Lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản Hồ Xuân Hương trên quê hương Nghệ An

Minh Quân 27/11/2022 10:18

(Baonghean.vn) - Những ngày đầu tháng 12 tới, Nghệ An sẽ tổ chức nhiều hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

P.V: Xin đồng chí cho biết đôi nét về vai trò của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong đời sống văn học - nghệ thuật của đất nước?

ĐỒNG CHÍ BÙI ĐÌNH LONG: Như chúng ta đã biết, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một người con của quê hương Nghệ An. Bà là con của ông Hồ Phi Diễn (1704 - 1786) - một nhà nho ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm" với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ảnh: Minh Quân

Với tư tưởng mới mẻ, cùng lối làm thơ phá cách, đậm dấu ấn cá nhân - cá thể, ngôn ngữ bình dị mà sáng tạo, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền, từ quá khứ đến hiện tại.

Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người, mà trước hết là bình đẳng giới và cho giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Trải qua hàng thế kỷ, đến nay, thơ Hồ Xuân Hương vẫn được các thế hệ đương đại yêu mến, bởi mỗi tiếng thơ của bà là đều đại diện cho tâm tư, tình cảm, khát vọng yêu và sống, sự quyết liệt trong đấu tranh bình quyền… của người phụ nữ.

Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng.

P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương?

ĐỒNG CHÍ BÙI ĐÌNH LONG: Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 vào tháng 11/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đó là sự khẳng định, đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, sự sáng tạo trong văn học cũng như tư tưởng vượt thời đại về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ ở nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Toàn cảnh kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 - nơi UNESCO đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất, trong đó có nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: UNESCO

Trong 6 danh nhân Việt Nam từng được UNESCO vinh danh (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất Hồ Xuân Hương là nữ.

Việc UNESCO vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương có thể nói là một sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước và đặc biệt là đối với tỉnh chúng ta, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ cho đất nước Việt Nam nói chung, mà còn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An. Do vậy, đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, nhất là trên lĩnh vực văn hóa.

Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tựu của danh nhân nữ sĩ Hồ Xuân Hương theo yêu cầu của UNESCO góp phần quảng bá hình ảnh con người và văn hóa của tỉnh Nghệ An nói riêng và của Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế, qua đó, ngày càng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà các bậc tiền nhân nói chung và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nói riêng để lại.

Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong khuôn viên Nhà thờ họ Hồ - Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: Đình Tuyên

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An không chỉ tự hào về nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà còn có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa mà nữ sĩ để lại trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới ngày nay.

P.V: Đồng chí có thể cho biết cụ thể các hoạt động vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và tỉnh ta đã, đang và sẽ triển khai?

ĐỒNG CHÍ BÙI ĐÌNH LONG: Nhằm tri ân và tôn vinh danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, những đóng góp to lớn về văn học và tư tưởng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 326/KH-UBND về tổ chức các hoạt động vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Chương trình thơ, nhạc kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất Danh nhân Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng

Trong đó, trong tháng 8, tháng 9/2022, đã hoàn thành 2 hoạt động gồm: Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ VI (2015-2020) tại thành phố Vinh và Chương trình thơ, nhạc kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất Danh nhân Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Sắp tới, vào những ngày đầu tháng 12/2022, chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động:

- Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại nhà thờ họ Hồ và bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) vào chiều 2/12/2022.

- Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản tại Khách sạn Giao Tế, TP.Vinh vào sáng 3/12/2022.

- Khai mạc Triển lãm hội họa và thơ “Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ẩn” tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP.Vinh vào chiều 3/12/2022.

- Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào tối 3/12/2022 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP.Vinh.

Các hoạt động do tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao chỉ đạo tổ chức, nhằm hưởng ứng các hoạt động của tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) về chương trình cùng tham gia kỷ niệm các cá nhân có đóng góp cho việc phát triển văn hóa, giáo dục, tăng cường hiểu biết quốc tế, tạo nên sự gần gũi giữa các dân tộc, đóng góp cho hòa bình thế giới, trong đó có nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

2 sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương là: Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Hội thảo khoa học quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.

Hai hoạt động này sẽ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Nghệ An; các nhà khoa học trong nước và quốc tế… Đặc biệt, các hoạt động còn có sự tham dự của đại diện đại sứ quán 4 nước tại Việt Nam, gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Lào.

Đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đây là một trong những sự kiện chính rất quan trọng mà chúng ta phải tập trung quyết liệt và cao độ. Hiện tỉnh đang ráo riết giao nhiệm vụ, đốc thúc các sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện các công việc chuẩn bị cụ thể để thực hiện tốt các hoạt động trên, qua đó, đẩy mạnh việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh đất và người Nghệ An.

P.V: Sau các hoạt động này, chúng ta sẽ tiếp tục có những hoạt động gì để phát huy giá trị di sản nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thưa đồng chí?

ĐỒNG CHÍ BÙI ĐÌNH LONG: Có thể khẳng định, cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị to lớn từ những bài thơ Nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã trở thành mạch nguồn văn hóa xuyên suốt trong tiến trình phát triển của dân tộc và ghi dấu ấn sâu sắc đối với văn hóa nhân loại. Việc Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất là chuyện không dễ và là niềm tự hào lớn không chỉ của những người dân trên quê hương nữ sĩ mà còn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Trao thưởng cho các tác giả đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ VI. Ảnh: Đình Tuyên.

Do đó, để tiếp tục phát huy, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những giá trị di sản Hồ Xuân Hương, ngành Văn hóa cần tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu các tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; đẩy mạnh quảng bá về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương bằng nhiều hình thức như hội họa, âm nhạc, sân khấu…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhà thờ họ Hồ - dòng họ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, xây dựng nơi đây thành điểm du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn.

Đường về làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) - quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Nhật Thanh

Ngoài ra, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của Nhân dân trong vùng, nhất là thế hệ trẻ, học sinh các trường học về việc chủ động, tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương - dòng họ mình; đồng thời, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa gắn với tiềm năng du lịch của vùng, để vừa thu hút khách tham quan, nghiên cứu, du lịch, vừa huy động thêm được nhiều nguồn lực đầu tư.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Minh Quân