Nghệ An: Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm Luật Đê điều, Thủy lợi

Tiến Đông 08/11/2022 10:15

(Baonghean.vn) - Mặc dù Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai cũng như các Nghị định, Thông tư… đã có những quy định chặt chẽ trong việc xử lý vi phạm, thế nhưng, việc xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập.

Sai phạm nhiều

Trong đợt lũ lụt xảy ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, tại thị xã Hoàng Mai, con sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê bị đắp ngăn dòng được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình lụt lội ở địa phương này trở nên nghiêm trọng. Cụ thể, khi thực hiện thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu ngay tại đoạn qua sông Hoàng Mai nối xã Quỳnh Vinh và xã Quỳnh Trang, đơn vị thi công đã tiến hành đắp đường chắn ngang sông Hoàng Mai khiến cho dòng chảy bị ách tắc. Đáng nói hơn, con sông Hoàng Mai là hướng tiêu nước chính của hồ thủy lợi Vực Mấu.

Sông Hoàng Mai thời điểm còn đang bị đắp chưa được thanh thải. Ảnh: Tiến Đông

Cũng trên sông Hoàng Mai, khu vực thi công đường ven biển, đoạn nhánh phía Nam của dòng sông này, đơn vị thi công cũng đã đắp đất ngăn dòng, chỉ trừ lại một quãng ngắn để cho nước chảy qua.

Tương tự, khi thi công cầu vượt qua kênh Nhà Lê, đơn vị thi công đã đắp đất làm đường công vụ chắn ngang lòng kênh, làm ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Đỉnh điểm là vào sáng 30/9/2022, khi nước lũ tại thị xã Hoàng Mai đang dâng cao, con đường công vụ này đã khiến cho nước ở kênh Nhà Lê phía thượng và hạ lưu đoạn bị đắp có sự chênh lệch lớn, buộc chính quyền địa phương phải yêu cầu đơn vị thi công dùng máy móc phá dỡ đường để thoát nước.

Rõ ràng, việc các đơn vị thi công tiến hành đắp sông Hoàng Mai, đắp kênh Nhà Lê là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi sông, kênh là đối tượng được bảo vệ bởi nhiều điều luật cũng như các quy định khác của pháp luật. Theo Điểm C, Khoản 1, Điều 31 của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là những nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ.

Bên cạnh đó, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch cũng được quy định tại Điều 9, Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 6/5/2015 quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, tại Điều 12, các hành vi bị cấm của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 cũng nêu rõ: Cấm lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy… Mới đây nhất là Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ cũng đã quy định khá chi tiết về các hình thức, mức tiền cũng như biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều…

Sáng 20/10, chính quyền địa phương đã yêu cầu các đơn vị thi công tiến hành nạo vét sông Hoàng Mai đoạn thi công cầu Hoàng Mai 2. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, việc thanh thải dứt điểm dòng sông, kênh tại những vị trí nói trên ở thị xã Hoàng Mai vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.

Dù vào ngày 19/10/2022, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 223/BCH-PCTT đề nghị Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải; Sở Giao thông Vận tải Nghệ An chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung tại các Văn bản số 113/BCHPCTT ngày 14/7/2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh về việc xử lý ách tắc dòng chảy do thi công công trình cầu đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) qua sông Hoàng Mai và qua kênh Nhà Lê; Văn bản số 114/BCHPCTT ngày 15/7/2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh về việc xử lý ách tắc dòng chảy do thi công cầu đường bộ cao tốc qua sông Hoàng Mai. Thậm chí, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu UBND thị xã Hoàng Mai xử lý nghiêm đối với các đơn vị vi phạm.

Văn bản yêu cầu xử lý nghiêm đối với các đơn vị vi phạm. Ảnh: Tiến Đông

Khó xử lý dứt điểm

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 7 công ty thủy lợi, trong đó, có 4 công ty TNHH MTV thủy lợi: Bắc, Nam, Tây Bắc, Tây Nam và 3 Công ty TNHH thủy lợi: Thanh Chương, Tân Kỳ, Phủ Quỳ đảm nhiệm việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi lớn và vừa.

