Bất cập trong quản lý hồ, đập thủy lợi, thủy điện

Quốc Sơn 08/12/2022 06:54

(Baonghean.vn) - Đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện là vấn đề được các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội quan tâm nhiều năm qua.

Việc quản lý, giám sát, vận hành hồ, đập chứa nước, hồ thủy điện sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, sinh sống của người dân. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập liên quan đến công tác này.

NHIỀU HỒ ĐẬP MẤT AN TOÀN

Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa nước, trong đó có 55 hồ chứa lớn, 220 hồ chứa vừa và 786 hồ chứa nhỏ. Theo phân cấp, các công ty TNHH thủy lợi quản lý 101 hồ; các địa phương quản lý 960 hồ. Hiện nay, chỉ có 2/1.061 hồ có cửa van và có quy trình vận hành, số còn lại điều tiết bằng tràn xả lũ tự do.

Hồ chứa nước có quy mô lớn nhất hiện nay ở Nghệ An là hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai). Hồ có dung tích 75 triệu m3, diện tích lưu vực 215km2, cấp nước tưới cho 3.431 ha, cấp nước nuôi trồng thủy sản 400 ha, nước sinh hoạt cho 119.000 người dân thuộc địa bàn gồm 19 phường, xã của thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Hồ có 5 cửa van cung điều tiết vận hành bằng tời điện. Công trình được cải tạo, nâng cấp đầu mối năm 2010 và sửa chữa cống lấy nước năm 2020. Đây là hồ chứa thủy lợi duy nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hệ thống quan trắc SCADA kết nối với Tổng Cục Thủy lợi.

Xả tràn hồ chứa Vực Mấu. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Đợt lũ hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, hàng trăm hộ dân thị xã Hoàng Mai bị ngập nặng, kéo dài nhiều ngày. Nguyên nhân ban đầu được cho là do hồ Vực Mấu xả lũ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An - đơn vị quản lý, vận hành hồ Vực Mấu, việc xả lũ của hồ đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Theo đó, lúc bấy giờ trên địa bàn Hoàng Mai đã có mưa rất to, việc đổ lỗi cho hồ Vực Mấu xả lũ gây ngập nặng là không đúng.

Trước khi bão số 4 đổ bộ, đơn vị cũng đã chủ động xả lũ, khi mực nước lòng hồ chưa đạt đến 21m - mực nước dâng bình thường, thậm chí chưa đến mức 22,72m - mức nước cắt lũ. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An và qua tìm hiểu của phóng viên Báo Nghệ An, một trong những nguyên nhân gây ngập úng còn là do dòng sông Hoàng Mai bị bồi lấp, ách tắc dòng chảy. Đặc biệt, việc thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam của một số đơn vị đã khiến cho đất đá chắn dòng nên tình trạng ngập úng kéo dài, nước rút chậm.

Ngập lụt ở thị xã Hoàng Mai vào cuối tháng 9/2022. Ảnh: Nhật Thanh

Hiện trạng nhiều hồ, đập chứa nước hiện nay, nhất là các hồ, đập do địa phương quản lý đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo thống kê hàng năm, các đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước chỉ đủ kinh phí để sửa chữa, gia cố các hạng mục hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao trước mùa mưa lũ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2000 đến nay có 374 hồ được nâng cấp sửa chữa; 687 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 70 hồ bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, phần lớn các hồ chứa chưa có các thiết bị đo đạc quan trắc; cán bộ chuyên ngành thủy lợi ở cấp huyện, xã còn hạn chế nên đối với các hồ chứa do địa phương quản lý chưa chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Một số nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật chưa được triển khai thực hiện do khó khăn về kinh phí như: Cắm mốc bảo vệ phạm vi đập, hồ chứa nước; lập quy trình vận hành; kiểm định an toàn đập; lắp hệ thống giám sát, vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập; xây dựng bản đồ ngập lụt…

