Giải tỏa áp lực biên chế bậc học mầm non và thực tế ở Nghệ An

Đào Tuấn 15/10/2022 09:46

(Baonghean.vn) - Nếu tính số người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập thì ngành Giáo dục là một trong những ngành có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông đảo nhất. Tính chất, đặc thù của nghề nghiệp khiến số lượng viên chức, giáo viên không thể giảm, nếu không muốn nói có chiều hướng “phình ra” xét theo quy hoạch ngành.

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 35-NQ/CP của Chính phủ về “Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2019 – 2025”… đều hướng đến mục tiêu tinh giản biên chế, giảm dần số người hưởng lương từ ngân sách.

“Miếng bánh” mang tên biên chế

Thực tế của ngành Giáo dục cả nước nói chung và giáo dục Nghệ An thì sao? Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/5/2022, toàn ngành Giáo dục Nghệ An có tổng số 44.005 người, trong đó, có 3.441 cán bộ quản lý, 36.698 giáo viên và 3.866 nhân viên. Xét trên cơ cấu trường, lớp, số lượng học sinh các cấp, Nghệ An thiếu hơn 7.800 giáo viên; tỉnh nằm ở trung tâm Bắc miền Trung cũng là một trong những địa phương thiếu nhiều biên chế giáo viên nhất cả nước, đặc biệt đối với bậc học mầm non.

Để bổ sung giáo viên cho bậc tiểu học, nhiều năm qua Nghệ An đã điều chuyển giáo viên từ bậc THCS xuống bậc tiểu học. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, lâu nay, nhiều địa phương chủ động ký hợp đồng nhằm khỏa lấp “chỗ trống”. Có rất nhiều trường học, hiệu trưởng đứng ra ký hợp đồng nhận giáo viên thời vụ, nói đúng ra là “thuê” giáo viên tham gia đứng lớp theo từng tháng, từng quý, từng học kỳ. Và những giáo viên tham gia giảng dạy theo hình thức này không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội và hưởng các quyền lợi khác.

Cũng có những trường học, vì áp lực biên chế, một giáo viên phải dạy nhiều môn. Ví như, giáo viên Ngữ văn được bố trí dạy thêm các môn Địa lý, Lịch sử. Giáo viên môn Toán được sắp xếp dạy thêm môn Giáo dục công dân, Công nghệ…

Vì câu chuyện biên chế nên việc thực hiện các chủ trương về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện có lúc, có nơi không thể đáp ứng được yêu cầu.

Riêng đối với cấp học mầm non công lập, tính đến trước năm học mới 2022 -2023, Nghệ An có 10.870 giáo viên, trong đó, có 8.458 viên chức, 1.777 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06 (Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non), 44 giáo viên hợp đồng do UBND huyện ký và 591 giáo viên mầm non hợp đồng ngắn hạn do trường ký. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2022, gần 1.800 giáo viên mầm non theo diện hợp đồng nói trên không còn được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Trong số này, có những giáo viên đã tham gia hoạt động giáo dục nhiều năm. Phần lớn trong số họ là giáo viên trẻ, được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình sư phạm mới. Và cũng phải khẳng định rằng, đối với bậc học mầm non, không gì hiệu quả hơn nếu được các cô giáo trẻ chăm sóc, dạy dỗ theo các phương pháp giáo dục mới, phù hợp với xu thế phát triển. Thế nhưng, sự bấp bênh với công việc, thu nhập và cả sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục là điều mà các cô giáo mầm non luôn nhận thấy, nhưng đành cam chịu!

Giờ học vẽ của cô trò Trường Mầm non xã Nghi Đồng. Ảnh tư liệu: Thu Hiền

Sự bấp bênh với công việc, thu nhập và cả sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục là điều mà các cô giáo mầm non luôn nhận thấy, nhưng đành cam chịu!

“Phao cứu sinh” cho các cô giáo mầm non

Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, Trung ương đã giao bổ sung biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026 cho các địa phương trong cả nước. Cũng căn cứ theo Quyết định số 72, năm học 2022 - 2023, Nghệ An được bổ sung 2.820 biên chế, trong đó, bậc mầm non là 2.164 biên chế, tiểu học 498 biên chế, trung học cơ sở 142 biên chế và trung học phổ thông là 16 biên chế.

Có thể nói, Quyết định số 72 của Bộ Chính trị được ban hành trong thời điểm đầu năm học mới như một “chiếc phao cứu sinh” giúp 1.777 giáo viên mầm non ở Nghệ An đang chới với tìm thấy điểm tựa tin cậy. Tiếp đó, ngày 16/9/2022, trong cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp liên quan phải ưu tiên tuyển dụng các giáo viên hợp đồng đủ điều kiện vào biên chế, xây dựng bộ tiêu chí tuyển dụng nhằm đảm bảo khách quan, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

Trên tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại cuộc thẩm tra Dự thảo Nghị quyết bổ sung biên chế giáo viên mầm non vào tổng biên chế toàn tỉnh năm 2023 do Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành, các đại biểu đều thống nhất với chủ trương tuyển dụng hết số giáo viên bậc mầm non hợp đồng theo diện Thông tư liên tịch số 09, ban hành ngày 11/03/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Nghị định 06 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Dự thảo Nghị quyết sẽ được HĐND tỉnh xem xét thông qua vào kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 12/10/2022.

Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng vẫn đang mong mỏi trở thành “người Nhà nước”. Ảnh minh hoạ, tư liệu: Mỹ Hà

Giải pháp cứu cánh cho giáo viên mầm non hợp đồng đã có, tuy nhiên, vấn đề khiến không ít người băn khoăn là công tác tuyển dụng sẽ diễn ra như thế nào. Tuyển dụng cũng có nghĩa là các cô giáo mầm non phải trải qua một kỳ sát hạch về chất lượng. Về nguyên tắc, người nào đáp ứng tốt bộ tiêu chí tuyển dụng; người nào năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu thì sẽ trở thành “người Nhà nước”. Ai không thỏa mãn được điều kiện thì nghỉ. Điều khiến nhiều người lo lắng chính là điều mà Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã nêu. Đó chính là tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng. Thực tế, trước đây, nhiều viên chức ngành Giáo dục các địa phương nhiều lần mất tiền để “chạy” biên chế, nhưng vẫn chỉ nhận về lời hứa suông. Có người được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích giáo dục nhưng cũng ngậm ngùi phải ra khỏi dây chuyền vì câu chuyện tuyển dụng, thi tuyển. Điều dư luận cần nhất lúc này là sự công tâm, khách quan.

Ngày 21/9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2854/QĐ-UBND về việc cấp kinh phí để chi trả lương và các chế độ cho giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng 06, 09. UBND tỉnh đã quyết định trích ngân sách tỉnh và nguồn kinh phí khác với số tiền hơn 118 tỷ đồng, cấp bổ sung cho ngân sách các huyện, thành phố, thị xã để hỗ trợ cho giáo viên mầm non hợp đồng.

Đào Tuấn