Nghệ An: Các khoản thu tự nguyện phải đảm bảo 3 nguyên tắc: thỏa thuận, công khai và không cào bằng

Mỹ Hà (Thực hiện) 06/11/2022 11:04

(Baonghean.vn) - Đã đến giữa học kỳ I của năm học 2022 - 2023, những vấn đề triển khai các khoản thu chi đầu năm học vẫn nhận được nhiều ý kiến của người dân.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Thái - Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An xung quanh những vấn đề liên quan.

P.V: Thu chi luôn là một vấn đề nóng đầu năm học. Về phía Hội đồng nhân dân tỉnh và đơn vị quản lý là Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Ông Chu Đức Thái: Việc thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục và đào tạo đã được quy định theo các văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến tỉnh. Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng như ngành Giáo dục đã rất quyết liệt chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thu các khoản đầu năm theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua phản ánh và trực tiếp khảo sát thì chúng tôi nhận thấy có những đơn vị chưa thực sự thực hiện đúng quy định, vẫn tự đặt ra một số khoản thu chưa đúng với quy định, gây bức xúc cho phụ huynh. Vì vậy các khoản thu đầu năm học không mới nhưng năm nào cũng “nóng”.

Hội nghị phụ huynh đầu năm học được tổ chức rộng rãi tại Trường Tiểu học Dũng Hợp (Tân Kỳ). Ảnh: CSCC

Nắm bắt ý kiến cử tri, tình hình ý kiến dư luận liên quan đến vấn đề thu, chi trong các trường học, trong thời gian qua HĐND tỉnh luôn quan tâm đến việc thực hiện thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục. Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình thu, chi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; kịp thời tổng hợp ý kiến cử tri về các vấn đề liên quan để gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; thực hiện việc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND tỉnh hay thông qua giám sát việc trả lời, giải quyết các ý kiến cử tri. Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát, giám sát tình hình thu, chi học phí và các khoản thu khác trong trường học. Ngoài ra, tại các cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh hay các cuộc họp UBND tỉnh đối với các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân như vấn đề thu đầu năm học luôn được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm thảo luận, chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh khảo sát, thu thập thông tin và có kiến nghị đối với UBND tỉnh chỉ đạo nội dung này.

Một tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao, TP. Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Việc thực hiện các khoản thu đầu năm tác động rất lớn đến người dân và hầu như trên địa bàn gia đình nào cũng có con em đi học. Phụ huynh nếu ngại không thể phản ánh được với cơ quan chức năng hoặc cơ quan quản lý giáo dục thì Hội đồng nhân tỉnh có trang thông tin điện tử của tỉnh, có chuyên mục tiếp nhận ý kiến cử tri, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được ý kiến phản ánh của bà con cử tri, nếu có những băn khoăn. Chúng tôi sẽ thu thập các ý kiến và gửi các cơ quan có liên quan trả lời theo quy định. Ngoài ra người dân có thể phản ánh ở cơ quan dân cử là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, từ cấp xã để các đại biểu tiếp thu ý kiến một cách công khai và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Đào Công Lợi: Bước vào năm học mới, phụ huynh có rất nhiều khoản lo như sách giáo khoa, đồng phục, mua sắm đồ dùng học tập. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đó là đầu năm bàn các giải pháp chăm lo chất lượng và cuối năm mới bàn đến vấn đề thu chi để tránh áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có hơn 1.600 cơ sở giáo dục thì đâu đó vẫn có những trường hợp thu chi chưa đúng quy định theo các văn bản hướng dẫn của Sở, dẫn đến nhiều khoản thu sai, nhất là trong các khoản thu tự nguyện.

Thời gian qua, trong các văn bản hướng dẫn, Sở Giáo dục và Đào tạocũng yêu cầu việc thực hiện các khoản thu tự nguyện phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là thỏa thuận, công khai và không cào bằng. Bất cập là trong quá trình vận dụng, một số nhà trường không thực hiện đúng chỉ đạo của Sở, lạm dụng, không thực hiện đúng nguyên tắc như cào bằng, ấn định một mức thu cụ thể. Rõ ràng tự nguyện thì không thể thu theo mức thu cụ thể.

Để chấn chỉnh vấn đề này, cơ quan nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sẽ phối hợp với UBND cấp huyện (đơn vị quản lý các trường từ mầm non đến THCS) nhằm tăng cường chấn chỉnh. Nếu có biểu hiện làm sai thì xử lý thích đáng để tạo sự răn đe, kỷ cương trong toàn ngành.

P.V: Vậy, theo ông Chu Đức Thái, bên cạnh những giải pháp mà ngành Giáo dục đã đưa ra, nên chăng chúng ta cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp?

Ông Chu Đức Thái: Việc thanh tra các khoản thu đầu năm là một giải pháp căn cơ và phải được thực hiện quyết liệt và thường xuyên hơn. Sau thanh tra, kiểm tra cần chỉ rõ các sai phạm nếu có của các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục bị phụ huynh và người dân phản ánh. Khi có kết luận phải xử lý nghiêm túc, nghiêm minh đúng các sai phạm đối với các cơ sở và người đứng đầu thu sai quy định mới có tính răn đe.

Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra thì cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp để đảm bảo thực hiện thu chi trong các trường học đúng quy định. Trước hết cần phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy định thu, chi trong các trường học. Các cơ sở giáo dục phải công khai các khoản được thu theo quy định ngay từ đầu năm để phụ huynh giám sát. Các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh phải đảm bảo đúng nguyên tắc, trong đó vấn đề thu xã hội hóa trong các trường học bị phản ánh nhiều nhất. Việc xã hội hóa để làm việc gì, làm như thế nào, phải được bàn bạc dân chủ, công khai và được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ điều kiện để kêu gọi xã hội hóa. Các tài sản sau khi xã hội hóa phải được kiểm đếm, quản lý theo đúng quy định hàng năm để trở thành tài sản chung của nhà trường; tránh tình trạng năm nào cũng mua điều hòa, ti vi, rèm cửa như nhiều phụ huynh phản ánh. Nếu chúng ta làm rõ ràng thì người dân rất ủng hộ để cùng với ngân sách nhà nước phục vụ cho các công trình, các thiết bị đảm bảo cho việc dạy học được tốt hơn.

Qua giám sát cũng như khảo sát thực tế tại các cơ sở giáo dục, chúng tôi thấy cán bộ quản lý giáo dục cũng như giáo viên chịu áp lực rất lớn trong việc đảm bảo điều kiện vật chất phục vụ dạy và học vì điều kiện ngân sách còn hạn chế. Do đó, cần rà soát kỹ và đầy đủ về điều kiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục để có phương án ưu tiên bố trí ngân sách trong lĩnh vực giáo dục, chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, đảm bảo hoạt động giáo dục để các thầy cô giáo đến trường toàn tâm, toàn ý vào nhiệm vụ dạy và học.

PV: Xin cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Mỹ Hà (Thực hiện)