Nghệ An: Nỗ lực cải cách hành chính, tăng lợi thế thu hút đầu tư
(Baonghean.vn) - Cải cách hành chính được xác định là một trong những khâu đột phá; là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc tháo gỡ các nút thắt, tạo động lực cho sự phát triển.
Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Nghệ An đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý, điều hành, thể hiện quyết tâm đột phá trong công tác này. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, đưa tỉnh nhà ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Những điểm sáng
Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh Nghệ An quản lý về đầu tư, xây dựng trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn, để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đã đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số hóa hồ sơ; tăng nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Đồng thời, thực hiện rút ngắn thời gian lấy ý kiến tại các địa phương trong quá trình giải quyết địa điểm để chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án.
Đoàn công tác Trung ương, tỉnh Nghệ An khảo sát phối cảnh quy hoạch tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. |
Trong quá trình xử lý hồ sơ, các nhà đầu tư được Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho nhà đầu tư không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, các thủ tục hành chính được giải quyết đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện. Các nhà đầu tư rất yên tâm vì mọi thông tin đều được công khai, minh bạch và giải quyết nhanh chóng, được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được thực hiện quyền kinh doanh của mình một cách sớm nhất”.
Với mục tiêu chính quyền “Đồng hành - Hỗ trợ - Kết nối - Tương tác” với cộng đồng doanh nghiệp, vừa qua, tỉnh Nghệ An công bố ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên điện thoại thông minh. Đây là cách làm mới, được xem là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nghệ An được phát triển trên nền tảng iOS và Android nên rất thuận lợi để tải về cài đặt trên các dòng điện thoại thông minh sử dụng 2 hệ điều hành phổ biến trên. Đây là nền tảng kết nối và tương tác trực tuyến giữa doanh nghiệp và chính quyền, cho phép doanh nghiệp đề xuất, yêu cầu tới các cơ quan chính quyền một cách trực tiếp, nhanh chóng; tạo các kênh kết nối với các nhà đầu tư trên các lĩnh vực.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện nghi thức công bố Ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Để giám sát tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn, trên cơ sở đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 20/8/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 6362/UBND-CN gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng phần mềm quản lý, giám sát tiến độ dự án đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức chia sẻ: “Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã cập nhật dữ liệu lên phần mềm. Việc sử dụng phần mềm giúp theo dõi, nắm bắt được thông tin liên quan đến tất cả các dự án, tình trạng hoạt động các dự án trên địa bàn. Thông qua phần mềm này, lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp, ngành, các huyện biết được cụ thể tình trạng của từng dự án triển khai trên địa bàn để có sự kiểm soát. Đồng thời, căn cứ kết quả cập nhật số liệu trên phần mềm của các đơn vị để UBND tỉnh đưa vào đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các địa phương, đơn vị”.
Xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp tập trung rà soát, tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình điện tử, quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian giải quyết, tăng cường giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Trong năm 2022, có 8 đơn vị thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết đối với 812 thủ tục, tổng thời gian được cắt giảm là 2.117,5 ngày.
Cán bộ phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Lê |
Hiện đại hóa nền hành chính
Cải cách hành chính được xác định là một trong những khâu đột phá; là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc tháo gỡ các nút thắt, tạo động lực cho sự phát triển. Do đó, Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác này. Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 5158/QĐ-UBND ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2030, nhằm thể hiện quyết tâm của tỉnh trong “khơi thông” các “điểm nghẽn” trong công tác cải cách hành chính. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm 15; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Bám sát việc thực hiện mục tiêu đó, tại các phiên họp UBND tỉnh thường kỳ hàng tháng, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, quán triệt và đặt ra yêu cầu đối với các ngành, địa phương về tăng cường quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; đồng thời, thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý, giải quyết công việc, đảm bảo đúng phương châm chỉ đạo “nhanh, đúng, hiệu quả”, chuyển “giải thích, giải trình sang giải pháp, giải quyết”. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, năm 2022, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung chuyển đổi số và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thanh Lê |
Giám đốc Sở Nội vụ, đồng chí Nguyễn Viết Hưng đánh giá: Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Nghệ An xếp 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2020; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPASP) xếp thứ 35/63 tỉnh, thành, phố, tăng 13 bậc so với năm 2020; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) xếp thứ 15/63 tỉnh, thành. Kết quả đó thể hiện quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Đây cũng chính là động lực quan trọng để xây dựng nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, là mục tiêu mà các cơ quan hành chính Nhà nước hướng tới để Nghệ An là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.