Thưởng Tết cho người lao động: Những gam màu sáng, tối

Thanh Quỳnh 08/01/2023 16:10

(Baonghean.vn) -  Nghệ An hiện có 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 230.000 lao động. Năm 2022 là năm có nhiều sự biến động khi nền kinh tế phải đối mặt với dịch bệnh, thiên tai và tình hình chính trị thế giới, đặc biệt là thời điểm cuối năm.

Thực tế đó mang lại bức tranh nhiều mảng đối lập đối với hoạt động đảm bảo phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là phúc lợi Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.

­­Hỗ trợ tối đa cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Là một trong 200 công nhân có hoàn cảnh khó khăn được Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng những món quà ý nghĩa tại chương trình “Ngày hội Công nhân - Chào Xuân Quý Mão 2023”, chị Nguyễn Thị Lâm (xóm Lê Lợi, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn) cho đến giờ vẫn vô cùng xúc động. Bởi ngoài nguồn động viên đó, tại nơi mình làm việc, chị còn được công ty đồng hành và hỗ trợ nhiều phúc lợi để có một cái Tết ấm áp, đủ đầy.

Chị chia sẻ, trong những năm gắn bó tại Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH với vai trò là công nhân vắt sữa, hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán chị sẽ được nhận được mức thưởng Tết gồm tháng lương thứ 13 và quà tết bằng hiện vật trị giá 1 triệu đồng. Sau Tết, chị còn được nhận thêm tháng lương thứ 14, thậm chí lương tháng 15 nếu như công ty đạt hoặc vượt chỉ tiêu. Đặc biệt, với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn như chị thì còn được nhận quà Tết của công ty bằng tiền mặt có giá trị từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy vào phúc lợi mỗi năm.

Nhờ nguồn lương và phúc lợi ổn định qua nhiều năm, chị Nguyễn Thị Lâm (công nhân vắt sữa tại Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH) cùng các con đã có chỗ dựa vững chắc để ổn định cuộc sống. Ảnh: Thanh Quỳnh

Quây quần cùng các con trong căn nhà nhỏ, chị Lâm cho biết, vào năm 2018, chồng chị lâm bệnh nặng. Sau 2 năm ra vào các bệnh viện lớn nhỏ nhưng không có tiến triển, anh đã mất vào năm 2020, để lại 4 đứa con thơ dại, trong đó có hai bé sinh đôi năm nay mới bước vào lớp 2. Cuộc sống của 5 mẹ con phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của chị, nhưng với sự hỗ trợ và phúc lợi ổn định từ công ty, những năm qua mẹ con chị đã có chỗ dựa vững chắc để ổn định cuộc sống.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thì Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH nơi chị Lâm làm việc (đứng chân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn) là doanh nghiệp có mức dự kiến thưởng Tết cho người lao động cao nhất tỉnh Nghệ An.

Trên bình diện chung toàn huyện Nghĩa Đàn, bên cạnh số ít doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc cắt giảm nhân công thì còn nhiều đơn vị doanh nghiệp đang nỗ lực hết mình để chăm lo cho đời sống người lao động. Đặc biệt là việc đảm bảo nguồn phúc lợi vào dịp Tết cho công nhân­­.

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Dương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Đàn thì toàn huyện có 121 đơn vị công đoàn trực thuộc. Trong đó có 21 đơn vị thuộc khối doanh nghiệp. Bước vào năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bước đầu đi vào ổn định, thu nhập người lao động trong các doanh nghiệp bình quân 5,0-5,7 triệu đồng/người/tháng.

Căn cứ vào khảo sát đời sống việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động dịp Tết Nguyên đán năm ngoái thì đa số các doanh nghiệp trên địa bàn đều thưởng Tết cho nhân viên từ 1-2 tháng lương cơ bản. Bước vào những ngày cuối năm này, một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã bắt đầu thông tin về mức thưởng Tết Nguyên đán 2023. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều đang nỗ lực để đảm bảo nguồn phúc lợi Tết cho người lao động một cách thấu đáo nhất.

Liên đoàn Lao động tỉnh đi thăm, làm việc tại một số doanh nghiệp FDI thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam và Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu để nắm bắt tình hình kinh doanh, sản xuất và các chế độ lương, thưởng cho công nhân, lao động dịp cuối năm. Ảnh: Diệp Thanh

Doanh nghiệp vượt khó để lo phúc lợi Tết cho người lao động

Là địa bàn trung tâm của tỉnh, thành phố Vinh hiện có 197 công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn với tổng số công nhân viên lao động gần 13.300 người. Trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 22 công ty cổ phần và 19 công ty trách nhiệm hữu hạn.

