Ngăn ngừa ngộ độc do sử dụng thực phẩm có chứa ma túy
(Baonghean.vn) - Đặc điểm của các loại ma túy “núp bóng” này là có bao bì bắt mắt, ngụy trang dưới dạng thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát; gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Mới đây, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Nghệ An; Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Vinh chỉ đạo triển khai thực hiện việc ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật sử dụng các chất ma túy và tiền chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Thời gian qua, trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam xuất hiện nhiều dạng ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Ảnh: Internet |
Theo đó, Sở Y tế Nghệ An đề nghị Công an tỉnh, Sở Công Thương tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, phát hiện nhằm ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các chất ma túy và tiền chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai đơn vị, sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác truyền thông, phổ biến về sự nguy hiểm của việc sử dụng thực phẩm có chứa ma túy, tiền chất ma túy để cảnh báo cho người dân, đặc biệt là tuyên truyền để người dân biết lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không có nhãn mác, thực phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức truyền thông, phổ biến về sự nguy hiểm của việc sử dụng thực phẩm có chứa ma túy, tiền chất ma túy để cảnh báo cho người dân. Huy động đài phát thanh, truyền hình dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt phát huy hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; tập trung hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống, xử lý ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do sử dụng thực phẩm có chứa chất ma túy và tiền chất ma túy; khi có các biểu hiện nghi ngờ do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Ngày 9/1, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cũng đã có Công văn số 58/STT&TT-TTBCXB về việc tuyên truyền cảnh giác về ngộ độc do sử dụng thực phẩm có chứa chất ma túy gửi các cơ quan báo chí, Phòng Văn hóa Thông tin và Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố, thị xã.
Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đề nghị các cơ quan báo chí, phòng Văn hóa -Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về sự nguy hiểm của việc sử dụng thực phẩm có chứa chất ma túy, tiền chất ma túy để cảnh báo cho người dân; tuyên truyền cho người dân trong việc sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống.
Ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt chất ma túy.
Các sản phẩm “núp bóng” đã phát hiện ở nước ta như:
(1) Nước trái cây “Crispy Fruit” hương dâu, hương nho, hương xoài, chứa chất Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III, Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ);
(2) Socola nhãn hiệu “Chill Max” có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc Danh mục IIC, Nghị định 57); các loại “nước vui”, “nước biển” chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57);
(3) Bánh cần, bánh lười “Lazy cakes” chứa cần sa;
(4) Nước nho chứa Ketamine; trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng” chứa Nimetazepam được ngụy trang trong các gói nhỏ in hình đông trùng hạ thảo trên bao bì.