Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An: Chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư

Lê Tiến Trị 05/01/2023 10:31

(Baonghean.vn) - Năm 2022, các khu công nghiệp và Khu Kinh tế Đông Nam đã thu hút được 32 dự án đầu tư mới và 14 dự án điều chỉnh tăng vốn; tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt hơn 30.100 tỷ đồng/KH 15.000-20.000 tỷ đồng, tăng 230% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 50% so với kế hoạch.

THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Bên cạnh sức hút từ những chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ, thì hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và lợi thế sẵn sàng về đất đai, nguồn nhân lực, cơ chế ưu đãi,... các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng lựa chọn các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ của các khu công nghiệp: VSIP, WHA, Hoàng Mai I… Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, trong Khu Kinh tế Đông Nam cũng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, tạo sự kết nối liên vùng, khu vực. Và điều tạo ra khác biệt chính là sự quan tâm, thấu hiểu và đồng hành, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư của các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương; đặc biệt, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam luôn trăn trở để đổi mới phương thức xúc tiến, thu hút và hỗ trợ đầu tư nhằm đạt hiệu quả cao nhất...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra quy hoạch khu vực biển xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động kết nối, làm việc với các đối tác, nhà đầu tư, tham mưu UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư Đài Loan tại Hà Nội, làm việc với các Tập đoàn Goertek, Luxshare, Ju Teng, Everwin, Compal, Foxconn; tổ chức đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hàn Quốc. Thường xuyên phối hợp với các công ty hạ tầng các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư, lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan để kịp thời khởi công xây dựng các dự án có quy mô lớn như: Dự án JuTeng tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai 1; Dự án Everwin Precision tại Khu Công nghiệp VSIP...; hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án như: An nam Matsuoka tại Khu Công nghiệp VSIP, Nakano tại Khu Công nghiệp WHA giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút lao động, Ban Quản lý đã hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nhà ở công nhân, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, cấp phép đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội cho người lao động tại huyện Nghi Lộc, với quy mô đáp ứng chỗ ở cho 20.000 lao động; tổ chức thành công các hội nghị kết nối cung - cầu, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động, dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Theo Đề án Phát triển Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Khu Kinh tế Đông Nam được mở rộng từ 20.776 ha lên đến 105.850 ha, trong đó, quỹ đất phát triển khu công nghiệp khoảng 15.000 ha (từ 30 đến 32 khu công nghiệp); Quy hoạch phát triển 12 khu công nghiệp ngoài Khu Kinh tế Đông Nam, với diện tích trên 4.700 ha.

Năm 2022, các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Đông Nam là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 17 dự án cấp mới, 6 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 890 triệu USD/KH 400 triệu USD, tăng 196% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 123% so với kế hoạch và chiếm 94% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Kết quả đó góp phần quan trọng để tỉnh Nghệ An lần đầu tiên nằm trong tốp 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Giá trị xuất khẩu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và Khu Kinh tế Đông Nam đạt 21.300 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 37% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tổng số lao động đang làm việc tại Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp là 30.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare ICT Nghệ An thuộc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Lũy kế đến nay, trên địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 283 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 104.740 tỷ đồng. Trong đó, có 68 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2.235 triệu USD; chiếm gần 59% số lượng dự án và chiếm trên 87% tổng vốn FDI trên địa bàn toàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cùng các cấp, ngành và Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ, hoàn thiện về hạ tầng. Do đó, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư mới, trong gần 3 năm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhưng các khu công nghiệp: VSIP, WHA, Hoàng Mai I vẫn thu hút thành công 4 nhà đầu tư FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, với tổng vốn đầu tư đạt 1,23 tỷ USD, tạo nền tảng và cơ sở quan trọng để hình thành một trung tâm công nghệ, điện tử của khu vực Bắc Trung Bộ.

Phối cảnh Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng của Công ty TNHH Công nghệ điện tử Ju Teng Việt Nam khởi công tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Tư liệu

TẠO DƯ ĐỊA VÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN MỚI

Để duy trì và gia tăng nhịp độ thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới cho các khu công nghiệp và Khu Kinh tế Đông Nam, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tiếp tục phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương và sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp trọng điểm (VSIP 1, WHA giai đoạn 2, Hoàng Mai 1); Chủ động đồng hành, đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án hạ tầng Khu Công nghiệp Thọ Lộc A giai đoạn 1 (VSIP 2), Hoàng Mai 2; Sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện phát triển thêm các khu công nghiệp mới (WHA giai đoạn 3, 4; Thọ Lộc B, Nghĩa Đàn,…); đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Đây có thể coi là sự chuẩn bị “đi trước một bước” đón nhận các nhà đầu tư lớn đến với Nghệ An.

Ngoài việc "xây tổ" đón "đại bàng", Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An đến với các nhà đầu tư; đề xuất các giải pháp thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng đó, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các nhà đầu tư, củng cố niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư đến với Nghệ An và lan tỏa, tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam dần hoàn thiện chào đón các nhà đầu tư. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và hỗ trợ tích cực, hiệu quả thực chất cho nhà đầu tư với quan điểm mục tiêu, phương châm công tác: “Đúng - Tốt - Nhanh”, để các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi - An toàn - Tin cậy”.

Lê Tiến Trị