Nỗi niềm ly hương của lao động Nghệ An

Công Kiên 06/02/2023 08:11

(Baonghean.vn) - Sau những ngày Tết đoàn viên, dòng người ở các vùng quê Nghệ An lại nối tiếp nhau trên những chuyến xe, toa tàu vào Nam, ra Bắc mưu sinh. Mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng tất cả chung một nỗi niềm ly hương...

Nén chặt yêu thương

So với mọi người trong bản, Lương Văn Luân ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) trở lại làm việc muộn hơn, vì sau Tết anh nán lại mấy ngày để chơi cùng các con. Gia đình anh Luân có một mẹ già, hai vợ chồng và hai đứa con còn nhỏ. Anh Luân là trụ cột của gia đình, chăm lo cuộc sống cho bản thân và bốn người còn lại.

Ở vùng tái định cư Ngọc Lâm chỉ có một ít diện tích ruộng nước và đất đồi trồng keo, chỉ nhìn vào chừng ấy sẽ không đủ cái ăn chứ chưa nói đến việc trang trải cuộc sống. Để có chi phí chăm lo cho mẹ già, con nhỏ và tích lũy lâu dài, anh Luân đành để ruộng, đồi cho vợ bươn chải, bản thân mình rời gia đình đi xa kiếm việc làm.

Những chuyến xe chở lao động Nghệ An đi khắp mọi miền để mưu sinh. Ảnh: Công Kiên

Mấy năm nay, anh Lương Văn Luân làm chân phụ hồ trong một tổ thợ xây dựng, chuyên nhận làm những công trình nhỏ ở địa bàn các tỉnh phía Bắc. Suốt năm bám công trường, ở lán hoặc nhà tạm, chắt chiu từng đồng tiền công gửi về cho gia đình. Thường anh chỉ về nhà vào dịp Tết Nguyên đán, còn lại bám việc để kiếm tiền, hơn nữa nếu nghỉ nhiều ngày chủ thầu sẽ tìm người thay thế.

Anh tâm sự: “Đi làm xa thương mẹ và nhớ vợ, các con vô cùng nhưng đành phải nén chặt trong lòng. Có những lúc định về hẳn nhưng nghĩ đi nghĩ lại mình đi làm xa có thu nhập, các con đỡ khổ hơn nên phải tiếp tục công việc. Chỉ mong ở quê có nhiều việc làm để trở về đoàn tụ bên gia đình…”.

Ngày anh lên đường, vợ và các con tiễn anh Luân ra tận đường Hồ Chí Minh để đón xe. Ôm chặt lấy con nhỏ như không muốn rời ra, khi chiếc xe khách ghé vào mép đường, anh chuyển con nhỏ sang tay vợ, đứa trẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì khi nhìn bố lên xe rồi vẫy vẫy bàn tay, xe chạy khuất dần…

Chung cảnh ngộ ly hương, vợ chồng anh Kha Văn Hùng cũng đi làm muộn hơn dự kiến vì nán lại với các con ít ngày. Ruộng và đất đồi không nhiều, nhà lại đông anh em nên không đủ sản xuất, vợ chồng anh H. phải gửi hai con nhỏ cho bố mẹ trông nom để vào miền Nam làm công nhân. Làm ở Bình Dương, mỗi người làm việc ở một công ty, vợ chồng anh Hùng thuê một phòng trọ nhỏ.

Điểm giao dịch “Một cửa” xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) đông đúc người dân làm thủ tục để đi làm ăn xa. Ảnh: Công Kiên

Hàng tháng, tiền ăn, tiền trọ và các chi phí phát sinh chiếm một khoản không nhỏ, phải tiết kiệm hết mức mới dành dụm được tiền gửi về để bố mẹ chăm lo việc ăn, việc học cho các con. “Chi phí đắt đỏ nhưng dù sao đi làm ở trong đó vẫn có thu nhập đều đặn để trang trải nhu cầu cuộc sống một cách tối thiểu, chỉ có điều không được ở bên các con nên nhớ lắm. Vợ chồng chúng tôi mong tìm được công việc phù hợp ở Nghệ An để hàng tuần về thăm con nhưng xem ra còn khó”, anh Kha Văn Hùng bộc bạch.

