Freedom House lại xuyên tạc, bóp méo sự thật ở Việt Nam

Trần Lâm 25/10/2022 20:01

(Baonghean.vn) - Tổ chức Freedom House có trụ sở ở Hoa Kỳ vừa ra báo cáo “Tự do Internet 2022”, trong đó xếp hạng Việt Nam là một trong 5 quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới. Đây là đánh giá rất phiến diện, xuyên tạc hoàn toàn tình hình ở Việt Nam.

Báo cáo “đổi trắng thay đen”

Theo đó, báo cáo công bố hôm 18/10 của Freedom House quy chụp rằng Việt Nam không có tự do Internet, chỉ đạt 22 điểm trên thang điểm 100, trong đó 12 điểm cho danh mục “trở ngại để truy cập”, 6 điểm cho “giới hạn nội dung” và 4 điểm cho “vi phạm quyền của người dùng”.

Điều đáng nói, từ khi Internet phát triển bùng nổ trên thế giới, tổ chức phi lợi nhuận được Hoa Kỳ tài trợ này liên tục xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do Internet. Đây là năm thứ ba liên tiếp Freedom House xuyên tạc Việt Nam bị chấm điểm 22/100, và là năm thứ 7 liên tiếp tổ chức này cho rằng Việt Nam không có tự do Internet.

Những đánh giá về tự do Internet ở Việt Nam của Freedom House là vô giá trị. Ảnh chụp màn hình

Cùng với Việt Nam, các nước khác cũng bị xếp ở nhóm cuối cùng như: Trung Quốc, Nga, Iran, Cuba, Myanmar, Pakistan… Các tiêu chí để “chấm điểm” cũng do tổ chức này “tự nghĩ” ra, dựa trên chiêu bài nhân quyền và tự do ngôn luận; như: hành vi ngăn chặn các trang web, các tài khoản ủng hộ chính phủ, chính sách kiểm soát an ninh mạng, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật mà được các thế lực thù địch gọi là “nhà hoạt động”…

Báo cáo của Freedom House tổng hợp các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022 về tình hình Internet tại Việt Nam. Trong đó, xuyên tạc rằng chính phủ đã ra lệnh cho các công ty truyền thông xã hội quốc tế gỡ bỏ hàng nghìn nội dung, đặc biệt nhắm vào những lời chỉ trích quan chức nhà nước; chính quyền áp dụng các bản án tù đối với những người bảo vệ nhân quyền và những người sử dụng Internet vì các hoạt động trực tuyến của họ, bao gồm cả bản án 10 năm tù dành cho nhà hoạt động Trịnh Bá Phương...

Trước đó, vào tháng 6/2022, trong báo cáo về “Bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong”, Freedom House cũng trắng trợn xuyên tạc rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia “thực hiện đàn áp xuyên quốc gia nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương”; “tiến hành tấn công mạng vào các tổ chức hỗ trợ người Việt tị nạn và thúc đẩy nhân quyền”; “quấy rối, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu đối với các “nhà dân chủ”…

Rõ ràng, những báo cáo nói trên của Freedom House là vô giá trị.

Việc tiếp cận Internet và mạng xã hội tại Việt Nam rất thuận lợi. Ảnh: Tư liệu

Thực tế, Việt Nam là quốc gia phát triển Internet thuộc nhóm đầu của thế giới. Trên dải đất hình chữ S này, người người dùng mạng, nhà nhà dùng mạng. Mọi người được tự do lập tài khoản trên mạng xã hội và hoạt động thoải mái theo nhu cầu của bản thân. Khác với nhiều quốc gia khác, Việt Nam không chặn hoặc cấm đoán bất kỳ mạng xã hội hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia Internet. Các công ty công nghệ (chủ yếu công ty của Hoa Kỳ) như Google (YouTube, Google), Meta (Facebook), ByteDance (TikTok)… hoạt động và phát triển mạnh, thu nhiều lợi nhuận từ thị trường Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 10/2022, Việt Nam có gần 82 triệu người đăng ký mạng băng thông rộng di động, tương đương 83% tổng số người dùng. Số đăng ký mạng băng thông rộng máy tính là gần 21%. Trung bình mỗi ngày, một người trên lãnh thổ Việt Nam lướt web hơn 6 tiếng rưỡi; số lướt web hơn 9 tiếng mỗi ngày chiếm 22%. Tốc độ đường truyền tại Việt Nam được đánh giá tương đối tốt. Cụ thể theo Ookla Speedtest thì tốc độ tải xuống từ điện thoại di động là 39.48Mbps so với mức trung bình toàn cầu là 33.17Mbps.

Một thủ đoạn trong chiến lược diễn biến hoà bình

Freedom House là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào tháng 10 năm 1941. Kinh phí hoạt động chủ yếu do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Tổ chức này tự cho mình là “tiếng nói rõ ràng cho dân chủ và tự do trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, hầu hết quốc gia và tổ chức quốc tế không công nhận những báo cáo, đánh giá hàng năm của tổ chức này. Nguyên nhân vì họ cho rằng tổ chức này thiên về lợi ích của Hoa Kỳ.

Cùng với Việt Nam, nhiều nước đối lập với Hoa Kỳ bị đánh giá thấp về tự do trên Internet. Ảnh chụp màn hình

Rõ ràng, những báo cáo của Freedom House là nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa và các nước không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Những đánh giá của tổ chức này chỉ dựa vào những tiểu tiết, những tình huống vặt vãnh mà không đánh giá toàn bộ cục diện. Vì vậy, mới có tình trạng là nhiều năm liền đánh giá Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Nga, Iran… không có tự do Internet.

Thực chất, việc lập nên các tổ chức phi lợi nhuận để đánh giá tình hình của một quốc gia, chính là một thủ đoạn trong chiến lược diễn biến hoà bình của các nước đế quốc. Do vậy, chúng ta dễ nhận thấy, các tổ chức dạng như thế này có sự liên kết với nhau và “na ná” nhau về các tiêu chí “chấm điểm”, đánh giá. Hàng năm, đến hẹn lại lên, các tổ chức này ra các báo cáo về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia đối lập. Hầu hết, các đánh giá đều thấp và dựa trên chiêu bài nhân quyền, tự do, dân chủ. Và bám theo các báo cáo, nhận xét từ các trang thông tin đối lập như VOA, RFA và các tài khoản của các tổ chức phản động, khủng bố, các phần tử lưu vong.

Mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tiếp nhận thông tin từ các trang thông tin đối lập. Ảnh chỉ có tính minh họa

Tất cả các thủ đoạn trên đều vì một mục đích là nhằm hạ thấp, làm mất hình ảnh của Việt Nam và các nước đối lập. Từ đó, lôi kéo các quốc gia và các tổ chức không hợp tác hoặc từ chối quan hệ nhằm cô lập Việt Nam. Về lâu dài, từ các báo cáo thường niên, chúng tạo thành kho dữ liệu giả, chứng cứ giả, đợi khi có cơ hội thì lấy đó làm cái cớ để can thiệp vào nội bộ nước ta.

Đây là những hành vi rất thâm độc và xảo trá, mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tiếp nhận thông tin./.

Trần Lâm