Chiến công đầu trên vùng đất, vùng trời Nghệ An

Công Kiên 26/12/2022 14:58

(Baonghean.vn) - Nghệ An là địa bàn chiến lược quan trọng trong việc đối đầu với Không lực Mỹ, đặc biệt là với “Siêu pháo đài bay B-52”. Trong cuộc đối đầu lịch sử ấy, có những đơn vị ở vùng đất này đã lập được chiến công đầu.

Trận xuất kích ở Sân bay Dừa của MiG-21

Đại tá Vũ Đình Rạng (SN 1945), được biết đến là phi công đầu tiên của Việt Nam bắn bị thương “Pháo đài bay B-52” của Mỹ. Chiến công ấy gắn với vùng đất và vùng trời Nghệ An. Cách đây gần 9 năm, trong lần vào Sân bay Dừa, thuộc xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) thăm lại chiến trường xưa, ông đã kể lại cho nhân dân nơi đây về chiến công bắn bị thương và loại khỏi vòng chiến đấu “Siêu pháo đài bay B-52” của Mỹ.

Đại tá, phi công Vũ Đình Rạng (giữa) thăm hang cất giấu máy bay chiến đấu tại Sân bay Dừa, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh tư liệu: Công Kiên

Năm 1969, Mỹ dùng B-52 trút bom xuống những trọng điểm giao thông trên tuyến đường Trường Sơn gây cho ta nhiều tổn thất. Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân quyết tâm dùng tiêm kích MiG-21 để hạ B-52. Tốp bay đêm 13 người, trong đó có phi công Vũ Đình Rạng được điều vào Khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52, trực tiếp quan sát đội hình máy bay địch bay ở độ cao 10 km bằng ống nhòm để lên phương án tác chiến.

“Đêm 20/11/1971, có lệnh báo động máy bay B-52 xâm phạm vùng trời Khu 4, kíp máy bay chiến đấu ở Sân bay Dừa được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Chiếc MiG-21 xuất kích đầu tiên do anh Hoàng Biểu điều khiển bị ra-đa địch phát hiện nên tốp B-52 đã quay trở lại Thái Lan” - phi công Vũ Đình Rạng nhớ lại.

Phi công Vũ Đình Rạng - người đầu tiên loại máy bay B-52 ra khỏi vòng chiến đấu kể lại trận xuất kích tại Sân bay Dừa đêm 20/11/1971. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Ông kể tiếp: “Khoảng 15 phút sau, kíp trực chiến lại nhận được tin báo B-52 xuất hiện từ hướng Thái Lan bay sang. Lần này, tôi được lệnh xuất kích. Theo chiến thuật đã được huấn luyện, tôi điều khiển chiếc MiG-21 bay rất thấp, men theo dãy Đại Huệ với vận tốc nhỏ, đề phòng chệch hướng ra biển. Đến vùng trời Quảng Bình, nhận được lệnh của Sở Chỉ huy mặt đất là vứt thùng dầu phụ và tăng tốc lên cao”.

Vũ Đình Rạng bay về hướng có B-52 và bật ra-đa, phát hiện mục tiêu cách khoảng 6 km. Với khoảng cách này, việc sử dụng tên lửa không đối không sẽ không hiệu quả nên ông quyết định tiếp tục tiến sát mục tiêu. Bị địch phát hiện nhưng ông vẫn bình tĩnh, điều khiển chiếc MiG-21 bám sát B-52, khi khoảng cách chỉ còn 2 km, ông nhấn nút phóng tên lửa. Tên lửa rời bệ phóng, bay thẳng vào mục tiêu và phát nổ.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trong một chuyến bay đêm. Ảnh tư liệu

Vũ Đình Rạng lập tức tăng tốc, thoát ly lên cao và trở về hạ cánh tại Sân bay Dừa trong niềm hân hoan, vui mừng của đồng chí, đồng đội. Về sau, theo tài liệu của Không quân Mỹ, chiếc B-52 trúng tên lửa của Vũ Đình Rạng bị hỏng 1 động cơ vẫn “lết” về được Thái Lan nhưng không thể sửa chữa và bị loại khỏi cuộc chiến. Vì thế, Không quân Mỹ vẫn xem ông là người đầu tiên bắn hạ B-52.

Vạch nhiễu ở đồi Sy

Đúng 10 năm trước, chúng tôi có dịp trao đổi với Đại tá Nghiêm Đình Tích - nguyên Trưởng đài Trạm ra-đa 45 - đơn vị đầu tiên phát hiện máy bay B-52 tiến vào Hà Nội trong chiến dịch lịch sử này.

Ông kể rằng: "Những ngày ấy, Không quân Mỹ liên tục phát tín hiệu giả, gây nhiễu hệ thống các trạm ra-đa của ta, Sở Chỉ huy Sư đoàn Ra-đa lệnh cho các đơn vị vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Đến 19 giờ ngày 18/12/1972, toàn sư đoàn đã chuẩn bị tinh thần chiến đấu cao nhất. Bộ Quốc phòng, quân chủng và chỉ huy sư đoàn liên tục gửi điện tới các đơn vị thông báo tình hình, quán triệt theo dõi và bám sát mục tiêu trên không, đặc biệt là phát hiện máy bay B-52 sớm nhất”.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 45 (Trung đoàn 291) triển khai kế hoạch tác chiến. Ảnh tư liệu

Lúc 18 giờ 50 phút, ngày 18/12/1972, Đại đội 45 - Trung đoàn Ra-đa 291 đóng quân tại đồi Sy thuộc xã Thuận Sơn (Đô Lương) phát hiện và thông báo: Máy bay B-52 tiến ra Hà Nội!. Trước đó, Trạm Ra-đa 16 đóng ở Thanh Hóa cũng đã nghi ngờ máy bay địch đánh vào Hà Nội theo hướng Tây Nam nhưng không dám khẳng định.

Thông tin của Đại đội 45 nhanh chóng chuyển về Sở Chỉ huy Quân chủng trước 35 phút. Quân chủng Phòng không - Không quân lập tức lệnh cho các tiểu đoàn tên lửa theo dõi đường bay, cự ly của máy bay địch để tiêu diệt. Nhờ đó, ngay trong đêm 18/12/1972, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 8 máy bay của địch, trong đó có 3 máy bay B-52.

Những chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị Trạm Ra-đa 45 (Trung đoàn 291) phát hiện, giúp các đơn vị phòng không, tên lửa và pháo cao xạ tiêu diệt trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (1972). Ảnh tư liệu

Đại tá Nghiêm Đình Tích cho biết thêm: "Đơn vị tích lũy được kinh nghiệm phát hiện máy bay B-52 hoạt động ở phía Nam Khu 4 từ năm 1969, từng tham gia dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng máy bay B-52 trong đêm 20/11/1971, trực tiếp bảo đảm cho Trung đoàn tên lửa 263 bắn rơi máy bay B-52 trong đêm 22/11/1972 và kinh nghiệm chống nhiễu phát hiện máy bay B-52 vào đánh Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Hôm đó, tôi cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã xác định ngay những dải nhiễu B-52 ở hướng Tây Nam. Được lệnh của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, cả kíp trực đã xử lý quy trình chống nhiễu B-52. Chỉ trong khoảnh khắc, trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu đã thông báo tình báo các tốp máy bay B-52 lên Sở Chỉ huy Trung đoàn và thông báo vượt cấp về Tổng Trạm Ra-đa tại Sở Chỉ huy Quân chủng".

Công Kiên