Chuyện người “hồi sinh” rượu men lá Con Cuông

Bỏ công việc đã ổn định 16 năm ở cơ quan Nhà nước, bán nhà ở thị trấn, cầm cố đất đai để “về vườn” theo đuổi đam mê khôi phục lại dòng rượu men lá hạ thổ truyền thống đã thất truyền của đồng bào dân tộc Thái, nhiều người cho rằng anh “gàn dở”. Song, vượt qua bao trở ngại, gã “Đông gàn” đã bước đầu chạm đến mục tiêu xây dựng cơ sở du lịch sinh thái cộng đồng ở miền Trà Lân xứ Nghệ...

Nhiều người ở cái đất Con Cuông đã từng gọi Lê Đông là “gã gàn dở” khi thấy anh bỏ công việc Nhà nước, bán nhà về quê nấu rượu. Ấy nhưng sản phẩm anh nấu không phải thứ rượu thường, mà là thức uống truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đã bị thất truyền gần nửa thế kỷ.

Sở dĩ anh có tên Đông bởi anh sinh ra trong một gia đình rất đông anh em, anh là con thứ 8 trong 9 anh, chị em. Anh Lê Đông hiện giờ đã là chủ một cơ sở kinh doanh rượu men lá hạ thổ đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Khách hàng của anh không chỉ phủ khắp các huyện trong tỉnh, mà đã vươn xa tận Sài Gòn, Phú Quốc, Hà Nội… Ngoài cung cấp dòng sản phẩm sản xuất theo bí quyết riêng của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Con Cuông, anh còn đang hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng với không gian đậm chất văn hóa miền Tây, tạo những trải nghiệm khác biệt cho du khách đến với mảnh đất Trà Lân xưa.

Anh Lê Đông đam mê sưu tầm các nguyên liệu từ thiên nhiên để chế tác đồ dùng sinh hoạt.
Anh Lê Đông đam mê sưu tầm các nguyên liệu từ thiên nhiên để chế tác đồ dùng sinh hoạt.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được thành công, ông chủ “vườn rượu” Lê Đông từng là “gã gàn dở” trong ánh mắt nhiều người. Không được sinh ra ở mảnh đất Con Cuông, nhưng cơ duyên cuộc đời đã đưa anh đến với mảnh đất này vào năm 2000 và bén duyên với cô gái Thái Vi Thị Nga. Năm 2002, anh Lê Đông được tuyển vào cơ quan Huyện ủy Con Cuông. Suốt 16 năm gắn bó với với công việc, có gia đình yên ấm, mua được ngôi nhà khang trang ở ngay thị trấn.

Anh Lê Đông bỏ phố về quê làm vườn.
Anh Lê Đông bỏ phố về quê làm vườn.

Suốt những năm tháng gắn bó với mảnh đất miền Tây xứ Nghệ này, vợ anh lại là người dân tộc Thái, dần dà những nếp sống, những thói quen, những tình cảm nồng ấm của đồng bào đã trở thành một phần không thể thiếu trong anh. Cũng không biết tự bao giờ, những nếp đón mừng các ngày lễ, ngày Tết, những cách đồng bào đùm bọc nhau đã khiến có lúc anh nghĩ mình cũng là một người con được sinh ra nơi đây, gắn bó từ tấm bé. Thời gian làm việc ở cơ quan Huyện ủy Con Cuông, anh thường xuyên được “tháp tùng” các lãnh đạo huyện đi công tác, đặc biệt là anh Vi Văn Sơn thời bấy giờ là Chánh Văn phòng Huyện ủy (nay là Trưởng ban Dân tộc tỉnh), tham gia nhiều cuộc hội họp, gặp gỡ đồng bào, nhiều lần anh đã nghe nói đến một thức uống đặc trưng của người Thái, đó là rượu men lá, nhưng đã bị thất truyền từ lâu.

Làm việc trong cơ quan cấp huyện, thấu hiểu được sự trăn trở của lãnh đạo địa phương trong việc tìm kiếm một sản phẩm mang bản sắc riêng của huyện Con Cuông trên con đường xây dựng mục tiêu đô thị du lịch sinh thái, được sự khơi gợi, động viên từ anh Vi Văn Sơn, anh nung nấu ý định khôi phục lại dòng rượu men lá truyền thống, không muốn để mất một vốn quý của đồng bào.

Các cộng sự của anh Lê Đông vào rừng hái lá ủ men rượu.
Các cộng sự của anh Lê Đông vào rừng hái lá ủ men rượu.

