100% giáo viên một trường miền núi ở Nghệ An tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học sinh
Những lá đơn dạy thêm tình nguyện của giáo viên Trường THCS Yên Khê (huyện Con Cuông) đã giúp phụ huynh yên tâm, học sinh không bị đứt đoạn việc ôn tập.
Những lá đơn tự nguyện
“Cảm ơn 16/16 giáo viên Trường THCS Yên Khê! Chúng tôi yêu trường và học sinh trường của chúng tôi” là lời nhắn gửi của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào tới các giáo viên của nhà trường sau khi nhận được những lá đơn tự nguyện dạy thêm của các thầy giáo, cô giáo.
Nói về điều này, thầy Hào cho biết: Tôi thực sự rất bất ngờ khi chủ trương vừa đưa ra đã nhận được sự đồng tình của tập thể. Điều đó giúp tôi bớt đi một gánh nặng khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực. Như vậy, việc dạy thêm, học thêm ở trường chúng tôi vẫn được duy trì và hoàn toàn miễn phí.

Năm học này Trường THCS Yên Khê có 11 lớp với gần 400 học sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có một số em tộc người Đan Lai. Tuy nhiên, vì đây không phải là trường dân tộc bán trú nên các em vẫn phải đi về hàng ngày. Do hoàn cảnh khó khăn, rất nhiều phụ huynh trong trường đi làm ăn xa, các con ở với ông bà.
Theo thầy Nguyễn Văn Hào, trước đây, ngoài dạy học chính khóa vào buổi sáng, trường tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh các môn văn hóa vào buổi chiều. Trong đó, đối với khối 6, 7, 8, thời lượng 2 buổi/tuần, riêng khối 9 sẽ tăng cường thêm một số buổi các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10.
Về tiền học thêm theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, thống nhất thu mỗi em 18 nghìn đồng/buổi. Số tiền này để chi trả điện nước, văn phòng phẩm và thù lao cho giáo viên dạy thêm. Việc tổ chức dạy học buổi chiều không chỉ để luyện tập, củng cố kiến thức mà còn là một giải pháp để hạn chế học sinh đi chơi, sa vào trò chơi điện tử và các trò chơi không lành mạnh khác khi không có bố mẹ bên cạnh kèm cặp.
Với tính chất đặc biệt này nên khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, nhiều giáo viên trong trường rất trăn trở, lo lắng. Thực tế, dù việc dạy thêm đã kết thúc từ học kỳ I nhưng thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhiều giáo viên đã chủ động đề nghị với nhà trường mượn cơ sở vật chất để dạy phụ đạo kiến thức cho học sinh không thu tiền.
Trên cơ sở ý tưởng này của giáo viên, trong cuộc sinh hoạt chi bộ và họp cơ quan, Ban giám hiệu nhà trường động viên các thầy cô giáo dạy thêm miễn phí và được sự nhất trí 100%. Theo đó, mỗi giáo viên sẽ sắp xếp bố trí dạy kèm học sinh lớp mà mình được phân công từ 1-2 buổi/tuần.
.jpg)
Tình nguyện vì học trò
Với việc tình nguyện dạy miễn phí này, không chỉ học sinh lớp 9 mà tất cả các khối lớp khác đều được phụ đạo ngoài giờ chính khóa với đầy đủ các môn học như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý…
Điều đáng trân trọng, ngoài giáo viên biên chế của trường, có 2 giáo viên tăng cường môn Tiếng Anh từ trường khác đến cũng tham gia dạy thêm tình nguyện. Trong đó, thầy Đặng Ngọc Quý là giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Thạch Ngàn, cách trường THCS Yên Khê hơn 20km, vẫn đảm bảo vừa dạy chính khóa vừa dạy thêm cho khối 7 – 8 vào thứ 6 hàng tuần. Cô giáo Nguyễn Thị Trà Ly - giáo viên của Trường Tiểu học Bồng Khê dù phải dạy 2 cấp nhưng vẫn sẵn sàng sẻ chia với học sinh của nhà trường bởi môn Tiếng Anh luôn là môn khó với học sinh vùng cao.
Bằng sự nỗ lực của các thầy cô giáo, ngày hôm nay (19/2), chưa đầy một tuần sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, những lớp học buổi chiều ở Trường THCS Yên Khê đã mở cửa trở lại.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Hoàng Thị Tú Nga - giáo viên Ngữ văn cho biết: Năm nay tôi phụ trách môn Ngữ văn của lớp 9 - lớp học cuối cấp, chuẩn bị thi vào lớp 10. Vì đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên đề thi tham khảo có rất nhiều điểm mới, nhất là việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho bài thi nghị luận văn học. Thực tế, học sinh ở trường chúng tôi do năng lực còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận, phân tích đoạn văn, đoạn thơ của các em gặp nhiều khó khăn. Trong buổi học hôm nay, tôi vui vì tập thể lớp 9A1 đi học đầy đủ (chỉ vắng 2 bạn có phép).
Tranh thủ thời gian quý giá, tôi đã ôn tập cho các em phần đọc - hiểu ở đề thi tham khảo. Phần thi này năm nay chiếm 4 điểm và nếu các em nắm chắc kiến thức tôi tin các em sẽ làm tốt môn Ngữ văn ở kỳ thi năm nay.
Cô giáo Hoàng Thị Tú Nga - giáo viên Ngữ văn
Cũng như nhiều giáo viên khác ở trường, dù đã hơn 20 năm công tác nhưng cô giáo Tú Nga không dạy thêm ở nhà. Việc dạy thêm ở trường cũng rất ít nên việc dừng dạy thêm theo Thông tư 29 không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, tâm tư tình cảm của giáo viên. Hiện nay, ngoài tổ chức ôn tập miễn phí cho học trò, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã đề nghị phụ huynh phối hợp, quan tâm quản lý, rèn luyện cho con em tự học ở nhà.

Song song với việc ôn tập, hàng tuần nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường ra bài tập về nhà để học sinh rèn luyện. Theo kế hoạch, 2 tuần/1 lần các thầy cô sẽ đến nhà thăm góc học tập của học sinh và trao đổi thêm với phụ huynh, nhắc nhở con em hoàn thành bài vở. Từ giữa tháng 3/2025, nhà trường dự kiến tăng buổi ôn tập cho học sinh lớp 9 để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Phải làm thêm giờ nhưng các thầy cô đều tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh với tinh thần thoải mái, trách nhiệm, tâm huyết. Với tinh thần đó, tôi tin rằng, dù kế hoạch năm học thay đổi, phong trào dạy học của giáo viên sẽ được duy trì ổn định đến cuối năm và trường chúng tôi vẫn duy trì được chất lượng dạy và học, nằm ở tốp trên của huyện nhà.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng trường THCS Yên Khê (huyện Con Cuông)