Nguy cơ tái phát bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Xuân Hoàng 09/10/2022 14:31

(Baonghean.vn) - Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn Nghệ An đã cơ bản được khống chế hơn một năm nay, nhưng theo cơ quan chuyên môn, do chính quyền địa phương và người chăn nuôi chưa quyết liệt trong tiêm phòng vắc - xin, bệnh dịch này có nguy cơ cao tái bùng phát.

Biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục

Bệnh viêm da nổi cục hay còn gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò; không gây bệnh trên người. Côn trùng chân đốt, như: muỗi, ruồi, ve, mòng... được xem là véc tơ truyền bệnh. Một số động vật bị bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

Triệu chứng dễ nhận biết của con bò bị bệnh viêm da nổi cục là có nhiều nốt nổi cục trên da. Ảnh tư liệu

Qua thực tế cho thấy, bệnh viêm da nổi cục có tỷ lệ chết cao do trâu bò mắc khi bệnh thường kế phát một số bệnh, như: hô hấp, tiêu hóa, ký sinh trùng đường máu,… hoặc do không được chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Về triệu chứng, khi trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục thường có những dấu hiệu như sau: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú,… trong vòng 48 giờ bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

Khi đàn bò có hiện tượng của triệu chứng bệnh viêm da nổi cục, người chăn nuôi cần báo với chính quyền địa phương để có giải pháp phòng chống bệnh kịp thời. Ảnh tư liệu

Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, dẫn đến xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như: bao da, ức, bìu,… có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn Nghệ An từ cuối năm 2020 và bùng phát mạnh trong năm 2021. Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy, năm 2021 trên địa bàn tỉnh xuất hiện 355 ổ dịch tại 7.219 hộ, 14.87 xóm, 353 xã của 21 huyện, thị xã, thành phố. Số gia súc mắc bệnh 9.748 con trâu, bò, trong đó có 2.423 con bị chết.

Với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp, công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục từ cuối năm 2021 đến nay cơ bản đã được khống chế trong diện hẹp, không để lây lan, chỉ xuất hiện một vài ổ dịch nhỏ ở các hộ chăn nuôi nông hộ không thực hiện tiêm vắc-xin theo đúng quy định.

Trong tháng 9/2022, trên địa bàn xã Lam Sơn, huyện Đô Lương xảy ra ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, nhưng đã được cơ quan thú y khống chế trong diện hẹp. Ảnh: Xuân Hoàng

Tiêm vắc-xin để phòng bệnh

Mặc dù bệnh viêm da nổi cục đã được bao vây khống chế, nhưng nguy cơ cao sẽ tái bùng phát trong thời gian tới. Bởi theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tiêm phòng chỉ tạo hiệu giá kháng thể trong thời gian 1 năm, đến nay đã hết miễn dịch nhưng chính quyền địa phương và người chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh. Năm 2022, tiêm phòng vụ xuân hầu hết các địa phương có tỷ lệ đàn gia súc đạt rất thấp, thậm chí có những địa phương đạt tỷ lệ dưới 20% tổng đàn. Đây là lý do bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ cao tái phát trên đàn trâu, bò của tỉnh.

Người chăn nuôi cần vệ sinh môi trường trong khu vực chuồng trại đề phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để chủ động phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, việc tiêm phòng vắc-xin là yếu tố cực kỳ cần thiết, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Sau mùa mưa lũ, do tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp cộng với thời tiết thuận lợi cho các loại côn trùng: ruồi, muỗi, ve, mòng… phát triển, cùng đó mầm bệnh trong phân, chất thải trôi dạt theo dòng nước phát tán ra khắp nơi ngoài môi trường, dẫn đến không những bệnh viêm da nổi cục mà các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác bùng phát.

Vì vậy, giải pháp phòng trừ các loại dịch bệnh nói chung cho đàn vật nuôi là đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin; cùng đó, tiêu độc khử trùng thường xuyên bằng việc rắc vôi bột xung quanh chuồng trại; bà con cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh mầm bệnh xâm nhiễm. Khi tăng đàn gia súc bà con cần tìm mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh.

Tiêm phòng vắc-xin là giải pháp phòng dịch bệnh hiệu quả cho đàn bò. Ảnh: Quan An

Đặc biệt, vào mùa mưa bão, những vùng thấp trũng, bà con nên chủ động làm chuồng trên cao, hoặc sử dụng các loại vật liệu dễ nổi như thùng phuy kết lại thành bè nổi, để làm chỗ ở cho gia súc khi bị ngập nước, cùng đó là chuẩn bị lượng thức ăn khô cho gia súc.

“Giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục nói riêng, các loại bệnh nói chung đối với đàn vật nuôi hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin hàng năm. Vì vậy các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để người chăn nuôi thực hiện đạt tỷ lệ tiêm phòng đảm bảo tối thiểu 80% tổng đàn; đồng thời làm tốt công tác khai báo khi tái nhập đàn”.

ÔNG NGÔ ĐỨC QUỲNH - PHÓ CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y

Nghệ An có tổng đàn trâu, bò khoảng 800 nghìn con. Để đàn gia súc phát triển an toàn, công tác thú y trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, do vậy dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là sau những đợt mưa to kéo dài, do vậy ngoài công tác tham mưu kịp thời của cơ quan chuyên môn với UBND tỉnh, thì chính quyền địa phương các cấp và người dân cần làm tốt công tác phòng bệnh, trong đó tiêm vắc-xin là giải pháp hiệu quả nhất./.

Xuân Hoàng