Nghệ An: Giáo viên hợp đồng và các địa phương mong mỏi biên chế

Mỹ Hà 23/10/2022 08:50

(Baonghean.vn) - Nghệ An vẫn đang còn gần 2.000 giáo viên hợp đồng ở nhiều bậc học khác nhau. Trong đó, có những người đã công tác trên 10 năm và có nhiều cống hiến cho đơn vị.

Trước thông tin Nghệ An được bổ sung hơn 2.800 biên chế, nhiều kỳ vọng đã được gửi đến để mong sớm được ổn định công tác, yên tâm gắn bó với trường, với lớp, với học trò.

1. Cô giáo Phan Thị Huyền - giáo viên dạy Sinh học - Trường THCS Lê Thị Bạch Cát - Thị xã Cửa Lò


Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh từ năm 2011 và về nhận công tác tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát từ đấy đến nay, gần 12 năm và vẫn là giáo viên hợp đồng.

So với những giáo viên biên chế, dù nhiệm vụ giống nhau nhưng chúng tôi bị thiệt thòi nhiều mặt, nhất là về chế độ. Như là dịp hè, chúng tôi nhận lương, nhưng không có tiền đứng lớp. Giáo viên hợp đồng cũng không được xét chức danh nghề nghiệp để hưởng bậc lương mới và ngoài ra còn những thiệt thòi khác về mặt tinh thần và chúng tôi không yên tâm công tác.

Nguyện vọng chúng tôi hiện nay là các cơ quan, ban, ngành giúp đỡ và có các chính sách hỗ trợ để giáo viên hợp đồng khi chưa được vào biên chế. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong khi có chỉ tiêu, hợp đồng, các cơ quan ban, ngành xem xét để những giáo viên hợp đồng lâu năm, đã cống hiến nhiều cho ngành được vào biên chế để chúng tôi sớm ổn định công việc.

Cô giáo Phan Thị Huyền - giáo viên dạy Sinh học - Trường THCS Lê Thị Bạch Cát - Thị xã Cửa Lò. Clip: Mỹ Hà - Đình Tuyên

2. Thầy giáo Hoàng Duy Hợi - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thị Bạch Cát - Thị xã Cửa Lò.


Trường Lê Thị Bạch Cát được thành lập từ năm 2009 và hiện đội ngũ của trường có 38 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 giáo viên, 1 nhân viên hợp đồng. Họ đều là những người gắn bó lâu năm với trường, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1977, hiện vừa là giáo viên Ngữ văn, vừa là Tổng phụ trách Đội. Dù thị xã và nhà trường đã quan tâm, cố gắng để chi trả lương, được tăng lương và các khoản phụ cấp để giáo viên, nhân viên hợp đồng yên tâm, nhưng so với các giáo viên khác họ có những thiệt thòi như không được trả tiền đứng lớp trong dịp hè, không được xét thăng hạng.

Mặc dù còn nhiều thiệt thòi nhưng những năm qua, các giáo viên, nhân viên hợp đồng ở trường chúng tôi rất hăng hái, tham gia mọi nhiệm vụ nhà trường đề ra, đặc biệt là trong việc dạy và triển khai các hoạt động giáo dục. Trong đó, có những cô là giáo viên dạy giỏi tỉnh, giáo viên dạy giỏi thị xã, các giáo viên hàng năm đều có nhiều học sinh giỏi tỉnh. Nhà trường đánh giá rất cao năng lực chuyên môn của các giáo viên hợp đồng, họ được đào tạo cơ bản, đều tốt nghiệp đại học chính quy và được nhà trường tin tưởng giao việc bồi dưỡng học sinh giỏi, đứng lớp dạy các khối theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chúng tôi mong muốn cấp trên tạo điều kiện để giáo viên và nhân viên hợp đồng được sớm vào biên chế nhà nước để được hưởng các quyền lợi chính đáng.

Thầy giáo Hoàng Duy Hợi - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thị Bạch Cát - Thị xã Cửa Lò. Clip: Mỹ Hà - Đình Tuyên

3. Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn


Việc bố trí đội ngũ giáo viên ở huyện Kỳ Sơn hiện nay đang có nhiều bất cập. Trong đó, với giáo viên Tiếng Anh do quy định chuẩn về tuyển dụng giáo viên tiểu học phải có bằng đại học nên con em Kỳ Sơn sau khi học cao đẳng về rất khó tuyển dụng. Hiện toàn huyện có 33 trường nhưng chỉ có 12 giáo viên Tiếng Anh, huyện có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không có hồ sơ đăng ký để nộp thi tuyển. Đây là một thực trạng diễn ra vài năm nay ở Kỳ Sơn.

Ở cấp THCS, hiện đang thừa thiếu cục bộ. Ví dụ, giáo viên Ngữ văn, Lịch sử thì rất nhiều nhưng thiếu các môn đặc thù như Địa lý, Hóa học… Do đó, việc dạy chéo môn ở Kỳ Sơn diễn ra rất nhiều. Với giáo viên mầm non, tại thời điểm này do tổng chỉ tiêu được giao toàn ngành ở cả ba bậc học. Nhưng thực tế Kỳ Sơn lại đang thừa giáo viên THCS và chiếm mất tỷ lệ của giáo viên mầm non, không có chỉ tiêu được tuyển dụng.

