh về con người thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng tổ chức hội, góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.