Nghệ An tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình trường bán trú

Mỹ Hà 16/03/2023 17:47

(Baonghean.vn) - Chiều 16/3, tại huyện Kỳ Sơn, dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2010-2022.

Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Tiên phong trong thực hiện mô hình trường bán trú

Theo Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm tháng 2/ 2023, toàn tỉnh có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) 62 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 56 trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT theo Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT với hơn 20.000 học sinh. Trong đó, có 2.893 học sinh nội trú và hơn 17.015 học sinh tiểu học, THCS được hưởng các chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ; 10.417 học sinh ở bán trú trong các trường PTDTBT, 6.598 học sinh trong các trường phổ thông chưa được công nhận trường PTDTBT.

Bà Nguyễn Thị Châu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Nhờ thực hiện mô hình trường PTDTBT, các địa phương đã tích cực sắp xếp sáp nhập, dồn dịch điểm trường, góp phần thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế. Tính từ năm học 2010-2011 đến nay, 6 huyện núi cao đã giảm được 11 trường, 283 điểm trường, 523 lớp, trong khi học sinh tăng 14.320. Tăng tỷ lệ học sinh bình quân/lớp tiến dần đến định mức tối đa.

Học sinh bán trú của Trường PT DTBT THCS Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Việc tổ chức mô hình bán trú giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục, tạo ra môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, vừa chăm lo sức khỏe, tâm lý, vừa giúp học sinh phát triển toàn diện.

Các hoạt động giáo dục trong môi trường bán trú không chỉ góp phần thay đổi nếp sống cho học sinh, mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh.

Các đại biểu tham quan việc thực hiện mô hình trường bán trú kiểu mới tại Trường THPT Kỳ Sơn. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có chính sách để triển khai mô hình này. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, so với các địa phương khác, Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong thực hiện mô hình trường bán trú ở cơ sở.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, những khó khăn bất cập đã nảy sinh. Hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho trường PTDTBT chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều học sinh phải ở trong các nhà tạm, không đủ mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, các thiết bị phục vụ ăn, ở, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Theo tính toán, với trên 18.000 học sinh, toàn tỉnh đang cần 1.497 phòng ở, nhưng các trường đang còn thiếu 961 phòng, chưa kể nhiều phòng ở còn tạm, một số phòng ở đã xuống cấp, đồ dùng, điều kiện sinh hoạt bán trú còn thiếu thốn.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Về cơ chế, chính sách cho giáo viên, học sinh cũng đang còn những bất cập. Toàn tỉnh có 1.553 giáo viên đang công tác ở 62 trường PTDTBT, nhưng đang còn 26 giáo viên chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho trường PTDTBT và còn 900 giáo viên chưa được tính định mức giờ dạy dành cho trường PTDTBT. Ngoài ra, còn có 1.507 giáo viên công tác tại các trường có học sinh DTBT (chưa được công nhận trường PTDTBT) chưa được hưởng các chế độ trên. Chế độ hỗ trợ đối với nhân viên nấu ăn chưa phù hợp, không tương xứng với khối lượng công việc, cường độ lao động và công sức.

Một số chính sách hỗ trợ bán trú cho học sinh là người dân tộc thiểu số chưa phù hợp với độ tuổi, bậc học gây khó khăn cho các nhà trường trong quá trình triển khai.


Tháo gỡ khó khăn cho mô hình trường bán trú

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình trường bán trú. Nhưng do mỗi địa phương lại có các đặc thù riêng nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi các khó khăn, vướng mắc, bất cập bởi một số quy định chưa tính hết các phát sinh từ thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị sơ kết. Ảnh: Mỹ Hà

Bà Nguyễn Thị Châu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu nêu lên bất cập giữa mô hình trường bán trú và nội trú. Theo đó, do thiếu giáo viên nên các giáo viên ở trường bán trú đều đang dạy quá tiết theo quy định và dạy theo tinh thần tự nguyện. Trong khi đó, giáo viên ở trường nội trú lại được chi trả tiền 2 buổi/ngày.

Ông Phạm Viết Phúc - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn lại đề xuất cần sớm có quyết định công nhận các trường PTDTBT khi đã đủ các điều kiện để đảm bảo quyền lợi, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và bố trí định biên để các trường hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, bố trí thêm định biên nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương kiến nghị các vấn đề xung quanh việc cấp gạo cho học sinh bán trú, việc khó thực hiện mô hình trường bán trú ở những điểm trường lẻ, xa trung tâm...

Ông Phạm Viết Phúc - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, 12 năm hoạt động có thể khẳng định mô hình trường bán trú hoạt động hiệu quả, phù hợp với sự phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, nhất là đối với Nghệ An, địa phương có diện tích lớn, dân số đông, nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND cũng ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các địa phương, sự hy sinh, cống hiến của các giáo viên, sự năng động, quyết tâm của ban giám hiệu các nhà trường trong quá trình thực hiện. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các nhà trường trong quá trình thực hiện khi quyền lợi, chính sách chưa đảm bảo.

Với những ưu điểm riêng, đồng chí Bùi Đình Long khẳng định Nghệ An cần tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình này. Để triển khai hiệu quả, thời gian tới, ngành Giáo dục cần rà soát lại các văn bản của Trung ương để tăng việc được hưởng thụ. Bên cạnh đó, cần rà soát tổng hợp các vướng mắc, bất cập để tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ trường PTDTBT; bổ sung định mức nhân viên nấu ăn cho phù hợp với thực tiễn. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với các địa phương để rà soát, sáp nhập, dồn dịch các điểm trường, xây dựng cơ chế biệt phái giáo viên để giải quyết bài toán khó về thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ.

Dù đã rất nhiều cố gắng nhưng việc triển khai mô hình trường bán trú ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Ảnh: Mỹ Hà

Về phía các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần giảm tối đa các điểm trường, nâng cao chất lượng điểm trường chính, ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, khu ký túc xá.

Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành liên quan cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để xây dựng định mức giáo viên phù hợp các quy định của pháp luật, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về nội dung và mức chi hỗ trợ trường PTDTBT, Trường PTDTBT kiểu mới./.

Mỹ Hà