Việt Nam: Đất nước thân thiện và khát vọng hùng cường
(Baonghean.vn) - Trong những ngày qua, dư luận trong nước và truyền thông thế giới dành sự chú ý đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
Chuyến thăm ý nghĩa này đúng vào thời điểm nước ta kỷ niệm 45 năm tham gia vào tổ chức Liên hợp quốc; vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đồng thời, vừa được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Không khí nồng ấm, thanh bình
Trên không gian báo chí trong nước và quốc tế, hình ảnh người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc có mặt tại nhiều địa điểm ở Việt Nam chiếm lĩnh vị trí ở nhiều ấn phẩm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc có hai ngày lưu lại Việt Nam, và theo đánh giá của giới quan sát, lịch làm việc của ông gần như kín thời gian. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông António Guterres đã đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch; đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; dự lễ đón chính thức, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ...
Chiều 21/10/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Ảnh: VOV |
Như chia sẻ của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, cách đây 45 năm khi mới gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam là đất nước nghèo, lạc hậu, còn hiện nay Việt Nam đang trở thành nền kinh tế năng động không chỉ của khu vực mà còn của cả thế giới. Vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng được coi trọng, đánh giá cao tại diễn đàn Liên hợp quốc. Khi trò chuyện, đối thoại với thanh niên, sinh viên Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ sự xúc động khi được chào đón trong không khí nồng ấm, tình cảm của nhân dân Việt Nam trong suốt hành trình ông đến thăm và làm việc tại đất nước yên bình và xinh đẹp này.
Một đất nước thân thiện, mến khách
Thực ra, không riêng gì người đàn ông đến từ quê hương Bồ Đào Nha cảm nhận được tấm thịnh tình, lòng mến khách của người dân trên khắp dải đất hình chữ S, mà trước ông, đã có rất nhiều nguyên thủ quốc gia, nhà hoạt động chính trị tới thăm Việt Nam. Hẳn truyền thông thế giới vẫn còn lưu giữ những hình ảnh rất đỗi bình dị - bình dị đến đặc biệt của đất nước này. Đó là cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand tản bộ ở bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội); là Tổng thống Mỹ Bill Clinton được người dân Thủ đô chào đón khi ông đến Hà Nội để bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 25 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Ông Bill Clinton cùng vợ và con gái còn đến Việt Nam nhiều lần sau đó. Người dân Việt Nam vẫn chưa quên hình ảnh bà Hillary Clinton đội nón lá đi thăm thú khắp đất nước đặc biệt này.
Người dân Việt Nam đón chào Tổng thống Mỹ Bill Clinton rất nồng nhiệt. Ảnh: Tư liệu |
Cũng từ nước Mỹ, đó còn là hình ảnh Tổng thống Barack Obama giản dị đến tự nhiên khi tìm đến một quán ăn khiêm nhường để thưởng thức món bún chả truyền thống của người Việt Nam trên phố Lê Văn Hưu ở Hà Nội. Đó còn là hình ảnh Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ăn bánh mì trên vỉa hè ở thành phố Đà Nẵng; là Thủ tướng Canada Justin Trudeau chạy bộ thể dục trên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn, Việt Nam là quốc gia được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lựa chọn để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (lần hai) diễn ra vào ngày 28/2/2019. Người phương Tây và cả thế giới đã ngỡ ngàng, ngả mũ trước Nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Một đất nước mà chưa có thế kỷ nào không bị chiến tranh tàn phá. Thế nhưng, thế giới đã không nhìn thấy một Việt Nam hằn học, thù địch, thay vào đó người dân Việt Nam đã cho thế giới thấy một Việt Nam thân thiện, yên bình và giàu thiện chí. Chính bởi thế, việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảm nhận được không khí nồng ấm ở bất cứ nơi đâu ông qua trên đất nước này đều là điều dễ hiểu.
Một đối tác tin cậy và có trách nhiệm
Trong lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập tổ chức Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn vì sự viện trợ của Liên hợp quốc đối với nhân dân Việt Nam trong giai đoạn nước ta tái thiết sau chiến tranh. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến các chương trình viện trợ lương thực, y tế mà Liên hợp quốc đã dành cho người dân Việt Nam vào những năm tháng khó khăn nhất. Ở chiều ngược lại, những năm gần đây, với sự hội nhập sâu vào nền kinh tế, chính trị, văn hóa thế giới dưới vai trò lãnh đạo của Liên hợp quốc, Việt Nam đang cho thấy mình là một quốc gia đối tác có trách nhiệm.
Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam làm lễ xuất quân thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc tại phái bộ UNISFA. Ảnh: VOV |
Hoạt động tham gia vào các lĩnh vực trụ cột của Liên hợp quốc của Việt Nam đã khẳng định điều này. Các phái bộ Việt Nam tham gia giữ hòa bình tại Nam Sudan, tại Cộng hòa Trung Phi hay tại Abyei đã ngày càng giúp cho vai trò Liên hợp quốc đối với các vấn đề quốc tế thêm rõ nét. Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực tham gia tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền hòa bình của thế giới.
Một niềm tin sắt đá của dân tộc
Nhưng quan điểm của Đảng và Chính phủ ta là không mơ hồ, không đánh đổi lợi ích quốc gia dân tộc bằng một sức mạnh ảo tưởng nào đó. Mục tiêu cao nhất của Việt Nam là bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước, bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Cũng bởi thế, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia thực hiện tích cực và đầy đủ các cam kết quốc tế, thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Khi chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đang diễn ra thì đâu đó trên không gian mạng, một số đối tượng cố tạo ra cái gọi là “thư chung” gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Những tiếng kêu rời rạc từ một số tổ chức phi chính phủ núp bóng từ nước ngoài muốn thông qua người đứng đầu Liên hợp quốc yêu cầu Việt Nam thả tự do cho một số đối tượng phạm tội mà được gắn với cái mác “các nhà hoạt động vì môi trường”. Rồi vẫn là những thứ không ngừng được rêu rao như: “tòa án lương tâm”, “nhân quyền”… Nên nhớ rằng, không phải ngẫu nhiên mà mới đây Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Điều này và tất cả những gì đã đề cập ở trên góp phần đánh tan những nghi ngại của quốc tế về Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển. Điều này nữa, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 7,2%. Việt Nam là một trong số hai quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng khả quan nhất trong năm nay. Việt Nam đã bằng nhiều cách để thực hiện khát vọng hùng cường và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó.
Thành phố Hà Nội. Ảnh: VOV |