Xử phạt 2.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm gần 7,6 tỷ đồng
(Baonghean.vn) - Trong 3 năm (2020-2022), Nghệ An đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 45.676 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 2.579 cơ sở với số tiền gần 7,6 tỷ đồng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ảnh: Thành Chung |
Chiều ngày 30/11, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025”.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện/thị xã/thành phố và Ủy ban nhân dân các xã/phường/thị trấn, các thành viên trong Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm báo cáo việc thực hiện đề án. Ảnh: Thành Chung |
Đề án “Nâng cao năng lực Quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025” được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành vào tháng 10/2019. Trong 3 năm thực hiện đề án, Nghệ An đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động đồng bộ trong việc quản lý về an toàn thực phẩm, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 45.676 cơ sở, trong đó có 41.412 cơ sở đạt (90,7%), 4.264 cơ sở vi phạm (9,3%), xử phạt vi phạm hành chính 2.579 cơ sở với số tiền gần 7,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: một số ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn phân tán, chưa tập trung đầu mối dẫn đến bất cập trong triển khai thực hiện chuyên môn.
Đoàn liên ngành của tỉnh trong một lần kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: Thành Chung |
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa thường xuyên và chưa thực sự đủ sức răn đe. Phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố đã nêu lên những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo tốt hơn công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Đồng chí Bùi Đình Long đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Thành Chung |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2023 - 2025. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra của Đề án "Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, các cấp, ngành và đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 03 năm thực hiện đề án. Ảnh: Thành Chung |
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm minh các cơ sở có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả và nhân rộng các mô hình có kiểm soát an toàn thực phẩm trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trên môi trường mạng, đặc biệt là các trang tin điện tử, mạng xã hội,
Cũng tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 03 năm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”./.