Nghệ An: Nhân lực ngành Sư phạm vừa 'thừa', vừa 'thiếu'

Mỹ Hà 21/12/2022 08:57

(Baonghean.vn) - Nhu cầu tuyển dụng sinh viên ngành Sư phạm đang ngày một nhiều trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là những chuyên ngành đặc thù. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo ngành Sư phạm cũng đòi hỏi phải sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nhiệm vụ. 

Thừa - thiếu cục bộ

Huyện Yên Thành đang có kế hoạch tuyển dụng 292 biên chế theo chỉ tiêu vừa được UBND tỉnh giao bổ sung trong năm 2022. Trong số này, huyện đang dự định ưu tiên tuyển dụng toàn bộ số giáo viên mầm non thuộc diện Nghị định 06 và Thông tư 09; 42 giáo viên tiểu học, sẽ ưu tiên tuyển dụng số giáo viên đang hợp đồng ở bậc THCS xuống, chủ yếu là ở các môn đặc thù. Số giáo viên THCS, dù có 12 chỉ tiêu nhưng thực tế khó tuyển dụng, vì hiện nay huyện vẫn đang thừa hơn 100 giáo viên.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành cho biết: Dù có gần 300 chỉ tiêu, nhưng chúng tôi khó tuyển mới giáo viên, vì hiện nay, đội ngũ giáo viên huyện nhà vẫn đang thừa - thiếu cục bộ. Nếu còn chỉ tiêu, chúng tôi sẽ có thể tiếp nhận giáo viên ở huyện Yên Thành đang công tác tại các huyện khác về để vừa giải quyết được nguyện vọng cho giáo viên, vừa dễ dàng tuyển dụng.

Nhiều địa phương dù thiếu nhưng khó tuyển dụng giáo viên Tin học. Ảnh: Mỹ Hà

Tình trạng “thừa - thiếu” giáo viên cục bộ đã diễn ra tại tỉnh Nghệ An nhiều năm nay, trong đó, “thừa” nhiều với các môn như Văn, Toán, nhưng lại thiếu nhiều ở các môn như Tiếng Anh, Tin học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Đó cũng là lý do vì sao, dù mới đây, có hàng nghìn chỉ tiêu giáo viên để tuyển dụng nhưng nhiều địa phương vẫn không có hồ sơ đăng ký, nhất là ở các huyện miền núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… với các môn như Tiếng Anh, Tin học.

Hay ở các huyện đồng bằng, nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiểu học có bằng đại học là rất lớn, nhưng ngay các huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu… số lượng hồ sơ đăng ký cũng thường ít hơn chỉ tiêu của địa phương. Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bất cập trong đội ngũ giáo viên ở các bậc học cũng đã nảy sinh, nhất là với môn Khoa học tự nhiên ở bậc THCS, bởi hiện nay chưa có sinh viên tốt nghiệp môn Khoa học tự nhiên mà chỉ có giáo viên kiêm nhiệm, chưa đúng chuyên ngành đào tạo.

Việc “khát” nhân lực của ngành Sư phạm là một tín hiệu mừng sau nhiều năm ngành Sư phạm bị “chững” lại do hàng nghìn sinh viên ra trường không có việc làm. Nhưng điều đó cũng cho thấy, việc đào tạo sinh viên sư phạm đang có những bất cập, đặc biệt là trong công tác dự báo dẫn đến những khó khăn trong công tác tuyển dụng như hiện nay.

Môn Khoa học tự nhiên là môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tích hợp 3 môn Vật lý - Hóa học - Sinh học. Tuy nhiên, hiện tại Nghệ An chưa có trường đại học đào tạo ngành học này. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài yêu cầu "đủ” về số lượng thì chất lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là đáp ứng việc thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề cần được quan tâm. Theo đó, Chương trình Giáo dục phổ thông mới chuyển từ nền giáo dục nặng phẩm chất và năng lực sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình Giáo dục phổ thông mới được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tích hợp ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Chương trình này đòi hỏi giáo viên, cán bộ quản lý phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo chương trình quốc gia, chương trình địa phương cho phù hợp với đặc điểm học sinh và điều kiện, bản sắc của từng nhà trường, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các phẩm chất, năng lực của người học…

Bất cập hiện nay tại Nghệ An cũng như nhiều tỉnh, thành khác đó là đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn cao còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ về đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa - thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học THCS.