Chúng tôi tìm đến điểm giao dịch “một cửa” xã Ngọc Lâm, nơi đây chật ních người đến làm hồ sơ, thủ tục để đi làm ăn xa, cán bộ tư pháp và văn phòng luôn trong tình trạng làm việc hết công suất.

Ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên nhiều lao động trên địa bàn xã phải đi xa tìm việc, người trẻ đi làm xa nên có những khu dân cư chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà. Thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện nay toàn xã có hơn 800 người đã đi làm ăn xa, con số này có thể tăng lên trong những ngày tới”.

Ước mong đoàn tụ

Không riêng xã Ngọc Lâm, nguồn lao động trẻ rời nhà đi làm ăn xa là tình trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, các huyện miền núi thường có số lượng người ly hương lớn, thậm chí nhiều bản làng vắng bóng người trẻ - nguồn lao động chính của gia đình.

Những ngày sau Tết Nguyên đán, điểm giao dịch “một cửa” của các xã lại đông nghịt người chen chúc hoàn thiện hồ sơ, công chứng giấy tờ để lên đường ly hương, tìm việc mưu sinh. Và ở các bến xe, ga tàu, các điểm giao nhau trên các tuyến quốc lộ cũng đông đúc, nhộn nhịp người lên xe, tàu rời quê đi tìm kế sinh nhai.

Những người ly hương, mưu sinh đất khách quê người thường mang nỗi buồn và lo lắng khi lên đường. Ảnh: Công Kiên

Hành trang của những người ly hương vào Nam, ra Bắc tìm kiếm việc làm thường khá nhẹ nhàng, chỉ chiếc va ly đựng áo quần và giấy tờ. Nhưng khi bước lên xe, tàu ai nấy đều trĩu nặng tâm tư, bởi phía trước là đất khách quê người, phía sau là gia đình, người thân ruột thịt hàng ngày ngóng đợi.

Như anh Nguyễn Văn Bính ở xã Thành Sơn (Anh Sơn) lòng day dứt khi để lại người vợ đau yếu chăm lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Dù thương vợ, thương con nhưng đành lòng cất bước, vì ở lại quê cuộc sống gia đình sẽ khó khăn, vất vả hơn.

Hay như chị Vi Thị Hương ở xã Lượng Minh (Tương Dương) chồng qua đời sớm, để lại cho chị hai đứa con thơ, một đứa đang tập nói, đứa kia mới chập chững tập đi. Không có cách nào khác, chị Hương phải gửi hai con cho mẹ già để ra Thái Nguyên làm công nhân.

Người lao động lên đường đi xa mang nặng nỗi niềm ly hương và khát vọng đoàn tụ gia đình. Ảnh: Công Kiên

Công việc vốn đã áp lực, lại thường xuyên nhận được tin các con đau ốm nên lòng chị luôn rối như tơ vò. Dịp Tết Nguyên đán được nghỉ hơn 10 ngày, về nhà, mẹ con vừa tìm lại được hơi ấm thì đã phải chia tay. Ngày lên đường, chị Hương cố nuốt nước mắt vào trong, bước chân lên chuyến xe chạy tuyến ra các tỉnh phía Bắc…

Những dòng xe, đoàn tàu đang chạy hối hả, đưa công dân Nghệ An đến khắp các vùng miền để mưu sinh, tìm kiếm việc làm và lập nghiệp. Ở đó, biết bao người mang nặng nỗi niềm ly hương và khát vọng đoàn tụ gia đình, có chung mong ước quê hương có thêm nhiều việc làm để được trở về trong niềm vui sum vầy…

Công Kiên