Ngoài ra, theo sự phân cấp thì UBND cấp huyện được giao quản lý các công trình độc lập nằm gọn trong địa bàn các xã và phần kênh mương nội đồng của các công trình ngoài phần do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý.

Ngay từ đầu năm 2022, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2791/UBND-TD về việc chỉ đạo xử lý vi phạm trên kênh tiêu Vách Bắc và kênh tưới N18A đoạn đi qua xã Đô Thành (Yên Thành).

Từ đầu năm đến ngày 25/9/2022, địa phương này đã ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi. Hiện nay, UBND xã Đô Thành đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An tiếp tục xử lý các vụ vi phạm trên kênh tiêu Vách Bắc và kênh tưới N18A.

Tuy nhiên, theo ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành thì việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã ban hành các quyết định xử phạt, nhưng người dân vi phạm không chấp hành. Ngay cả tiền phạt cũng chẳng thu được.

Đáng nói, xã Đô Thành chính là địa điểm xảy ra vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi một cách nhức nhối nhất trên địa bàn huyện Yên Thành nói riêng và cả tỉnh nói chung. Vi phạm này bắt nguồn từ đầu những năm 1990, khi chính quyền địa phương bán đất trái thẩm quyền cho nhiều hộ dân dọc bờ kênh Vách Bắc. Sau đó, các hộ dân đã mua đi, bán lại cho nhiều người đến xây dựng nhà cửa để buôn bán, sinh sống…

Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực này đã có 184 hộ vi phạm, trong đó, có 168 hộ bên phía bờ Nam và 16 hộ bên phía bờ Bắc thuộc các thôn Gia Mỹ, Bắc Phượng, Phú Xuân.

Một ngôi nhà đang được hoàn thiện trong hành lang kênh tiêu Vách Bắc. Ảnh: Tiến Đông

Ông Huệ cho hay: Vào năm 2017, dù UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tình hình vi phạm nhưng rất khó thực hiện. UBND tỉnh giao cho địa phương xây dựng quy hoạch vùng tái định cư rộng 10 ha, phía địa phương cũng đã lựa chọn được vị trí tại cánh đồng Sòi thuộc xóm Phú Xuân, vậy nhưng, đến nay chưa triển khai được.

Chưa kể, theo ông Huệ, hiện tại có một bất cập nảy sinh là, thời gian qua khi tiến hành thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua xã Đô Thành, có 8 hộ dân vi phạm hành lang công trình thủy lợi đã được bồi thường GPMB với mức giá từ 12,5 triệu đồng/m2 trở lên, chưa kể tài sản trên đất, điều này chẳng khác nào việc “hợp thức hóa cho các vi phạm”.

Được biết, vào giữa năm 2022, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các địa phương, ban, ngành xử lý các vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, sở này cũng đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo quy định phân cấp quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và điểm giao nhận dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Dù vậy, trên thực tế, việc vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi như xả thải khi chưa được cấp phép vào hệ thống; trồng cây trên bờ kênh, xây hàng rào, xây nhà, công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Nhất là thực trạng các hộ dân xả thải nước sinh hoạt, nước thải chăn nuôi vào các công trình thủy lợi do chưa xác định được mức độ chứa chất độc hại, chất phóng xạ nên việc xử lý còn hạn chế.

Trong báo cáo về tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi quý 3 năm 2022, Sở NN&PTNT cũng đã dẫn chứng trường hợp nước thải của Khu sinh thái Mường Thanh thuộc chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh trên địa bàn xã Diễn Lâm (Diễn Châu) xả vào hồ chứa Bàu Gia – Mã Tổ, dù đơn vị quản lý công trình đã nhắc nhở, báo cáo địa phương nhưng vẫn thường tái diễn gây khó khăn cho việc xử lý.

Kênh tiêu Vách Bắc - một trong những địa điểm vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhức nhối nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chưa thể giải quyết dứt điểm. Một phần vì một số vi phạm tồn tại từ lâu, do lịch sử để lại, xảy ra từ trước khi Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (nay là Luật Thủy lợi), Luật Đê điều được ban hành. Dù theo quy định là phải di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện nay việc cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi chưa được triển khai, gây khó khăn trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi cũng như xử phạt các hành vi vi phạm - Ông Thành cho biết thêm.

Tiến Đông