CẦN MINH BẠCH HƠN TRONG QUY TRÌNH VẬN HÀNH LIÊN HỒ THỦY ĐIỆN

Hiện nay, trên địa bàn có 32 dự án thủy điện, trong đó có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 934,9 MW. Trong số 22 nhà máy thủy điện đang hoạt động thì chỉ có hai nhà máy được thiết kế ngăn lũ cho hạ du là Bản Vẽ (Tương Dương) và Hủa Na (Quế Phong). Theo quy trình vận hành, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ có chức năng điều tiết nước (trữ một phần lượng dòng chảy ở những năm nhiều nước để cấp thêm nước trong những năm ít nước). Dung tích hồ chứa Bản Vẽ là 1,8 tỷ m3, ở cao trình mực nước dâng bình thường là 200m, trong đó có 320 triệu m3 là dung tích để phòng lũ.

Toàn cảnh Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh tư liệu: Linh Chi

Tương tự, Nhà máy Thủy điện Hủa Na được thiết kế điều tiết nước theo năm. Hồ chứa Hủa Na vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã. Dung tích hồ chứa 569,35 triệu m3 ở cao trình mực nước dâng bình thường là 240m. Hồ có dung tích phòng lũ (từ cao trình 235m đến cao trình 240m) là 100 triệu m3. Hồ Hủa Na đổ nước hạ lưu chảy về Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài hồ thủy điện Bản Vẽ và Hủa Na, 20 hồ còn lại vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm. Tức là điều tiết phân phối lại dòng chảy của sông cho phù hợp với yêu cầu dùng nước trong phạm vi một ngày. Các hồ này cũng không có dung tích phòng lũ, không có chức năng cắt, giảm lũ cho hạ du. Bên cạnh đó, tình trạng lòng hồ bị bùn đất bồi lắng đang thực sự là vấn đề của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Chính vì vậy, dung tích chứa nước không đảm bảo như thiết kế ban đầu, khi có mưa lớn, mực nước chưa đến mức xả lũ nhưng nhiều nhà máy đã phải xả lũ. Và khi đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là người dân vùng hạ du.

Lâu nay chúng ta đã khá quen với cụm từ: “Quy trình vận hành liên hồ chứa”. Quy trình này do Chính phủ quy định. Vận hành liên hồ chứa có thể hiểu đơn giản là sự phối hợp, thống nhất trong quá trình hoạt động, đón lũ, xả lũ, cắt lũ giữa các nhà máy thủy điện, hồ đập liền kề trên cùng một khu vực. Việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ được các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương và người dân rất quan tâm. Một vị lãnh đạo huyện miền núi - địa phương có nhiều công trình thủy điện cho rằng: Quy trình vận hành liên hồ đã có các quy định chi tiết, cụ thể cho từng nhánh sông, nhưng điều quan trọng và khiến người ta quan tâm nhất là các nhà máy đã thực sự vận hành việc xả lũ đúng quy trình đó hay chưa. “Ông thông báo là 15 giờ xả lũ, nhưng 12 giờ đã xả rồi thì vùng hạ du không trở tay kịp” - vị lãnh đạo này nói, ông đồng thời cũng cho rằng, cần phải có hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến để các cơ quan chức năng ở tỉnh có thể kiểm tra, giám sát, nhất là vào thời điểm mưa lũ phức tạp.

Hiện nay, việc giám sát trực tuyến quy trình vận hành xả lũ mới chỉ được thực hiện ở một số nhà máy thủy điện, nhiều công trình vừa và nhỏ chưa thể theo dõi chặt chẽ.

Hồ thủy điện Khe Bố vận hành xả lũ (ảnh chụp lúc 9h42' ngày 30/9/2022). Ảnh: UBND xã Tam Quang cung cấp

22 dự án thủy điện đang hoạt động ở Nghệ An đều được xây dựng trên khu vực miền Tây, hình thành theo độ dốc của địa hình miền núi. Nói một cách hình ảnh là các nhà máy thủy điện được xây dựng theo bậc thang từ cao xuống thấp. Ví như trên dòng sông Nậm Mộ. Chỉ một đoạn sông đã gánh 7 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Nếu tính cả khu vực Tây Nam Nghệ An trên sông Cả thì có đến 13 nhà máy thủy điện.

