Sáng nhiệt huyết ở Thạch Ngàn
(Baonghean.vn) - Vừa là đảng viên, vừa là trưởng bản, những người trẻ ấy đảm nhận cùng lúc 2 vai trò để trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với bà con Đan Lai tái định cư ở xã Thạch Ngàn (Con Cuông).
Từ đây, giúp những bản làng có nguy cơ không còn chi bộ củng cố lại tổ chức cơ sở Đảng, tạo tiền đề để người dân gây dựng cuộc sống mới.
Xây dựng “hạt nhân” từ thôn bản
Bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) là bản tái định cư với có 55 hộ đồng bào dân tộc Đan Lai sinh sống. Sau 15 năm kể từ ngày an cư lạc nghiệp đầy gian khó, cuộc sống của người dân trong bản đã dần khởi sắc. Trên dãy Pu Khồng hàng chục hecta keo trải dài mướt mát. Cùng với 8ha lúa nước và rau màu được canh tác một cách hiệu quả đã tạo nên sinh kế bền vững cho bà con Đan Lai yên tâm sống trên vùng đất mới.
Trưởng bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) Lê Văn Hào tại mô hình trồng keo của gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Chỉ về 3 ha keo tươi tốt trên đồi Pu Khồng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn Nguyễn Đàm Minh cho hay, đó là mô hình của đảng viên, Trưởng bản Thạch Sơn Lê Văn Hào (SN 1984) - người đầu tiên mạnh dạn triển khai mô hình để động viên bà con Đan Lai khai khẩn đất hoang, đất bạc màu để trồng keo công nghiệp trên địa bàn; đồng thời, tập trồng lúa nước, làm chuồng trại chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Khi đã dần vượt qua được sự đói nghèo, cũng là lúc Lê Văn Hào đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo nguồn phát triển đảng viên, củng cố chi bộ bản.
Thời điểm năm 2007, bản Thạch Sơn chưa có chi bộ Đảng. Làm trưởng bản, Lê Văn Hào hiểu được rằng, phát triển vững mạnh tổ chức cơ sở Đảng chính là tiền đề để giúp bản làng phát triển, trong đó, đảng viên phải biết dẫn dắt bà con gây dựng cuộc sống mới. Vì vậy, anh tham mưu, tích cực đồng hành cùng cấp ủy xã và huyện động viên, khích lệ những nhân tố điển hình tu dưỡng, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Thạch Ngàn đã từ bỏ tập tục đốt nương làm rẫy, du canh du cư để cùng nhau khai khẩn đất hoang, tập trung trồng lúa nước, phát triển sản xuất. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Việc vận động được chia thành 2 mũi hướng tới 2 lực lượng chính là các quần chúng trẻ có năng lực, trình độ và đội ngũ già làng, trưởng bản, những người có uy tín được dân bản tin yêu. Nhờ vậy, trong năm 2007, Chi bộ bản Thạch Sơn đã được thành lập với 5 đảng viên. Đến nay, chi bộ đã phát triển lên 8 đảng viên... Quan trọng hơn, nhận thức của bà con về Đảng đã có nhiều thay đổi tích cực.
Lê Văn Hào bộc bạch: Nếu tư tưởng không ổn định, người dân không hiểu đâu là chủ trương, chính sách mình được hưởng thụ thì làm sao có thể cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống, tạo sinh kế bền lâu? Trăn trở đó đã thôi thúc tôi sát cánh với những đảng viên trong chi bộ để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Từ đó, bà con tin vào cấp ủy, chính quyền ở địa phương để tích cực tham gia vào các phong trào lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới...”.
“Chất keo” nghĩa tình đoàn kết
“Vi Văn Hiếu có hai cái nhất, cái nhất trước hết anh là người đầu tiên tốt nghiệp cấp 3 của bản Bá Hạ. Cái nhất thứ hai, Hiếu là đảng viên có mô hình kinh tế vững vàng nhất trong những người trẻ ở bản, với 5 ha keo, 20 con dê và hơn 10 con bò”, già làng Lô Đình Quế (SN 1947), vui vẻ chia sẻ khi chúng tôi tới thăm bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn.
Trưởng bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) Vi Văn Hiếu tại mô hình chăn nuôi tổng hợp của mình. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Bản Bá Hạ có 69 hộ dân, trong đó, có 35 hộ dân tộc Đan Lai và 34 hộ dân tộc Thái. Vi Văn Hiếu (SN 1988) là đảng viên trẻ, được giao trách nhiệm làm trưởng bản, nên anh luôn nỗ lực để trở thành sợi dây kết nối giữa bà con dân tộc Đan Lai và bà con dân tộc Thái nơi đây.
Bà con dân tộc Thái đã sinh sống ở bản Bá Hạ từ lâu đời, còn các hộ bà con dân tộc Đan Lai chỉ mới chuyển về đây định cư từ năm 2019. Thời gian đầu về nơi ở mới, bà con dân tộc Đan Lai còn nhiều điều khác biệt trong văn hóa sinh hoạt và sản xuất. Bà con còn có tư tưởng phân biệt “cụm trong”, “cụm ngoài” (coi cụm trong là của đồng bào Thái, cụm ngoài là của đồng bào Đan Lai). Việc họp dân bản cũng phải triển khai riêng từng cụm.
Đàn vật nuôi ngày càng gia tăng ổn định cả về chất lượng và số lượng đã giúp cho bà con ở xã Thạch Ngàn có thêm sinh kế để thoát nghèo bền vững. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Để xóa bỏ ranh giới đó, Trưởng bản Vi Văn Hiếu cùng với cán bộ cấp xã, huyện đã trực tiếp hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, tập huấn kỹ thuật, phát giống cho bà con trồng ngô, trồng lúa, trồng rau và chăn nuôi. Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, Vi Văn Hiếu đã tập hợp thanh niên người Đan Lai đến với mô hình của mình để tiếp cận cách thức làm ăn. Dưới sự gắn kết của trưởng bản, giờ đây bà con bản Bá Hạ đã hòa nhập cùng nhau hội họp, triển khai các hoạt động văn hóa thôn, bản và phát triển kinh tế.
Đối với công tác tạo nguồn, trong 10 đảng viên của Chi bộ bản Bá Hạ đã có 1 đảng viên người Đan Lai là anh La Văn Bảy. Trong năm nay, Trưởng bản Vi Văn Hiếu cùng Chi bộ bản đã tạo nguồn 3 quần chúng ưu tú để học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, hoàn thành các thủ tục kết nạp; trong đó có 2 quần chúng là người Đan Lai.
Một buổi sinh hoạt Chi bộ bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Ảnh: Thanh Quỳnh |
Chứng kiến sự đổi thay toàn diện của mảnh đất Thạch Ngàn, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng chia sẻ: “Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Đan Lai luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của đảng bộ các cấp. Việc địa phương triển khai hiệu quả Đề án 01- ĐA/TU ngày 10/8/2016 của Tỉnh ủy nhằm xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm trên địa bàn huyện nói riêng, ở các bản Thạch Sơn, Kẻ Gia và Bá Hạ nói chung đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng của địa phương.
Cũng từ đó, tinh thần đoàn kết toàn dân được nâng lên, tình hình chính trị được giữ vững, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai một cách đồng bộ, góp phần đưa cuộc sống của bà con ngày càng phát triển theo hướng bền vững”.