Tết ấm nơi tâm lũ Kỳ Sơn

Xuân Hoàng - Quang An 21/01/2023 07:44

(Baonghean.vn) - Cùng với sự quan tâm chia sẻ kịp thời của cộng đồng và chính quyền các cấp, bà con vùng lũ bản Hòa Sơn, Sơn Hà của xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) động viên nhau khắc phục khó khăn, chuẩn bị cho ngày Tết Cổ truyền được đầm ấm.

Bà con vùng tâm lũ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Q.An

Ngày áp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi có mặt tại bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ, nơi vừa gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của trận lũ ống, lũ quét lịch sử đầu tháng 10/2022. Bà con dân bản vẫn còn ám ảnh với cảnh tượng nước lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản, để lại cho dân bản một khung cảnh hoang tàn chưa từng có.

Clip: Xuân Hoàng - Quang An

Mặc dù còn đối diện với trăm, nghìn khó khăn, song bà con đồng bào Thái, Mông ở đây vẫn chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng.

Theo chân trưởng bản Hòa Sơn Vi Văn Truyền, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà tạm của bà Lâm Thị Duyên, lúc này bà con trong bản đang hỗ trợ bà thu dọn nhà cửa và gói bánh Tết. Bà Duyên cho biết, chồng mất sớm, các con lập gia đình ra ở riêng, nên một mình bà ở trong ngôi nhà sàn cạnh con suối Huồi Giảng. Chỉ trong tích tắc, lũ ống, lũ quét cuốn trôi toàn bộ tài sản trong nhà, còn ngôi nhà thì xiêu vẹo, không thể khắc phục được nữa.

Bà con vùng lũ Kỳ Sơn giúp đỡ nhau gói bánh Tết. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong khi chờ khu tái định cư mới, bà Duyên được các con và người dân trong bản hỗ trợ làm cho căn lều tạm bằng cây tre và tấm bạt che nắng, che mưa. Chuẩn bị mọi thứ nguyên liệu, vật liệu để gói bánh Tết, bà Duyên bộc bạch: Một mình bà nên Tết chỉ sử dụng 2kg nếp để gói bánh, cùng với 2 kg thịt lợn, gà thì các con cho… "Mới rồi bà lên xã nhận 25kg gạo tẻ, cùng với nước mắm, bánh kẹo… và 1,5 triệu đồng tiền mặt của các nhà hảo tâm hỗ trợ, vậy là có Tết rồi", bà Duyên tâm sự.

Bản Bình Sơn 1 xã Tà Cạ thời điểm nước lũ còn đổ về. Ảnh: Thành Cường.

Cùng cảnh ngộ với bà Duyên, gia đình bà Lô Thị Liên cũng đang tất bật dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh Tết. Trong túp lều tạm được che chắn bởi tấm bạt, bà Liên tận dụng diện tích nhỏ hẹp để cất đặt đồ đạc một cách gọn gàng nhất. Trên bàn thờ, ngoài vài ba gói bánh kẹo, chai rượu, vài thẻ hương thơm, nến… còn có hoa tươi.

Ông Vi Văn Truyền - Trưởng bản Hòa Sơn cho hay, Tết này, gia đình nào trong bản cũng tổ chức gói bánh. Ảnh: Q.An

Bà Liên cho biết, để đón chào năm mới, trước Tết, bà ra chợ Mường Xén chọn mua bộ quần áo mới, dép mới… và một số đồ dùng trong gia đình như nồi, rổ rá, mâm, bát đũa… Những ngày áp Tết, bà con trong bản cùng nhau dọn vệ sinh môi trường trên các trục đường, treo cờ Tổ quốc, nhiều gia đình trang trí đèn nháy, đèn led lung linh bản làng.

Ông Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hòa Sơn cho hay: Từ trước đến nay, chưa bao giờ người dân trong bản đón một cái Tết xúc động như năm nay. Bởi nhiều hoàn cảnh gia đình phải đón Tết trong túp lều tạm bợ, do trận lũ ống, lũ quét cuốn trôi mất nhà cửa. Đến thời điểm này, trong bản có 22 gia đình sinh sống trong ngôi nhà tạm, lều tạm, 6 hộ ở nhờ nhà người thân và nhiều hộ thuê nhà để ở.

Cuộc sống của những hộ dân này thiếu thốn đủ bề. Tuy nhiên, để có cái Tết đầm ấm, vui vẻ, bà con trong bản luôn động viên, hỗ trợ nhau làm mọi việc có thể. Cộng đồng xã hội cũng quan tâm, chia sẻ nhiều đến bà con nơi đây. Trước Tết, khi có đoàn thiện nguyện hay công ty, doanh nghiệp nào lên tặng quà Tết cho bà con là xã thông báo ngay cho người dân đến UBND xã để nhận quà kịp thời.

Bà con người Thái gói bánh tét trong ngày Tết có kích thước vừa phải, nguyên liệu là nếp nương, nhân là thịt lợn được bà con chọn những con lợn ngon do người dân tự nuôi lớn. Ảnh: Xuân Hoàng

Dù ít hay nhiều, mỗi gia đình bị ảnh hưởng của trận lũ ống, lũ quét vừa qua đều có quà Tết bằng hiện vật và tiền mặt. Đây là nguồn động viên, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân từ mọi miền của đất nước hướng về vùng lũ vừa xảy ra trong tháng 10 vừa qua,

“Để có thịt ăn Tết, bà con trong bản chung nhau mổ lợn, bò. Những con lợn đen địa phương do bà con nuôi lớn, nên thịt ngon. Một phần thịt lợn được dùng làm nhân bánh chưng, bánh tét, phần còn lại chế biến thành các món ăn ngày Tết. Gà thì phần lớn các gia đình nuôi tự túc được, nên giảm chi phí. Bắt đầu từ ngày 29 Tết, gia đình nào cũng tập trung gói bánh, đỏ lửa thâu đêm luộc bánh. Trong thời gian chờ bánh chín, các gia đình còn tranh thủ chế biến các món ăn truyền thống, tạo không khí đón Tết trong mỗi ngôi nhà vui tươi, đầm ấm”, ông Vi Văn Truyền chia sẻ.

Bà Lô Thị Liên ở bản Hòa Sơn sửa soạn bàn thờ của gia tiên để đón Tết. Ảnh: Quang An

Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, với phương châm ai cũng có cái Tết vui vầy, đầm ấm, huyện chỉ đạo các cấp, ngành nắm bắt tình hình đời sống của bà con, đặc biệt là người dân vùng thiệt hại bởi trận lũ ống, lũ quét vừa qua, nhằm kịp thời chia sẻ, động viên bà con khắc phục khó khăn, vui Xuân đón Tết.

Dịp Tết, Nhà nước và cộng đồng luôn hướng về vùng đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn để trao tặng quà, trong đó có gạo tẻ. Ảnh: Xuân Hoàng

Xuân Hoàng - Quang An