Những tâm sự xúc động trước giờ khởi hành đến với Trường Sa
(Baonghean.vn) - Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân lại tổ chức các đoàn công tác đến Trường Sa, mang theo những món quà, tình cảm từ đất liền để quân và dân trên huyện đảo vui Xuân, đón Tết.
Trước giờ lên đường đến với Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hải quân và các đơn vị đã lần lượt di chuyển lên 4 con tàu của Vùng 4 Hải quân. Trên các chuyến tàu này ngoài các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ còn có phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương cùng các thành viên của Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương".
Trước đó, nhiều chuyến xe tải chở nhu yếu phẩm, quà Tết của các cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân từ mọi miền Tổ quốc tập kết tại cầu cảng cũng đã được bốc xếp lên tàu. Những chậu quất, gốc đào, chậu mai đã chớm nụ, giò phong lan tươi thắm, từng kiện hàng… được các cán bộ, chiến sĩ hải quân chuyển lên tàu một cách cẩn thận.
Những chậu quất trĩu cành, là món quà đất liền gửi ra Trường Sa. Ảnh: Tiến Đông |
Theo lịch trình, đoàn tàu sẽ rời quân cảng Cam Ranh ra khơi để đến với huyện đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là chuyến đi đặc biệt, mang theo tình cảm, niềm tin, những món quà giản dị và hơi thở mùa Xuân của đất liền để đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên Quần đảo Trường Sa.
Trước giờ lên đường, đoàn công tác đã vinh dự đón nhận những tình cảm, cái bắt tay, cùng những lời ân cần dặn dò của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà cùng đông đảo nhân dân có mặt tại buổi lễ tiễn đoàn. Trong không khí nghiêm trang nhưng xúc động ấy, các chiến sĩ trẻ khoác lên mình chiếc áo hải quân, lần đầu tiên ra với Trường Sa đã không giấu được sự xúc động.
Lên tàu ra Trường Sa. Ảnh: Quang An |
Chiến sĩ trẻ Đinh Thế Anh, quê tại xã Giao Hương, huyện Giao Thủy (Nam Định), đang huấn luyện tại Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân. Đây là lần đầu tiên Thế Anh đến với Trường Sa, trước khi đi anh cũng đã được huấn luyện, trang bị những kiến thức và sức khoẻ cần thiết để có thể hoàn thành nhiệm vụ ở đảo xa. Dù vậy Thế Anh cũng rất bồi hồi, với anh đây là chuyến công tác đặc biệt mà có thể khó có lần thứ 2 trong đời. Vì thế, anh quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với truyền thống của màu áo hải quân mang trên mình.
Các cán bộ, chiến sĩ tạm biệt đất liền để đến với Trường Sa. Ảnh: Tiến Đông |
Còn chiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh, quê ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định thì bảo, khi biết được chọn đi làm nhiệm vụ tại Trường Sa, anh đã rất hồi hộp. Bởi từ trước tới nay, anh chỉ mới biết Trường Sa qua lời kể, những bức ảnh, câu chuyện trên báo đài chứ chưa hình dung ra Trường Sa như thế nào. Huỳnh cũng rất quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ trong đợt công tác lần này.
Chị Ngô Thị Hợi, vợ của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 292 Lương Thế Tuyển ra tận cầu tàu tiễn đoàn. Ảnh: Quang An |
Tại cầu tàu, trước giờ đoàn khởi hành, có rất nhiều người là vợ của cán bộ, chiến sĩ, nhiều thành viên của Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đã lặn lội từ Hà Nội vào chia tay đoàn. Chị Ngô Thị Hợi, vợ của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 292 Lương Thế Tuyển rất xúc động khi tiễn đoàn lên đường. Là người vợ lính đảo, chị đã rất nhiều lần phải xa chồng trong những chuyến công tác dài ngày. Có khi cả năm trời vợ chồng không được gặp nhau. Chia sẻ với nhiệm vụ của chồng, chị Hợi luôn cố gắng quán xuyến việc gia đình, chăm lo việc ăn, việc học cho con cái để chồng yên tâm công tác.
Chị Hoàng Thị Thảo, thành viên Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương", cũng lặn lội từ Hà Nội vào chia tay đoàn. Từng vinh dự được đi Trường Sa nên chị Thảo rất hiểu những khó khăn, vất vả mà quân và dân trên huyện đảo thường xuyên phải đối mặt. Tham gia tiễn đoàn, chị Thảo cũng như các thành viên của Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" mong muốn các cán bộ, chiến sĩ luôn "chân cứng, đá mềm", luôn giữ chắc tay súng để bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chị Hoàng Thị Thảo, thành viên Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương", lặn lội từ Hà Nội vào tiễn đoàn công tác. Ảnh: Tiến Đông |
Tại buổi lễ tiễn đoàn, Đại tá Nguyễn Văn Bách, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân chia sẻ: Quần đảo Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, là hương hỏa tổ tiên ông cha ta từ hàng trăm năm nay để lại; chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu. Việc Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân nhận được nhiều phần quà từ các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi về để vận chuyển ra Trường Sa thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với biển, đảo nói chung và Quần đảo Trường Sa nói riêng.
Các thành viên trong đoàn công tác vẫy chào đất liền trước khi rời cảng. Ảnh: Tiến Đông |
Theo Đại tá Nguyễn Văn Bách, dù chuyến công tác này được thực hiện trong điều kiện thời tiết không thật sự thuận lợi, quân số đông, thời gian hoạt động trên biển dài ngày, công tác bảo đảm gặp nhiều khó khăn... Song cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân sẽ quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, vượt qua mọi sóng gió đưa Đoàn công tác, các phóng viên báo chí và cán bộ, chiến sỹ đến với Quần đảo Trường Sa an toàn tuyệt đối, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Một lần được đến với Trường Sa đã là quý lắm rồi. Được cống hiến sức lực và tâm huyết cho Trường Sa, được đại diện cho hơn 90 triệu đồng bào dân tộc Việt Nam, gánh vác sứ mệnh xây dựng và gìn giữ chủ quyền Quần đảo Trường Sa, là một niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn lao, một giá trị sống vô cùng cao cả.