Hấp dẫn du lịch miền Trà Lân
(Baonghean.vn) - Du lịch Con Cuông hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên kỳ thú và bí ẩn; bởi chiều sâu văn hóa và lịch sử... Một lần đến nơi đây, chắc hẳn trong tâm trí du khách mãi luyến lưu về miền đất mang vẻ đẹp núi non hữu tình, những nếp nhà sàn bình dị.
Sơn thủy hữu tình
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao miền Tây Nghệ An. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Con Cuông cảnh sắc kỳ thú, sơn thủy hữu tình, chứa đựng kho tàng vô cùng phong phú và độc đáo về đa dạng sinh học, là vùng đất cổ với nhiều huyền tích, di tích… Chính vì vậy, khoảng 500 năm trước, Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan khi về với vùng đất Thành Nam (tên gọi Con Cuông xưa) đã có câu thơ vịnh đầy cảm xúc “Núi chẳng cao, nước cũng chẳng sâu/ Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ”, khắc họa nên vẻ đẹp của một miền quê hữu tình, dễ làm say đắm lòng người này.
Vị trí của miền sinh thái và di sản huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường |
Trước hết, vẻ đẹp của huyện Con Cuông nằm ở núi rừng. Huyện có độ che phủ rừng đạt trên 85%, cao nhất cả nước. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn huyện với diện tích hơn 60.000 ha.
Vườn là khu bảo tồn tự nhiên nổi tiếng, có hệ động, thực vật phong phú, rừng nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao bậc nhất Việt Nam. Sở hữu hệ sinh thái vô cùng đặc trưng và đa dạng, thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, cùng với những giá trị phong phú về mặt địa chất. Vườn được ví là một trong những “bảo tàng tự nhiên” tuyệt vời mang tầm vóc thế giới, là điểm đến cuốn hút cho những ai ưa thích khám phá và trải nghiệm.
Thác Khe Kèm nơi Đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Thành Cường |
Nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát là danh thắng thác Khe Kèm. Thác Khe Kèm nằm cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng 25 km, có đường ô tô vào tận nơi. Phía trên và hai bên thác là thảm thực vật với hàng trăm loài hoa khoe sắc. Đứng dưới chân thác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng nước chảy mạnh mẽ, uốn cong mềm mại như một dải lụa trắng nổi bật giữa núi rừng bao la. Thác Khe Kèm được đánh giá là địa điểm du lịch Con Cuông hoang sơ bậc nhất, bởi nơi đây chưa hề có bất kỳ sự tác động nào từ bàn tay con người.
Danh thắng suối Nước Mọc. Ảnh: Thành Cường |
Bên cạnh thác Khe Kèm, huyện Con Cuông còn sở hữu nhiều danh thắng đặc biệt khác. Đó là suối Nước Mọc, nước quanh năm phun từ dưới lòng đất sâu lên. Bao quanh dòng suối xanh trong là rừng cây cổ thụ và những tảng đá rêu phong, nối thành bậc thang, tạo sự an toàn cho du khách khi xuống tắm. Đó còn là hang Thẳm Nàng Màn – hang đá được hình thành do quá trình phong hóa cách đây hàng trăm triệu năm, với diện tích khoảng 1.800 m2, có cấu trúc dạng vòm, có hệ thống hang ngầm, xuyên thủy và nhũ đẹp. Hang Thẳm Nàng Màn gắn liền một huyền thoại về bản làng ở vùng đất này.
Hang Thẳm Nàng Màn. Ảnh: Thành Cường |
Và đặc biệt, quần thể đập Phà Lài - dòng sông Giăng chính là điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi tới huyện Con Cuông. Đến với quần thể này, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những vách núi đá chênh vênh hòa cùng nước sông Giăng trong xanh, mát lành. Vào sáng sớm, cả dòng sông Giăng khoác lên mình màn sương mù trắng xóa, tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Lên thuyền ngược dòng khám phá sông Giăng, du khách được ngắm khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ của đại ngàn Pù Mát, được hòa mình cùng với nhịp sống sông nước hàng ngày của người dân tộc Thái, Đan Lai bản địa.
Trầm tích văn hóa
Ngoài những thắng cảnh thiên nhiên ban tặng, huyện Con Cuông còn có rất nhiều di tích khảo cổ, di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng… thể hiện rõ những trầm tích văn hóa lâu đời. Có thể kể đến như Khu Di chỉ khảo cổ học hang Thẳm Hoi mang đặc trưng cơ bản, đánh dấu sự có mặt của văn hóa Hòa Bình trên đất Nghệ An nói chung, ở huyện Con Cuông nói riêng. Bia Ma Nhai là chứng tích kể về chiến công của quân - dân nhà Trần chống giặc Ai Lao cướp phá nơi miền biên viễn. Bia được Thượng hoàng Trần Minh Tông sai Nguyễn Trung Ngạn khắc ghi lại chiến công. Văn bia với nét chữ khoáng đạt, to bằng bàn tay, in sâu hơn 1 tấc, đã khắc 14 dòng, 155 chữ lên vòm núi trước cửa hang.
Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh: Thành Cường |
Đó còn là đền Khe Sặt thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương khi đến với huyện Con Cuông. Đền Cửa Lũy thờ Đức Ngài Trương Công Hán. Ông là Tù trưởng người Thái ở Kẻ Trắng, Chom Phục, Thọ Sơn, huyện Anh Sơn. Ngài là người có công rất lớn trong việc phò Bình Định Vương Lê Lợi (thế kỷ XV) đánh thành Trà Lân… Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang – nơi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở miền núi vùng cao Nghệ An được thành lập (tháng 4/1931). Ngôi nhà trở thành đầu mối liên lạc giữa cách mạng miền xuôi và miền ngược, giữa phong trào của đồng bào Kinh với các dân tộc miền núi Nghệ An.
Du lịch cộng đồng ở bản Nưa. Ảnh: Thành Cường |
Đến huyện Con Cuông, du khách nên dành nhiều thời gian khám phá một số bản, làng của người đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai để tìm hiểu cuộc sống và bản sắc văn hóa truyền thống của họ. Với bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) là cầu treo thơ mộng, cây đa cổ thụ cạnh bến nước trữ tình, cùng những mái nhà sàn xen kẽ nhau như sóng lượn trên ngọn đồi. Với bản Xiềng (xã Môn Sơn) là những ngôi nhà sàn cổ kính, dân bản siêng năng cần cù, có đam mê trong giữ gìn nét văn hóa truyền thống như cồng chiêng và dệt thổ cẩm.
Sản phẩm mây, tre đan của huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường |
Với bản Nưa (xã Yên Khê) – bản giữ gìn những phong tục, tập quán lâu đời của người Thái và có nhiều hoạt động du lịch nông nghiệp lý thú, như ngắm những buổi chiều trên cánh đồng bản Nưa; trải nghiệm đi trên chuyến xe bò dạo quanh làng bản; thưởng thức những món ăn dân dã mà đặc sắc làm từ cây lá, con vật do người dân tự nuôi trồng và được say sưa trong đêm hội rượu cần, nhảy sạp bên ánh lửa bập bùng. Với bản Cò Phạt (xã Môn Sơn) – bản của tộc người Đan Lai giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, khi đến đây, du khách sẽ được nghe về lịch sử của cộng đồng người Đan Lai, được tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống và những nét văn hóa còn chứa nhiều điều kỳ bí.
Đêm hội rượu cần nơi miền Trà Lân. Ảnh: Thành Cường |
Đến du lịch cộng đồng những bản nói trên, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian; nghe những điệu nhuôn, suối, lăm, khắp, hát đồng dao, hát ru; nghe các nghệ nhân trình diễn các nhạc cụ truyền thống như pí, khèn, chiêng, trống, múa lăm vông, múa xòe, múa trống chiêng, múa sạp… được tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm lưu niệm tại làng nghề dệt thổ cẩm, sản xuất mây, tre đan, sản xuất dược liệu, làm rượu men lá và rượu cần. Tất cả các sản phẩm này đều đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Và hơn hết, du khách còn được thưởng thức, khám phá văn hóa ẩm thực “Cơm Mường Quạ, cá Sông Giăng” của người Thái huyện Con Cuông với những món ngon không thể bỏ qua.
Hài hòa, bền vững
Huyện Con Cuông với vẻ đẹp của “nàng công chúa ở trong rừng”. Những năm gần đây, với định hướng chiến lược xây dựng huyện Con Cuông thành một đô thị sinh thái, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Nam của tỉnh. Du lịch Con Cuông đang từng bước được khơi dậy và trở thành điểm đến của bè bạn bốn phương.
Nhịp sống nơi dòng sông Giăng. Ảnh: Thành Cường |
Cụ thể, huyện Con Cuông đã và đang tập trung huy động nguồn lực ưu tiên cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo vệ và phát triển rừng; thiết lập và triển khai thực hiện hiệu quả các tour, tuyến du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, trên cơ sở các điểm đến đã được xác định, với sự tham gia của các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư.
Sông Giăng - Đập Phà Lài ở xã Môn Sơn. Ảnh: Thành Cường |
Huyện cũng đã phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Nâng tầm thương hiệu du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hiệu quả các sản phẩm, huyện đã xây dựng du lịch cộng đồng thành sản phẩm OCOP. Đây là cách làm hay góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP và cải thiện đời sống người dân…
Bên cạnh đó, một điểm đáng ghi nhận khác là huyện đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn "xanh - sạch - đẹp" gắn với những con đường tràn ngập sắc hoa. Việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo nền tảng để phát triển du lịch. Công tác bảo vệ môi trường đã trở thành sinh hoạt thường xuyên ở các khu dân cư; trở thành quy ước, hương ước để mọi người dân thực hiện.
Non nước Trà Lân hôm nay. Ảnh: Thành Cường |
Ông Lương Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ: Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn lực để hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch; tập trung phát triển kinh tế xanh, theo hướng sinh thái; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch khám phá và du lịch cộng đồng kết hợp với văn hóa ẩm thực để người dân tham gia và tạo sinh kế cho người dân; khai thác có lộ trình và hiệu quả các di tích, danh thắng.