'Trầm tích' dãy Đại Huệ
(Baonghean.vn) - Cùng với dãy Thiên Nhẫn ở phía Nam, dãy Đại Huệ chạy dọc phía Bắc và phía Đông đã góp phần tạo nên “trùng lai danh thắng địa” cho vùng đất Nam Đàn (Nghệ An), quê hương của bao danh nhân nổi tiếng. Từ bao đời, dãy Đại Huệ là “điểm tựa” của cư dân quanh vùng, cũng là nhịp cầu nối kết dòng chảy quá khứ - hiện tại và tương lai.
Nhịp sống yên bình
Vào những ngày cuối tuần đẹp trời, chúng tôi thường rủ một vài người bạn tạm rời thành Vinh, ngược lên theo Quốc lộ 46 rồi rẽ vào tuyến đường chạy dọc theo chân núi Đại Huệ thuộc huyện Nam Đàn. Chặng đường khoảng 20 km nhưng chứa đựng bao điều thú vị, đủ để cảm nhận và tìm thấy giờ phút bình yên, được “sống chậm” sau những ngày lo toan, tất bật.
Bởi một điều rất đơn giản, về nơi đây, với thôn, xóm của Nam Giang, Nam Anh, Nam Thanh, với cánh đồng lúa bạt ngàn, bãi rau xanh mượt, vườn cây trĩu quả, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, bao ưu tư, muộn phiền như được rũ bỏ.
Dãy Đại Huệ chạy dọc phía Bắc huyện Nam Đàn. Ảnh: Quốc Đàn |
Về nơi đây, gặp gỡ những con người hiền lành, chất phác, tiếng nói và nụ cười của họ khiến ta có cảm giác rất đỗi thân quen, như được về với người thân, họ hàng để chia sẻ những vui, buồn cuộc sống. Hay để ăn bánh đúc chấm tương, món ăn dân dã có từ bao đời, ta có cảm giác được về với ký ức tuổi thơ lam lũ nhưng cũng rất đỗi trong trẻo, ngọt ngào.
Những ngày cuối Thu, đầu Đông này, trong cái nắng hanh hao, nhiều người đang tìm về với những vườn hồng dưới chân dãy Đại Huệ thưởng thức hương thơm, trái ngọt và thi nhau check-in để có được những bức ảnh độc đáo. Riêng xã Nam Anh có hơn 100 ha cây hồng, thời điểm này đang bước vào chín rộ. Những vườn hồng bên sườn núi Đại Huệ óng ánh sắc vàng, đỏ, gợi lên sự ấm áp, đủ đầy và cuộc sống tươi vui.
Những vườn hồng trên sườn núi Đại Huệ. Ảnh: Sách Nguyễn |
Thổ nhưỡng nơi đây hợp với cây hồng, xưa nay loài cây này luôn bén rễ và không ngừng sinh sôi, phát triển, thứ hồng giòn, ngọt này luôn được người dân khắp nơi ưa chuộng. Có những cây hồng cổ thụ gần trăm năm tuổi, thân cây xù xì, cành bám đầy rêu, đến mùa vẫn trĩu quả chín vàng, góp cho đời những ánh sao…
Những vườn hồng đã mang lại cho bà con xã Nam Anh nguồn thu kha khá vào dịp cuối năm. Gần đây, huyện Nam Đàn đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, những vườn hồng đẹp dưới chân núi Đại Huệ trở thành điểm đến thú vị.
Khách du lịch trải nghiệm vườn hồng ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Sách Nguyễn |
Nhiều nhóm du khách tìm về đây với mong muốn được thưởng thức hương vị tại gốc, đặc biệt hơn là lưu lại những khoảnh khắc đẹp trên hành trình trải nghiệm. Nhờ đó, người dân có được nguồn lợi “kép”, vừa có thu nhập từ thu hoạch quả, vừa có nguồn thu dịch vụ tham quan.
Gần 10 năm trước, chúng tôi có dịp gặp gỡ cụ Bùi Danh Ba - cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Nam Thanh (nay đã mất), được nghe cụ kể nhiều thông tin về núi Đại Huệ. Trong ký ức của bậc lão thành ấy, dãy Đại Huệ là những cánh rừng trùng điệp, rậm rạp, có nhiều gỗ quý, nhiều loại động vật có giá trị, có cả chim quý như công và phượng hoàng. Các đồi, núi, khe, suối là chốn trú ngụ của các loài chim, cò, cói, sáo, vạc…
Dưới chân núi Đại Huệ có những cây hồng cổ thụ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Sách Nguyễn |
Dưới lòng đất đồi có mỏ đá ong, là loại vật liệu xây dựng có giá trị, nhất là thời kỳ vật liệu xi măng còn vô cùng hiếm và đắt. Những tài nguyên ấy đã giúp cho cộng đồng dân cư dọc chân núi Đại Huệ sinh sống và phát triển từ đời này qua đời khác, cho cuộc sống thôn, xóm no ấm, đủ đầy.
Vọng mãi ngàn xưa
Núi Đại Huệ còn được biết đến là nơi ẩn chứa những nét “trầm tích” văn hóa và hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi để Nam Đàn trở thành vùng quê “địa linh - nhân kiệt”. Dọc theo dãy núi có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Đại Tuệ (Nam Anh), chùa Vĩnh Phúc (Nam Xuân) và chùa Viên Quang (Nam Thanh) là nơi để người dân gửi gắm đời sống tâm linh và hướng thiện.