Với đặc thù của huyện miền núi Kỳ Sơn, hiện giáo viên mầm non đang thiếu rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, trong quá trình tuyển dụng với giáo viên Tiếng Anh, cấp trên cần trừ chỉ tiêu tuyển dụng để họ hoàn thiện bằng cấp để chúng tôi có thể tuyển dụng Tiếng Anh ở trình độ cao đẳng.

Toàn huyện giáo viên mầm non chỉ đạt 1,5 giáo viên/lớp (trong khi đó theo quy định cần 2.0 giáo viên/lớp - với lớp 5 tuổi) nên chúng tôi mong muốn chỉ tiêu sắp tới được giao chúng tôi sẽ được ưu tiên để bố trí giáo viên mầm non và giáo viên Tiếng Anh.

Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn. Clip: Mỹ Hà - Đình Tuyên

4. Cô giáo Lương Thị Nguyệt - giáo viên hợp đồng 06 - 09 - Trường Mầm non Kim Sơn - Quế Phong


Tôi đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử và đã học lên thạc sĩ. Ban đầu tôi vẫn nghĩ rằng sẽ theo con đường đầu tiên mà mình đã lựa chọn. Tuy nhiên, cuộc sống không thể theo những điều mình mong muốn và tôi rẽ ngang sang làm giáo viên mầm non được nhiều năm. Thực tế, những năm qua, với mức lương khiêm tốn, tôi đã có những lúc thấy khó khăn và nghĩ rằng mình có thể tìm công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống. Nhưng rồi, có nhiều yếu tố khiến tôi không thể từ bỏ công việc mà mình đã lựa chọn. Như những năm đầu tiên, tôi được phân công công tác vào Trường Mầm non Thông Thụ và có 3 yếu tố giữ chân tôi lại, thứ nhất đó là đồng nghiệp, sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường. Lúc đó, con tôi chỉ dưới 12 tháng tuổi, chồng tôi công tác ở ngành lực lượng vũ trang xa nhà và tôi luôn nhận được sự chia sẻ của đồng nghiệp và nhà trường, tôi luôn được phân công ở điểm trường gần nhất để thuận tiện công tác.

Thứ hai là hình ảnh của những học trò bé nhỏ, buổi sáng các em đem xôi, đem thức ăn đến cho cô. Hình ảnh của những học sinh quần áo có thể không đầy đủ, không có dép để đi nhưng các em vẫn đến trường đến lớp vui vẻ, yêu cô, yêu trường. Thứ nữa là sự quan tâm của phụ huynh đến giáo viên. Những điều đó, giữ chân tôi lại với nghề, khiến chúng tôi thấy ấm lòng và điều đó buộc tôi phải nâng cao năng lực bản thân, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nhà giáo để có thể gắn bó lâu dài với nghề. Thời gian tới, chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của phòng giáo dục và đào tạo để những giáo viên 06 - 09 được vào biên chế, để chúng tôi có động lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Cô giáo Lương Thị Nguyệt - giáo viên hợp đồng 06 - 09 - Trường Mầm non Kim Sơn - Quế Phong. Clip: Mỹ Hà - Đình Tuyên

5. Thầy giáo Lương Quốc Cường - Giáo viên hợp đồng môn Tin học - Trường Tiểu học Kim Sơn - Quế Phong

Tôi tốt nghiệp từ năm 2009 và công tác rất nhiều trường, tôi rất yêu ngành, yêu nghề và luôn mong học sinh sẽ tiếp nhận được công nghệ thông tin, làm quen với Tin học.

13 năm công tác, điều tôi lo lắng là mình vẫn đang là giáo viên hợp đồng. Với mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, quả thực không đủ để trang trải bởi riêng tiền xăng xe đi lại đã chiếm một tỷ lệ phần trăm khá nhiều, tôi còn có con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn. Hiện, ngoài công việc ở trường, tôi vẫn có nhận thêm công việc làm thêm ở ngoài nhưng công việc không đều vì mình còn bận công việc đứng lớp. Cuộc sống lâu nay vẫn phụ thuộc nhiều vào đại gia đình. Vì nhiệt huyết nghề nghiệp, tôi mong rằng, các cấp lãnh đạo để tạo điều kiện xem xét có chỉ tiêu biên chế giáo viên Tin học để chúng tôi sớm được vào biên chế, yên tâm công tác vì sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Lương Quốc Cường - Giáo viên hợp đồng môn Tin học - Trường Tiểu học Kim Sơn - Quế Phong. Clip: Mỹ Hà - Đình Tuyên

Trước đó, Bộ Nội vụ đã bổ sung cho Nghệ An 2.820 biên chế để giải bài toán thiếu giáo viên đang diễn ra trầm trọng trên địa bàn. Số chỉ tiêu được phân bổ cụ thể ở 4 bậc học, gồm 2.164 biên chế giáo viên mầm non; 498 biên chế giáo viên tiểu học; 142 biên chế giáo viên trung học cơ sở; 16 biên chế giáo viên trung học phổ thông./.

Mỹ Hà