Nghệ An hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm mới
(Baonghean.vn) - Việc các doanh nghiệp mới ra đời và đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn tạo ra việc làm cho lao động. Tuy nhiên, thực tế tại Nghệ An còn khá nhiều bất cập...
Trụ cột của nền kinh tế
Theo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 906 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, tổng cộng toàn tỉnh có 26.330 doanh nghiệp đã được thành lập.
Tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 105,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư xã hội; đã thu hút 625 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 76 nghìn tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, mặc dù chưa có đánh giá và còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới vẫn được duy trì, quy mô huy động, đầu tư nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh vẫn được đảm bảo.
Người dân đến bổ sung giấy tờ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Hải |
Với trên 2.000 doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm và mức vốn bình quân từ 4,04 đến 8,82 tỷ đồng/doanh nghiệp, đồng nghĩa với nguồn lực vốn từ 21-23 nghìn tỷ đồng được đưa vào sản xuất, kinh doanh đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, có đóng góp to lớn với nền kinh tế.
Tổ hợp gồm Nhà máy may và sản xuất giày da tại xã Nghi Diên (Nghi Lộc) cần trên 10.000 lao động nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới tuyển được chỉ có 2.000. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đến nay, tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 38%, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.
Tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 26,36% năm 2016 xuống còn 25% năm 2021; công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tăng từ 73,8% năm 2016 lên 75,5%; thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (57-67%) trong tổng thu ngân sách; các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn trong tỉnh đóng góp quan trọng vào ngân sách ngày càng nhiều thêm, con số doanh nghiệp có số thu ngân sách trên 50 tỷ và chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nội địa tăng dần qua các năm.
Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn
Mặc dù Nghệ An có số doanh nghiệp đăng ký thành lập lớn, nhưng xét trên tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp lại khá thấp, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành. Trong số 26.330 doanh nghiệp được thành lập thì thực chất chỉ có 14.050 doanh nghiệp hoạt động (tính đến 31/12/2021), đạt 53,3%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động ở Nghệ An còn khiêm tốn, hiện mới chỉ đạt 8 doanh nghiệp/1.000 dân, xếp thứ 27 cả nước (bình quân chung cả nước là 15 doanh nghiệp/1.000 dân).
Ngoài ra, theo Sách trắng doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp năm 2018, dù tỷ lệ sử dụng lao động của Nghệ An xếp thứ 14 trong số 63 tỉnh, thành, mức thu nhập bình quân chỉ từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 34 dự án, trong đó 15 dự án đầu tư vào KCN VSIP và 22 dự án đầu tư vào WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An nên cần nhiều lao động kỹ thuật. Ảnh tư liệu |
Theo đại diện Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thu nhập thấp là rào cản trong thu hút, giữ chân lao động ở lại quê hương thời gian qua. Mặc dù các doanh nghiệp trả lương không vi phạm mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, nhưng mức lương mà các doanh nghiệp trả cho lao động tỉnh khá thấp, ngoài lương không có ưu đãi gì khác như nhà ở hay chế độ tăng lương, phụ cấp thâm niên, trách nhiệm nên lao động không mặn mà.
Ký kết hợp tác đào tạo cung cấp lao động trẻ có tay nghề giữa Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc và các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh tư liệu |
Phát biểu tại các buổi làm việc góp ý xây dựng Dự thảo Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2025, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư một mặt khẳng định những chính sách ưu đãi, thông thoáng của Nhà nước đã góp phần động viên người dân bỏ vốn ra kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, qua đó tạo thêm việc làm mới trong xã hội; mặt khác cho rằng, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đăng ký thành lập vẫn nhiều khó khăn, trắc trở nên tỷ lệ các doanh nghiệp “trụ” lại sau thành lập chưa nhiều.
Sau thành lập, các doanh nghiệp vì nhiều lý do không hoạt động nhưng cũng không báo cáo về sở chủ quản đã cấp phép. Về phía ngành Thuế luôn khẳng định, con số doanh nghiệp đang hoạt động do ngành nắm được là con số thực, đã mở tờ khai mã số thuế và phát sinh doanh thu thuế qua thực tế hoạt động.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao giải khởi nghiệp sáng tạo cho một doanh nghiệp trẻ. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Ảnh tư liệu |
Ngoài thực tế trên, do Luật không giới hạn nên nội dung xin cấp phép đăng ký kinh doanh cũng khá rộng. Ngoại trừ các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cần thêm chứng chỉ riêng, người dân có thể xin cấp phép bất kỳ lĩnh vực nào. Điều này, tuy tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề thuận lợi, đỡ phải đăng ký lại nhưng cũng xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng thành lập doanh nghiệp "ma" để mua bán hóa đơn, hoặc để sau đó phù phép, hợp thức hóa điều kiện, tư cách pháp nhân để làm “quân xanh”, “quân đỏ” trong các phiên đấu giá, dự thầu…
Các doanh nghiệp loại này thường chỉ có người đại diện theo pháp luật kèm con dấu mà không cần trụ sở, không có bộ máy và nhân công cơ hữu. Người đại diện theo pháp luật là người được trả lương và chưa hẳn là chủ thực sự của công ty, doanh nghiệp và các giấy tờ chứng minh năng lực chỉ là những hồ sơ, giấy tờ mượn tạm công chứng…
Tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm cho các lao động trẻ sau học nghề. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trước những bất cập trên, khi xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tỉnh đã đề nghị các sở, ngành cần xây dựng được cơ sở dữ liệu về nhân lực lao động để các trường đào tạo nghề và địa phương định hướng cho con em.
Hiện nay, Chương trình và Đề án Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Cùng với tích hợp, tiếp nối các gói đã triển khai từ trước vào đề án mới trên lĩnh vực hỗ trợ đào tạo doanh nhân, doanh nghiệp, cần tập huấn tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp (CEO, Kế toán…); hỗ trợ pháp lý do doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nữ, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp… Việc bố trí nguồn lực cần tập trung, có trọng điểm hơn; cùng với hỗ trợ ban đầu, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ bằng các chính sách sau thành lập hoặc đầu tư.
Song song với hỗ trợ thành lập mới, tỉnh Nghệ An và nhất là TP. Vinh thường xuyên duy trì các đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, gỡ khó trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Hải |
Theo ông Hoàng Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (NAPC): Trong giai đoạn hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp nên tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào chuyển đổi số kịp thời và đúng nội dung sẽ biến “nguy” thành “an” và các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng có lợi thế trong chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần hỗ trợ lớn hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sau đăng ký kinh doanh về kiến thức, tiềm lực, kỹ năng trước khi ra thương trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.