Chị Trần Lệ Thi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Vinh cho biết, sau một năm làm việc vất vả, phúc lợi cuối năm, đặc biệt là phúc lợi Tết là điều mà mọi người lao động đều mong chờ. Năm nay, trong bối cảnh việc làm giảm sút, đời sống khó khăn, phúc lợi cuối năm càng có ý nghĩa thiết thực hơn đối với người lao động. Đáp lại tâm lý mong chờ của người lao động, nhiều doanh nghiệp cho biết đã và đang xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, trong đó nỗ lực đảm bảo tiền lương, thưởng Tết.

Công ty TNHH Em-tech Việt Nam tại Nghệ An là một trong những doanh nghiệp có mức dự kiến thưởng Tết thuộc tốp cao nhất trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: CSCC

Trong đó, một số công ty, doanh nghiệp đã có bước tiến đáng kể trong việc chăm lo phúc lợi tết cho công nhân, người lao động. Đơn cử như Công ty TNHH Em-tech Việt Nam tại Nghệ An đã thông báo mức lương, thưởng Tết dự kiến cho người lao động trên 22 triệu đồng (đối với người cao nhất). Trước đó, công đoàn công ty cũng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố để thăm hỏi, tặng các suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn với trị giá mỗi suất là 500 nghìn đồng.

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp còn gặp khó trong đảm bảo phúc lợi cho công nhân thì trong năm vừa qua, đơn vị này đã nỗ lực nâng giá trị bữa ăn cho công nhân, người lao động. Đồng thời, xây dựng lại tiêu chí phụ cấp thâm niên, phụ cấp cấp bậc, phụ cấp chuyên cần được xây dựng lại một cách có lợi hơn cho người lao động. Từ đó, tạo được niềm tin và động lực cho người lao động trong quá trình làm việc.

Tại Khu Kinh tế Đông Nam - nơi có hơn 120 doanh nghiệp đang hoạt động với hàng chục nghìn lao động đang làm việc thì hiện nay các doanh nghiệp chưa công bố mức thưởng Tết Nguyên Đán cho công nhân, người lao động. Nhưng Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam cho biết, qua nắm tình hình thì đa phần các doanh nghiệp vẫn có chế độ phúc lợi Tết để đảm bảo an sinh cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp luôn nỗ lực để đảm bảo giờ làm và phúc lợi cho công nhân khi Tết đến, Xuân về. Ảnh: Thanh Quỳnh

Những gam màu tối

Cuối năm 2022, Nghệ An có hơn 1.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Dù nghỉ vào thời điểm cận Tết nhưng toàn bộ số công nhân trên không hề được thưởng Tết.

Tại một số lĩnh vực, tiêu biểu là lực lượng giáo viên thì không có lương tháng 13 hay thưởng Tết như người lao động ở các doanh nghiệp. Nhưng cuối năm, chính quyền, công đoàn của ngành, của trường thường cố gắng thu xếp một khoản để chi cho giáo viên. Nhiều người gọi đây là "thưởng Tết". Số tiền này khá thấp so với mức sống ở thời điểm hiện tại.

Nhìn chung, phúc lợi Tết Nguyên đán 2023 cũng có dự báo giảm so với Tết Nguyên đán năm 2022. Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An vừa phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện khảo sát tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn.

Theo đó, tiền thưởng bình quân các doanh nghiệp thưởng cho người lao động Tết Âm lịch Quý Mão là 4,2 triệu đồng/người (giảm 8,1% so với năm 2022), cao nhất là 80 triệu đồng/người (giảm 20% so với năm 2022), thấp nhất là 100 nghìn đồng/người.

Một số doanh nghiệp ảm đạm, vắng hoe khi phải tạm ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng dịp cuối năm. Ảnh: Thanh Quỳnh

So với năm ngoái, thưởng Tết năm nay thấp hơn, với mức bình quân chỉ 4,2 triệu đồng/người, so với năm ngoái thưởng Tết bình quân 4,6 triệu đồng/người; mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng/người.

Điều đó cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn đang đặt ra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo việc làm, phúc lợi cho người lao động, cần có các chính sách đào tạo và kết nối cung cầu lao động một cách bền vững hơn./.

Thanh Quỳnh