Tiếng chuông chùa ngân vang trong sương sớm điểm tô cho cuộc sống yên bình, để cõi lòng thêm lắng đọng, cho tấm lòng từ bi của Đức Phật mãi tỏa sáng và lan xa…
Chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) tọa lạc trên dãy Đại Huệ. Ảnh: Lê Quang Dũng |
Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên đỉnh núi Đại Huệ và gắn liền với nhiều đời vua chúa nước Nam, khởi nguồn là Vua Mai Hắc Đế. Tương truyền, chùa Đại Tuệ do Vua Mai xây dựng để cảm tạ công ơn Phật, Thánh trong công cuộc đánh đuổi quân đô hộ phương Bắc. Đến đầu thế kỷ XV, nhà Hồ đã tôn tạo chùa để tạ ơn Đức Phật Mẫu Đại Tuệ.
Năm 1788, khi ba quân tướng sĩ hành quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã dừng chân ở dãy Đại Huệ và lên chùa Đại Tuệ dâng hương nguyện cầu. Sau này, khi thắng trận, lên ngôi Hoàng đế, Vua Quang Trung đã lên chùa tạ ơn và hạ lệnh trùng tu chùa Đại Tuệ.
Nhà thơ Bùi Huy Bích (1744-1818) là một danh sĩ đất Hà Thành, giữ chức Tham tụng dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh, từng làm chức Hiệp trấn Nghệ An kiêm thụ lĩnh chức tham chính và có tác phẩm “Nghệ An thi tập”.
Những năm công cán ở Nghệ An, ông từng lên núi Đại Huệ dạo chơi, ghé thăm chùa Đại Tuệ và ứng tác những vần thơ về thắng cảnh nổi tiếng này: “Đá nhỏ xếp vòng tới đỉnh cao/Đất trời với vợi dạ nao nao/Trời giăng rặng núi như xòe cánh/Đất nắn dòng sông giống uốn câu/Đường núi xuyên cây, sư khinh hổ/Roi tre gánh cỏ, trẻ lùa trâu/Rất yêu giếng đá luôn đầy nước/Sâu chỉ bằng lu múc hết đâu”.
Du khách tham quan mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh. Ảnh: Quốc Đàn |
Những câu thơ của Bùi Huy Bích đã khắc họa vẻ đẹp nguyên sơ và vẽ nên nét linh thiêng của núi Đại Huệ. Phong cảnh bao la, hùng vĩ cùng vẻ thơ mộng hiện ra như một bức tranh thủy mặc, bên cạnh là nhịp sống đời thường rất mực thân quen với đám trẻ, đàn trâu, giếng nước. Cảnh và người đan cài, hòa quyện vào nhau làm cho bức tranh núi Đại Huệ thêm phần tươi sáng và ấm áp.
Ngày nay, chùa Đại Tuệ đã được trùng tu, xây dựng bề thế, trở thành điểm du lịch tâm linh nổi bật của xứ Nghệ. Năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi thăm Myanmar được tặng Xá lợi Phật, ông xin phép Chính phủ thỉnh Xá lợi về tôn trí và thờ phụng tại chùa Đại Tuệ. Ngôi chùa cổ trên đỉnh thiêng Đại Huệ được đón nhận bảo vật quý giá này đã tạo nên thắng duyên cho người con Đức Phật trong và ngoài tỉnh hành hương về chiêm bái.
Năm 2017, chùa Đại Tuệ được cung nghinh Phật ngọc hòa bình thế giới về tôn trí, triển lãm và phụng thờ hơn 30 ngày để các tín đồ, phật tử, nhân dân và du khách chiêm bái. Vào dịp đầu năm, nhà chùa tổ chức Lễ khai bút, là hoạt động tôn vinh trí tuệ và sự hiếu học, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Thêm một điều đặc biệt khẳng định nét linh thiêng của núi Đại Huệ, khi nơi đây trở thành chốn yên nghỉ của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi qua đời và được an táng tại Huế, năm 1922, bà Hoàng Thị Loan được con gái Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại Làng Sen (Kim Liên); đến năm 1942, được con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm đưa lên an táng tại núi Động Tranh, một ngọn núi thuộc dãy Đại Huệ.
Khách du lịch tham quan núi Đại Huệ. Ảnh: Sách Nguyễn |
Ngôi mộ nằm ở lưng chừng dãy núi, từ đây có thể bao quát một vùng sông, núi, đồng, bãi và làng mạc quê hương. Mộ bà Hoàng Thị Loan đã được xây dựng khang trang, trở thành điểm tham quan, tưởng nhớ và tri ân của đồng bào khắp mọi miền trong cuộc hành hương về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, dãy Đại Huệ như bức tường thành đồ sộ án ngữ phía Bắc của huyện Nam Đàn làm cho cảnh quan thiên nhiên thêm hùng vĩ và tươi đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Đồng thời, chứa đựng những vỉa tầng văn hóa truyền thống và nét linh thiêng, góp phần tạo dựng cho vùng đất này một mạch nguồn văn hiến.