Ngoài ra, một bộ phận giáo viên còn hạn chế trong việc sử dụng phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Đa số giáo viên Tiếng Anh, Thể dục, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật thường không được đào tạo để dạy riêng từng cấp, thiếu kiến thức về tâm lý lứa tuổi.

Đào tạo phải sát với nhu cầu thực tế

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay là nội dung của cuộc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia vừa được Trường Đại học Vinh tổ chức với sự tham gia của hơn 80 chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các nhà quản lý đến từ bộ, Sở Giáo dục - Đào tạo và nhiều trường học.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đồng tình với quan điểm trong xu hướng đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay, các cơ sở đào tạo giáo viên cần điều chỉnh, cập nhật, xây dựng chương trình đào tạo của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Muốn vậy, một trong những khâu quan trọng trong xây dựng chương trình đào tạo chính là xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo sao cho phù hợp, đảm bảo đo lường, đánh giá được năng lực của người học đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Mỹ Hà

Trong yêu cầu đổi mới người giáo viên phải phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo, khơi dậy và phát huy được tiềm năng, năng lực của bản thân. Để làm được điều đó, việc đào tạo giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu luôn thay đổi của xã hội, phù hợp với đơn vị tuyển dụng, cần quan tâm chuẩn đầu ra. Trong đó, điều quan trọng là giáo viên cần phải nắm vững kiến thức, kỹ năng dạy học, giáo viên biết vận dụng sáng tạo kiến thức, giải quyết được các tình huống sư phạm.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng chỉ ra những tồn tại trong đội ngũ giáo viên hiện nay và cho rằng, nguyên do chính là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại một số địa phương chưa hợp lý; việc đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận năng lực chưa được thực hiện bài bản. Từ đó, đưa ra những giải pháp để đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đó là phải nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm, phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm. Điều quan trọng nữa đó là cần tăng cường phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên với nhà trường và địa phương, tránh tình trạng đào tạo không theo nhu cầu. Tại thời điểm hiện nay, đào tạo giáo viên cần tập trung vào các môn học còn thiếu nhiều như Thể dục, Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ...; chú trọng các môn học mới.

Nắm bắt các yêu cầu thực tế, hiện Trường Đại học Vinh và nhiều trường đại học khác cũng đang có những thay đổi trong đào tạo để không chỉ đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục mà còn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Một buổi học của sinh viên Trường Đại học Vinh. Ảnh: Trường ĐHV

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo theo tiêu chuẩn CDIO nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra. Qua đó, sẽ trả lời được câu hỏi “Đào tạo gì” và “Đào tạo như thế nào”. Đây là một chương trình đào tạo mới, được xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua một hệ thống chuẩn đầu ra được xây dựng khoa học, logic và có thể đo lường, đánh giá.

Qua khóa đầu tiên tốt nghiệp cho thấy, năng lực sinh viên đã có những tiến bộ vượt bậc và việc cải tiến chương trình đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận CDIO là một bước đi đúng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tiểu học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của môi trường nghề nghiệp.

Tiến sĩ Chu Thị Hà Thanh - Phó trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh

Ở các bậc học khác như THCS và THPT, việc thay đổi phương thức đào tạo, chương trình đào tạo cũng là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay và đó cũng là thước đo để đánh giá năng lực của các nhà trường.

Qua trao đổi, ông Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh cũng cho rằng: Ngoài những ngành truyền thống, chúng tôi đang xem xét và nghiên cứu để mở thêm các mã ngành thuộc các môn học mới như ngành Sư phạm tự nhiên xã hội, Sư phạm Sử - Địa. Song song với đó, có thể xây dựng để các giáo viên có thể học thêm văn bằng 2 những mã ngành mới, tăng cường công tác bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và sinh viên của trường, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.

Mỹ Hà