Thức uống ủ bằng men từ 36 loại lá rừng đắt hàng dịp Tết

Hoài Thu 17/01/2023 10:09

(Baonghean.vn) - Thứ đồ uống được chưng cất từ loại men làm bằng lá rừng được Làng nghề rượu men lá bản Xiềng, Làng nghề rượu cần Chằm Muộng của huyện miền núi Con Cuông sản xuất. Dù chưa đến Tết nguyên đán nhưng nhiều hộ làm nghề đã cạn nguồn cung.

Từ trước Tết ông Công, ông Táo năm nay không khí Tết đã đến với các làng nghề sản xuất men lá và chưng cất rượu truyền thống ở xã Đôn Phục và Mậu Đức, huyện Con Cuông. Bà con phấn khởi hơn nhiều so với Tết Nguyên đán 2022 khi số lượng các sản phẩm làm ra trong cả năm 2022 gần như đã bán hết.

Người dân bản Chằm Muộng vui mừng vì sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết sớm trước Tết. Ảnh: HT

Tại bản Chằm Muộng, xã Mậu Đức, nơi có Làng nghề rượu cần Chằm Muộng vừa được UBND tỉnh công nhận tháng 11/2021, người dân trong bản đã bắt tay vào chuẩn bị cho những mẻ sản phẩm mới bởi số lượng làm ra cả năm nay đã được bán và đặt cọc hết.

Chị Ngân Thị Hành, một trong những hộ tham gia các tổ sản xuất rượu cần ở Chằm Muộng vừa giới thiệu mẻ ngâm ủ mới cho biết: “Gia đình chỉ còn hơn 50 hũ để dành đón Tết Quý Mão. Chủ yếu "để phần" cho người thân, họ hàng và bạn bè thân quen chứ không bán nữa. Trong bản cũng vậy, các hộ tham gia sản xuất đều đã bán hoặc có khách đặt hàng hết. Năm nay Chằm Muộng “cháy hàng” nên chị em chúng tôi tranh thủ vào rừng tìm lá để chuẩn bị cho những mẻ sản phẩm mới”.

Số lượng rượu cần còn lại của gia đình ông Quang Văn Thu. Ảnh: HT

Cách không xa ngôi nhà của chị Hành là căn nhà sàn khá rộng rãi của ông Quang Văn Thu. Tại một góc sân nhà ông Thu sắp xếp khá gọn gàng hơn 30 bình chứa thức uống "vạn người mê", mỗi bình dung tích chứa 10 - 15 lít. Con trai của ông Thu cho biết, số bình này gia đình để lại sử dụng dịp Tết và dành cho một số người quen đã dặn trước mà chưa đến lấy.

Men ủ rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được làm từ hơn 30 loại thảo dược, chủ yếu được lấy từ rừng. Ảnh: HT

“Năm nay sản phẩm truyền thống của Chằm Muộng được bán hết sớm. Khách hàng từ trong Nam đến ngoài Bắc cũng đặt mua; người tiêu dùng trong huyện, trong tỉnh cũng mua tăng vọt so với các năm trước nên bà con rất phấn khởi” - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức ông Võ Đình Thành cho biết.

Cũng chung niềm vui của những hộ sản xuất men lá và rượu truyền thống ở Mậu Đức, các tổ sản xuất ở Làng nghề rượu men lá bản Xiềng, xã Đôn Phục cũng cho biết, dù cách Tết nguyên đán Quý Mão hơn chục ngày nhưng hiện nay sản phẩm làm ra đã bán hết.

Các tổ sản xuất ở bản Xiềng hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Ảnh: HT

Bà Vi Thị Hoàng - tổ sản xuất men lá bản Xiềng cho biết, hiện nay Làng nghề bản Xiềng có 56 hộ tham gia, chia thành 2 tổ sản xuất. Các hộ thay phiên nhau thực hiện các công đoạn theo sự thống nhất phân công của cả tổ.

Làng nghề bản Xiềng xã Đôn Phục sản xuất men từ 36 loại lá rừng. Ảnh: HT

“Vì quy trình làm ra men từ lá rừng và yêu cầu thời gian ủ rượu phải qua hàng tháng trời nên chúng tôi phải luân phiên “gối vụ” mới có thể đủ nguồn cung thường xuyên cho khách hàng. Bản Xiềng mới được cấp tỉnh công nhận là làng nghề khoảng 1 năm nay, tuy nhiên, bà con cũng chưa lường được mức tiêu thụ sản phẩm khi làng nghề được các cấp ngành công nhận, được quảng bá nên năm nay bán hết sớm” - bà Vi Thị Hoàng cho biết.

Lãnh đạo UBND xã Đôn Phục cho biết, xã có 188 hộ với 844 nhân khẩu, thì có tới hơn 70% số hộ thông thạo quy trình sản xuất men từ lá rừng và tham gia nấu rượu men lá. Trong đó có khoảng 21% số hộ sản xuất, kinh doanh thức uống truyền thống này.

Lãnh đạo UBND xã Đôn Phục kiểm tra các tổ sản xuất rượu men lá. Ảnh: HT

Hiện nay Làng nghề rượu men lá bản Xiềng có 2 tổ sản xuất, mỗi tổ chưng cất được khoảng 100 - 150 lít mỗi ngày với số lượng 4 - 6 nồi nấu thủ công, đem lại thu nhập trung bình cho mỗi lao động khoảng 18 triệu đồng/năm. Đồng thời hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động.

Men làm từ lá rừng sau khi được ủ thì được đưa lên gác ở giàn hong trên bếp lửa để bảo quản. Ảnh: HT

“Để giúp người dân duy trì nghề truyền thống và phát triển kinh tế, UBND xã luôn hướng dẫn, định hướng người dân thực hiện sản xuất phải tuân thủ các quy định, quy chế hoạt động trong sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, để xây dựng và giữ uy tín cho làng nghề, việc đảm bảo chất lượng luôn phải được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi quán triệt với bà con việc các mẻ sản phẩm chưng cất ra phải được ngâm ủ đủ thời gian mới được xuất bán, không được chạy theo số lượng mà làm ảnh hưởng đến chất lượng”, ông Lữ Ngọc Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục khẳng định./.

Hoài Thu