Việc các hồ chứa thủy lợi được xây dựng như vậy, nếu không tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ dễ tạo ra thảm họa cho vùng hạ du. Và qua các đợt lũ lụt ở miền Tây Nghệ An, người dân vẫn đặt dấu hỏi về sự minh bạch của hoạt động xả lũ. “Nước là tiền. Giữ nước là giữ tiền, phải quản lý bằng hệ thống giám sát trực tuyến, từng ngày từng giờ, thậm chí từng phút trong điều kiện thời tiết cực đoan mới giảm thiểu được thiệt hại cho người dân. Điện cũng quý nhưng tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân còn quý hơn” - một vị lãnh đạo huyện miền núi cho biết.

Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương, các phương án ứng phó thiên tai của một số nhà máy thủy điện xây dựng và phê duyệt chưa đầy đủ các nội dung và tình huống cụ thể. Một số chủ sở hữu đập, hồ chứa chưa thực hiện việc lập kế hoạch và phối hợp với các chính quyền địa phương, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai địa phương triển khai diễn tập các tình huống theo các phương án đã được phê duyệt như: Phương án bảo vệ đập, hồ chứa; phòng chống thiên tai; phòng chống lũ lụt vùng hạ du; ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Đoàn công tác của Bộ Tài chính khảo sát thực tế tại địa điểm sạt lở bờ sông Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

QUAN TRẮC THỦY VĂN CHƯA ĐƯỢC CHÚ TRỌNG

Nắm bắt, theo dõi dự báo khí tượng thủy văn có ý nghĩa rất quan trọng trong vận hành hồ đập nói chung, hồ thủy điện nói riêng. Đặc biệt là vấn đề quan trắc thủy văn. Theo đánh giá của Sở Công Thương, các nhà máy thủy điện cơ bản thực hiện tốt quy định về chế độ quan trắc theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn, Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà máy thực hiện chưa đầy đủ việc lưu trữ số liệu theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021.

Đơn cử tình hình thực hiện quan trắc thủy văn của các nhà máy thủy điện có công suất lắp máy lớn là Bản Vẽ và Hủa Na. Cụ thể, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị để lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trong lòng hồ, trong đó, lắp đặt 1 trạm thủy văn quan trắc các yếu tố lưu lượng, mực nước, lượng mưa tại thượng nguồn sông Cả, thuộc địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Lắp đặt 21 trạm đo mưa tự động, trong đó có 12 trạm trên địa phận nước bạn Lào và 9 trạm trên phần lãnh thổ Việt Nam. Tuy vậy, hệ thống quan trắc vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Công ty Thủy điện Bản Vẽ lắp đặt các trạm đo mưa ở Lào. Ảnh tư liệu: T.C

Còn Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na ký hợp đồng dịch vụ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ để dự báo khí tượng thủy văn trên lưu vực và dự báo lưu lượng nước về hồ. Hiện nay, công ty này chưa thu thập được số liệu khí tượng, thủy văn từ Lào, chưa có các trạm đo mưa trên lưu vực nước bạn Lào nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận hành hồ chứa.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho rằng, hiện nay ngoại trừ Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ có lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thủy văn (cho dù chưa đảm bảo yêu cầu), còn lại các hồ thủy điện vừa và nhỏ đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, việc lắp đặt hệ thống quan trắc thủy văn sẽ giúp cho các nhà máy thủy điện dự báo, tính toán được lưu lượng nước về hồ để điều tiết đón - xả lũ cho phù hợp, tránh rơi vào thế bị động gây thiệt hại khó lường.

Quốc Sơn