Rượu men lá tiếng Thái gọi là “láu xiêu xà”, là thức uống được chưng cất từ loại men làm từ 18 vị thảo dược khác nhau, trong đó, có nhiều loại lá quen thuộc trong vườn nhà như mít, quế, mía, mú từn và nhiều loại lá quý hiếm được hái từ rừng như vàng gua, nhân trần, khà nà… Rượu này các thế hệ ông cha xa xưa của người Thái chưng cất để dâng lên các bậc vua chúa, quan lại, giới thượng lưu. Điều đặc biệt của nó là sự an toàn sinh học, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, khi sử dụng không gây đau đầu và có yêu cầu chưng cất thủ công rất cầu kỳ, tốn nhiều thời gian.

Cũng do yêu cầu rất khắt khe, cầu kỳ trong sản xuất, bên cạnh đó, thị trường lại xuất hiện loại men ủ rượu của nước ngoài có thể rút ngắn thời gian chưng cất nên ít người duy trì cách làm rượu truyền thống mà theo như lời các già làng nơi đây, dòng rượu men lá đã vắng bóng tầm 30- 40 năm, hầu như ít người còn nhớ công thức chưng cất. Gã gàn Lê Đông nhận thấy đây chính là một sản phẩm đặc trưng của người Thái ở huyện Con Cuông, là một vốn quý của đồng bào, gắn bó với bản sắc văn hóa bao đời, nếu để thất truyền, mai một thì thật đáng tiếc. Cho nên, nhiều năm suy nghĩ, trăn trở và nung nấu quyết tâm sẽ khôi phục lại dòng rượu này. Tuy nhiên, để thực hiện được mong ước ấy, anh buộc phải lựa chọn hoặc là cuộc sống hiện tại với công việc ổn định, hoặc từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu.

Rượu men lá của anh Lê Đông được hạ thổ 1 năm trước khi bán ra thị trường; Rượu nấu bằng men lá được bỏ vào chum sành chôn xuống đất 1 năm mới cho ra thành phẩm; Vườn rượu men lá hạ thổ tại Khu du lịch sinh thái Lê Đông; Rượu men lá của người Thái ở Con Cuông sau khi được phục dựng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.
Rượu men lá của anh Lê Đông được hạ thổ 1 năm trước khi bán ra thị trường; Rượu nấu bằng men lá được bỏ vào chum sành chôn xuống đất 1 năm mới cho ra thành phẩm; Vườn rượu men lá hạ thổ tại Khu du lịch sinh thái Lê Đông; Rượu men lá của người Thái ở Con Cuông sau khi được phục dựng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Cuộc sống tưởng chừng cứ thế êm trôi, năm 2010, Lê Đông quyết định bán ngôi nhà ở thị trấn để đến xã Bồng Khê, sang bên kia sông thuê nhà ở để thực hiện ý định nung nấu bấy lâu. Từ thị trấn Con Cuông chạy xe máy tà tà dọc bờ sông Lam chừng hơn chục phút, bản Thanh Đào nằm bên kia bờ sông, nơi hầu hết là đồng bào dân tộc Thái an cư lạc nghiệp êm đềm dưới những mái nhà sàn đặc trưng là nơi Lê Đông lựa chọn “an cư, lạc nghiệp”.

Anh nhớ lại cái ngày người vợ đã cùng anh chia ngọt, sẻ bùi gần 20 năm, cô giáo Vi Thị Nga vừa hết giờ dạy, trở về tổ ấm rất muộn, khi đến cổng nhà thì trông thấy tấm biển treo với dòng chữ “Bán nhà”. Vợ anh ngạc nhiên hỏi chồng người nào nghịch ngợm treo biển bán nhà mình, “gã gàn” cho hay chính gã là người làm việc đó”. Nghe vậy, vợ anh choáng váng đầu óc, ngồi sõng soài ngay giữa sân.

Gã tâm sự, lúc quyết định khôi phục bằng được dòng rượu men lá, vợ con cũng như người thân, bạn bè đều phản đối chuyện anh bán nhà chuyển về vùng xa hơn để theo đuổi đam mê được cho là quá “gàn dở”. Cái tên “Đông gàn” cũng xuất hiện từ đó. Lúc quyết định bán nhà ở thị trấn để về bản Thanh Đào, vợ anh đã đau khổ hỏi chồng mình rằng anh “không thương em thì thôi, chả lẽ anh cũng không thương con hay sao”, “gã gàn” trả lời rằng chính vì thương vợ, thương con và vì cả đam mê của mình, gã quyết tâm xin vợ cho anh thời gian 5 năm để chứng minh cho sự lựa chọn của mình. Song, dù lời hứa như vậy, nhưng trước mắt vẫn là nợ nần, vợ anh chỉ biết thở dài, lo âu, buồn tủi suốt 2 năm trời. Suốt 2 năm đầu về bản Thanh Đào, gã trở thành “Chúa Chổm” bởi gặp phải vô vàn khó khăn và thất bại hàng trăm lần trong thử nghiệm nấu và tìm ra công thức nấu rượu men lá chuẩn nhất.

