Thiếu giáo viên, Nghệ An “thích ứng” để đảm bảo dạy và học

P.V: Thưa GS.TS Thái Văn Thành, là người đứng đầu ngành Giáo dục, ông hãy lý giải vì sao Nghệ An là một trong những tỉnh, thành thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước?

Những lớp học ghép của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương).
Những lớp học ghép của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương).

GS.TS Thái Văn Thành: Giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, Nghệ An là một trong những tỉnh thực hiện rất chặt chẽ khâu biên chế và giao biên chế thấp hơn tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định. Sau này, thực hiện các Nghị quyết Trung ương Đảng về tinh giản biên chế, đội ngũ giáo viên toàn tỉnh lại tiếp tục giảm 10% nên số giáo viên đang có đã thấp lại còn tiếp tục thấp. Nếu so sánh với các tỉnh, thành khác đã giao đủ chỉ tiêu thì khi tinh giản giáo viên, số giáo viên bị thiếu không nhiều. Chẳng hạn, trong khi giáo viên tiểu học phải đáp ứng 1,5 giáo viên/lớp thì tỉnh ta chỉ giao 1,2 giáo viên/lớp và bây giờ giảm xuống chỉ còn 1,15 giáo viên/lớp. Đây cũng có thể xem là tinh thần “tiết kiệm” của người dân xứ Nghệ.

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng đó là do số học sinh cơ học tăng quá nhanh, trung bình một năm, một độ tuổi tăng 5.000 em và cá biệt năm 2019, số học sinh lớp 1 tăng đột biến đến 17.000 em. Điều này ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên và cộng dồn lại thì bậc nào cũng thiếu. Hơn nữa, khoảng gần 4 năm trở lại đây, Bộ Nội vụ gần như không bổ sung biên chế cho mầm non, tiểu học và THPT của Nghệ An nên diễn ra tình trạng thiếu giáo viên rất lớn. Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, Nghệ An thiếu trên 7.800 biên chế, trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 người và tiếp đó là bậc tiểu học, THCS và THPT và đội ngũ nhân viên. Hiện, Nghệ An mới được bổ sung hơn 2.800 biên chế nhưng số giáo viên vẫn thiếu hơn gần 7.000 người do số lớp, số học sinh trong năm học này vẫn tiếp tục tăng.

Ngành Giáo dục cũng đã tiến hành thống kê, dự báo tình hình gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học trong các năm tới. Theo đó, dự kiến, trong 5 năm tới, Nghệ An sẽ tăng khoảng 92.000 học sinh và đến năm 2030 tăng trên 122.000 học sinh. Số lượng lớp học sẽ tăng 2.228 (năm 2025) và 3.980 lớp (năm 2030). Do số lượng học sinh tăng nhanh nên Nghệ An sẽ cần thêm 9.812 giáo viên (năm 2025) và 13.307 giáo viên (năm 2030).

Số học sinh tăng nhanh khiến cho việc bố trí giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Số học sinh tăng nhanh khiến cho việc bố trí giáo viên gặp nhiều khó khăn.

P.V: Việc thiếu giáo viên diễn ra ở Nghệ An đã nhiều năm nay. Điều này dẫn đến những khó khăn nào cho các nhà trường, đặc biệt là khi hiện nay ngành Giáo dục Nghệ An đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

GS.TS Thái Văn Thành: Rất nhiều khó khăn cho các nhà trường hiện nay khi tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều cấp học, bậc học, đặc biệt là ở bậc mầm non, tiểu học. Đó là nhiều địa phương không có đủ giáo viên để bố trí đủ đứng lớp theo như quy định và thiếu giáo viên ở các môn đặc thù với bậc tiểu học như môn Tin học và tiếng Anh, nhất là ở các huyện miền núi như vùng sâu, vùng xa. Ở bậc THCS, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn. Trong đó, xu hướng là thiếu nhiều giáo viên ở các môn học theo Chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông năm 2018 như các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, Giáo dục công dân.

So với nhiều tỉnh, thành khác, địa bàn của tỉnh Nghệ An phức tạp nên việc bố trí quy mô trường lớp cũng có những đặc thù riêng. Toàn tỉnh có 1.555 trường nhưng có đến 1.040 điểm trường. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên của các nhà trường. Việc dạy các môn năng khiếu, môn đặc thù khó triển khai ở các điểm trường lẻ vì không đủ giáo viên hoặc điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo.

P.V: Việc thiếu giáo viên đã được ngành Giáo dục dự báo trước. Vậy, ngành có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

GS.TS Thái Văn Thành: Như tôi đã nói, năm học này, Nghệ An thiếu khoảng 7.000 giáo viên và ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức dạy học ở các nhà trường. Trong bối cảnh trên, Nghệ An đã phải tăng sĩ số học sinh/lớp, tối đa theo các quy định. Thậm chí ở vùng đồng bằng, thành phố vượt trần tối đa theo quy định.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến ở bậc tiểu học.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến ở bậc tiểu học.

