Cần xử lý nghiêm xưởng băm dăm gỗ trái phép 'cưỡng lệnh' đình chỉ ở huyện Con Cuông
Một xưởng băm dăm gỗ quy mô lớn hoạt động trái phép rầm rộ suốt thời gian dài ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Sau khi bị phát hiện, chính quyền địa phương đã yêu cầu đình chỉ nhưng không chấp hành.
Ngày 9/4, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, địa phương đã lập biên bản vi phạm và đang xây dựng hồ sơ để ra quyết định cưỡng chế xưởng băm dăm gỗ trái phép ở xã Chi Khê. Động thái này diễn ra sau khi UBND huyện kiểm tra và phát hiện xưởng băm dăm gỗ này hoạt động trái phép, yêu cầu dừng hoạt động nhưng không được chấp hành. “Đến thời điểm hiện tại thì xưởng này đã dừng rồi”, ông Tuấn nói.

Trước đó, ngày 23/2, đoàn kiểm tra của UBND huyện Con Cuông phát hiện 1 xưởng băm dăm gỗ hoạt động trái phép ở phía sau Nhà máy Giấy Trà Lân của Công ty cổ phần Huy Tuấn chi nhánh Nghệ An. Một ngày sau, sáng 24/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cũng đã đến xưởng băm dăm gỗ này trong chuyến kiểm tra hoạt động của các nhà máy, cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn 2 huyện Con Cuông và Anh Sơn. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc đình chỉ hoạt động của cơ sở này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Con Cuông, sau đó, ngày 25/2, UBND huyện Con Cuông đã có công văn về việc tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng các nhà máy, cơ sở băm dăm trái phép gửi UBND xã Chi Khê, trong đó có giao nhiệm vụ cho UBND xã khẩn trương rà soát, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân thực hiện băm dăm trên địa bàn, từ đó tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm đối với các cơ sở băm dăm trái phép.

Tuy nhiên, cơ sở băm dăm trái phép này sau đó vẫn hoạt động rầm rộ. Đến ngày 6/3, UBND huyện Con Cuông tiếp tục phát công văn, yêu cầu Chủ tịch UBND xã Chi Khê khẩn trương tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm trái phép, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Nếu không xử lý dứt điểm, tiếp tục để xảy ra tình trạng các cơ sở băm dăm trái phép tiếp tục hoạt động thì Chủ tịch UBND xã Chi Khê phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và theo quy định của pháp luật.
Dù vậy, đến ngày đầu tháng 4, theo ghi nhận của phóng viên, hàng trăm tấn gỗ keo vẫn được chất đống ở xưởng này để chờ băm dăm. Xưởng có quy mô khá lớn. Thời điểm này, có một số công nhân đang hì hục sửa máy. Một công nhân cho biết, do máy bị trục trặc nên 2 ngày nay xưởng băm dăm không hoạt động. Những ngày trước thì vẫn băm bình thường. Trong khi đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu xưởng này phải dừng hoạt động từ hơn 1 tháng trước.

Xưởng băm dăm gỗ này thuộc Công ty TNHH Gỗ và Lâm sản Thuận Phát. Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc công ty cho biết, xưởng bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2025, mặt bằng được thuê của Công ty cổ phần Huy Tuấn chi nhánh Nghệ An. Ông Hiếu thừa nhận, xưởng đi vào hoạt động khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý. Nói về lý do dù bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động rầm rộ, ông Hiếu cho rằng, “xưởng đang băm nốt số keo đã thu mua”. “Bây giờ cũng không biết thiếu thủ tục gì, cũng không biết gặp ai để được hướng dẫn”, ông Hiếu nói.
Ông Lộc Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết, sau khi nhận được công văn của UBND huyện, ngày 6/3, xã đã tổ chức kiểm tra xưởng băm gỗ dăm này. “Thời điểm chúng tôi đến kiểm tra thì công ty không hoạt động. Chúng tôi cũng đã ban hành văn bản đình chỉ và công ty cũng đã cam kết và xin thời gian 5 ngày để giải phóng số đã băm dăm tại bãi tập kết”, ông Hợi nói. Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên, 1 tháng sau thời hạn này, công ty vẫn không thực hiện.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH gỗ và băm dăm Thuận Phát chưa có giấy phép hoạt động, đất xây dựng chưa được quy hoạch, chưa có giấy phép về môi trường. Ngoài ra, việc Công ty cổ phần Huy Tuấn cho công ty này thuê mặt bằng để xây dựng xưởng băm dăm gỗ là hành vi trái pháp luật. Khu vực xưởng băm dăm cũng không thuộc diện tích đất được UBND tỉnh cho Công ty cổ phần Huy Tuấn thuê, mà diện tích này đang nằm ngoài quy hoạch và là đất của cá nhân.
“Chúng tôi cũng rất khó để phát hiện. Vì xưởng băm dăm gỗ này nằm trong khuôn viên nhà máy giấy, mỗi lần vào kiểm tra đều phải thông báo cho họ. Vì vậy, khi đến kiểm tra thì họ dừng hoạt động rồi. Chúng tôi cũng từng đề xuất cắt điện để xưởng này dừng hoạt động nhưng không được”, Chủ tịch UBND xã Chi Khê nói khi được hỏi về quản lý lỏng lẻo để xưởng băm dăm gỗ trái phép bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động rầm rộ.