Đến năm 2019, vì khối lượng công việc quá nhiều, anh nhận thấy muốn theo đuổi ước mơ cần phải có sự lựa chọn, nên tháng 4/2019 “gã gàn” quyết định xin nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước sau 16 năm gắn bó. 40 tuổi, gã bắt đầu một hành trình mới với việc tham gia học lớp khởi nghiệp, xây dựng mục tiêu kinh doanh của riêng mình…

Những năm 2000, trên thị trường ẩm thực ở huyện Con Cuông nói riêng và nhiều vùng, miền khác ở miền Tây xứ Nghệ nói riêng đã xuất hiện nhiều loại rượu khác nhau. Trừ các loại nhập ngoại, còn lại đa số đều được chưng cất từ các loại men bán sẵn trên thị trường, giá rẻ và thời gian nấu nhanh. Còn dòng sản phẩm được nấu từ men lá rừng ở huyện Con Cuông đã vắng bóng hàng chục năm, chỉ còn một số cụ ông, cụ bà còn nhớ công thức chế biến.

Anh Lê Đông cùng người dân thực hiện các quy trình ủ men lá theo công thức cổ truyền; Một công đoạn chế biến men lá.
Anh Lê Đông cùng người dân thực hiện các quy trình ủ men lá theo công thức cổ truyền; Một công đoạn chế biến men lá.

Người dân ở các xã Bồng Khê, Đôn Phục hay Môn Sơn, nhất là các cụ ông, cụ bà cao tuổi từ lâu đã quen thuộc với một gã trai dáng người nhỏ nhắn nhưng có đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện và đặc biệt mê “món nước cay cay, nồng nồng”. Gã mê “món” ấy bởi sự nung nấu phục dựng lại dòng rượu men lá hạ thổ của đồng bào dân tộc Thái đã nung nấu bấy lâu.

Không thể cưỡng “sự mê” của mình, sau khi chuyển nhà về bản Thanh Đào, cả năm trời cứ tranh thủ lúc được nghỉ việc, gã lại lang thang khắp các bản làng, lân la hỏi chuyện các cụ ông, cụ bà để tìm người còn nhớ công thức ủ men lá, rồi thuyết phục họ chia sẻ bí quyết, hợp tác để khôi phục lại một sản phẩm quý của cha ông. Mỗi lần gặp các cụ, gã lại thu thập được một ít thông tin. Lúc thì loại lá nào quan trọng, lúc lại là cách ủ men, khi lại là bí quyết giữ nhiệt độ để rượu không bị hỏng… Sau mỗi cuộc hàn huyên cùng các vị cao tuổi, không chỉ hiểu thêm về thứ sản phẩm đặc biệt, mà gã còn “dung nạp” được vô khối những phong tục, tập quán hay của người dân. Cùng với thu thập công thức nấu rượu men lá, gã cũng đồng thời sưu tầm các vật dụng sinh hoạt thường ngày của người dân. Gã như con kiến tha mồi, dần dà ngôi nhà nhỏ của gã đầy rẫy các rổ, rá, khăn piêu, ép xôi… Hầu hết là đồ thủ công làm từ mây, tre, gỗ.

Anh Lê Đông và vợ; người phục dựng rượu men lá hạ thổ của người Thái Lê Đông say mê với những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào; những sản phẩm thủ công tự tay ông chủ Lê Đông làm ra.
Anh Lê Đông và vợ; người phục dựng rượu men lá hạ thổ của người Thái Lê Đông say mê với những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào; những sản phẩm thủ công tự tay ông chủ Lê Đông làm ra.

Nói về “chú Đông” bằng cả sự trìu mến, bà Hà Thị Tình ở bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn cho hay: “Chú Đông thuyết phục bà con hợp tác làm kinh tế bằng chính bí quyết của cha ông xưa mà chú đã bỏ bao công sức đi tìm lại được. Muốn làm được loại rượu này, phải mất nhiều thời gian học lắm. Men làm từ hàng chục loại lá… Mỗi lần đi rừng, phải nhớ kỹ, học kỹ để không bị nhầm lẫn giữa hàng trăm ngàn loại lá, khó lắm”.

(Còn nữa)