Thứ hai, ngành đã tích cực rà soát, sắp xếp trường lớp, dồn dịch các điểm trường để “tiết kiệm” giáo viên. Với phương châm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ngành cũng đã thực hiện ký hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao.

Với những môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đã điều động các giáo viên thừa thiếu cục bộ đi học văn bằng 2, hoặc đi học chương trình quy định của Bộ để dạy Tin học hoặc các môn Khoa học, công nghệ, Khoa học tự nhiên. Về lâu dài, chúng tôi cũng mong muốn Trung ương, Bộ Nội vụ và các ban, ngành liên quan tiếp tục bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục Nghệ An sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

P.V: Thưa ông, năm học này, việc triển khai chương trình mới được bắt đầu áp dụng với lớp 10 và có tình trạng rất nhiều trường học không tổ chức được các môn tự chọn nghệ thuật như Mỹ thuật, Âm nhạc. Điều này, chắc chắn sẽ dẫn đến thiệt thòi cho học sinh. Trước mắt, ngành có chỉ đạo như thế nào và trong thời gian qua, ngành đã có sự chuẩn bị thế nào về đội ngũ để việc thực hiện chương trình mới tránh bị động và lúng túng?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thăm các học sinh tại Trường THCS Hưng Hòa - thành phố Vinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thăm các học sinh tại Trường THCS Hưng Hòa - thành phố Vinh.

GS.TS Thái Văn Thành: Tạm thời, với các môn nghệ thuật với học sinh lớp 10 các nhà trường có thể ký hợp đồng với các giáo viên THCS lên dạy THPT hoặc có thể mời các trường cao đẳng, nghệ thuật về đứng lớp. Còn lâu dài, chắc chắn phải tuyển thêm biên chế cho các môn học này các giáo viên mới có thể yên tâm công tác. Ngoài ra, mỗi giáo viên nghệ thuật căn cứ vào số tiết có thể dạy liên trường để tiết kiệm biên chế.

Đầu năm nay, Nghệ An cũng đã thông qua Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

P.V: Trước đây, nhiều học sinh giỏi không mặn mà với ngành Sư phạm. Tuy nhiên, thực hiện chính sách thu hút, những năm gần đây có không ít sinh viên giỏi của các trường Sư phạm đã được tuyển dụng ở Nghệ An. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông? Trong Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có nói đến việc đào tạo “đặt hàng” sinh viên sư phạm. Vậy muốn triển khai hiệu quả cần điều kiện gì?

Giáo viên huyện Quỳ Châu tập huấn để chuẩn bị cho Chương trình thay sách giáo khoa mới.
Giáo viên huyện Quỳ Châu tập huấn để chuẩn bị cho Chương trình thay sách giáo khoa mới.

GS.TS Thái Văn Thành: Việc thu hút sinh viên giỏi được thực hiện Theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Bên cạnh đó, từ năm 2014, Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định 09/2014/QĐ.UBND.VX về một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Theo đó, học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia từ giải khuyến khích trở lên, đăng ký đi ngành sư phạm cùng môn đạt giải, cam kết trở về tỉnh công tác, có kết quả học tập ở bậc đại học các trường trọng điểm loại giỏi trở lên được bố trí giảng dạy tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, các trường THPT tỉnh Nghệ An khi có nhu cầu và được hỗ trợ một lần ban đầu bằng 60 lần mức lương cơ sở tại thời điểm bố trí công tác.

Qua gần 10 năm triển khai, số học sinh là học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào ngành Sư phạm ngày một tăng và đã có khá nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào ngành. Tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, điều đáng mừng là khoảng 3 năm trở lại đây, chúng ta không chỉ tuyển dụng được sinh viên các ngành xã hội mà nhiều sinh viên là học sinh giỏi quốc gia các ngành như Vật lý, Toán và Hóa học cũng đã được tuyển dụng. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành Giáo dục Nghệ An và sẽ là động lực để khuyến khích nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế lựa chọn đăng ký vào ngành Sư phạm.

Trong những năm tới, Nghệ An cũng dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên (đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển (như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) cho các địa phương miền núi khó tuyển dụng. Tuy nhiên, để đề án triển khai hiệu quả thì ngoài cơ chế, tỉnh cần bổ sung đủ biên chế cho ngành giáo dục, trên cơ sở đó mới có thể thực hiện được việc đặt hàng sinh viên.

P.V: Xin cảm ơn GS.TS Thái Văn Thành!