Thu hút khách du lịch về Nghệ An trẩy hội

Công Kiên 01/02/2023 10:41

(Baonghean.vn) -  Mùa lễ hội là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch và thu hút du khách thập phương. Đến thời điểm hiện nay, công việc chuẩn bị đang gấp rút tiến hành để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch về Nghệ An trẩy hội.

Hấp dẫn từ nét riêng và bản sắc

Sau hai năm phải tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, mùa lễ hội năm 2023 được nhân dân và du khách thập phương đón chờ. Ban Tổ chức lễ hội các địa phương cũng xây dựng kế hoạch từ sớm nhằm mục đích bảo tồn bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân và khai thác tiềm năng, phát triển du lịch.

Màn múa rồng đặc sắc tại Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Năm 2023, Nghệ An có 29 lễ hội cấp huyện và cấp tỉnh, trong đó có 20 lễ hội diễn ra trong mùa Xuân, nghĩa là mùa Xuân là mùa lễ hội. Các huyện, thị xã đang nỗ lực để có một lễ hội thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách. Đặc biệt, để thu hút du khách, các địa phương đang hướng đến khai thác những giá trị mang tính đặc trưng, bản sắc của lễ hội.

Lễ hội Đền Vua Mai của huyện Nam Đàn năm nay thực sự đặc biệt, bởi gắn liền với dịp kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713 - 2023) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai. Với tính chất đặc biệt ấy, huyện Nam Đàn sẽ nỗ lực tổ chức lễ hội mang tính quy mô và hấp dẫn, mang đậm nét riêng và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền.

Hội thi đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Để hấp dẫn khách du lịch, bên cạnh các nghi lễ, Ban Tổ chức lễ hội Đền Vua Mai còn quan tâm đến việc tổ chức các trò chơi và môn thể thao dân gian như hội vật truyền thống, cờ thẻ, chọi gà… Đồng thời, tiến hành trưng bày các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng như tương, giò bê, bột sắn dây.

Qua đó, du khách có cơ hội tìm hiểu về truyền thống đất và người quê hương Vua Mai, thưởng thức và mua sắm những sản vật nức tiếng nơi kinh thành Vạn An xưa. Đặc biệt, dịp này huyện Nam Đàn sẽ giới thiệu các di tích lịch sử, các điểm đến và tour, tuyến trên địa bàn để du khách tham quan, trải nghiệm.

Với thị xã Hoàng Mai, lễ hội Đền Cờn được gắn với hoạt động khai trương du lịch năm 2023. Bên cạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, lễ hội còn hướng tới mục tiêu thu hút đông đảo du khách về với vùng quê ven biển.

Vì thế, cùng với các nghi lễ rước, tế của lễ hội, Ban Tổ chức còn tăng cường các trò chơi truyền thống để thu hút khách du lịch như đua thuyền mủng, đánh cờ thẻ, thả cá phóng sinh và triển lãm ảnh nghệ thuật, hội thi ẩm thực giữa các nhà hàng, khách sạn. Nghĩa là về với lễ hội Đền Cờn, du khách sẽ được hòa vào không khí vui tươi và thưởng thức vẻ đẹp phong cảnh, hương vị ẩm thực và cảm nhận chiều sâu của đời sống văn hóa biển.

Hội chạy ói tại Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Cũng như huyện Nam Đàn và thị xã Hoàng Mai, các địa phương đều hướng tới mục tiêu khai thác nét riêng và bản sắc văn hóa để thu hút, phục vụ du khách trong dịp lễ hội. Có thể kể đến hội đua thuyền truyền thống và tour tham quan di tích văn hóa biển tại lễ hội Đền Vạn Lộc (thị xã Cửa Lò); chương trình thi đấu các môn thể thao các dân tộc vùng cao và tham quan các điểm du lịch cộng đồng tại lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong) và thưởng thức đặc sản núi rừng vùng cao ở lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào (Tương Dương)…

Đảm bảo an toàn

Cùng với đón tiếp và phục vụ, việc đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ hội được các địa phương đặc biệt quan tâm. Trong kế hoạch tổ chức lễ hội, bố trí lực lượng giữ gìn an ninh, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách là vấn đề Ban tổ chức đặc biệt lưu ý.

Nhất là ở các hội thi thu hút đông đảo người cổ vũ như đua thuyền, thi đấu thể thao, thả đèn hoa đăng trên sông ở lễ hội Đền Cờn, Đền Vạn Lộc, Đền Vua Mai và Đền Qủa Sơn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đã được Ban Tổ chức chỉ đạo xây dựng các phương án, tùy thuộc tình hình thực tế.

Lễ rước tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Với những lễ hội có tổ chức dịch vụ ẩm thực để quảng bá và phục vụ khách du lịch, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt là các gian hàng ẩm thực được dựng tạm ở lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào, Đền Pu Nhạ Thầu sẽ được giám sát chặt chẽ, cố gắng không để xẩy ra sự việc đáng tiếc.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ngay sau khi kế hoạch tổ chức lễ hội được ban hành, Sở đã có công văn chỉ đạo các phòng chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác phòng dịch, đảm bảo các hoạt động du lịch trong mùa lễ hội. Trong đó, các địa phương đặc biệt lưu ý xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp lễ hội.

Hội múa khèn Mông tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Bố trí đủ thực phẩm, hàng hoá và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách; niêm yết giá công khai; rà soát cơ sở vật chất, quy trình, phục vụ, sửa chữa kịp thời; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống cháy nổ; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo đủ nhân lực phục vụ và hỗ trợ khách du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải kịp thời…

Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Mùa lễ hội đầu Xuân là dịp quan trọng để thu hút khách du lịch về Nghệ An trẩy hội và tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, thưởng thức những món ăn đặc sản của mỗi vùng, miền. Sau hai năm tạm dừng, năm nay các địa phương đang cố gắng hướng đến mùa lễ hội vui tươi, an toàn và tiết kiệm, góp phần thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch thu hút khách du lịch năm 2023”.

Công Kiên