Phập phù cao su Phủ Quỳ

Phú Hương 26/03/2023 14:44

(Baonghean.vn) - Có mặt trên đất Phủ Quỳ từ những năm 1960 của thế kỷ trước, trải qua nhiều thăng trầm, cây cao su vẫn được ví là “vàng trắng”, đem lại thu nhập khá cao cho người dân vùng miền núi. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều vườn cây cao su đang trong độ tuổi cho khai thác đã bị đốn hạ.

Diện tích sụt giảm mạnh

Mặc dù 0,6 ha cao su của gia đình mới bước vào thu hoạch năm thứ 3, chu kỳ khai thác còn rất dài, nhưng bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) vẫn quyết định chặt, bán gỗ nhỏ. “Vườn cao su này trồng phải loại giống kém, cạo cả vườn mỗi ngày chỉ được 30 - 40kg mủ, mấy năm trước, đầu vụ còn bán được 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng sau đó tụt dần, có khi còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, mỗi ngày chỉ bán được hơn 200.000 đồng. Thu nhập không đủ bù công lao động, sức khỏe, chưa tính tiền đầu tư, chăm sóc”, bà Hằng chia sẻ.

Vườn cao su 0,6 ha của gia đình bà Hằng được chặt, chuyển sang trồng ổi mặc dù mới bước vào thu hoạch mủ năm thứ 3. Ảnh: Phú Hương

Hiện bà Hằng đã báo cáo, đề nghị xã cho chuyển đổi sang trồng ổi; 1ha cao su còn lại thuộc sự quản lý của Nông trường Cờ Đỏ, tuy đến hết năm nay mới kết thúc chu kỳ khai thác nhưng bà hầu như đang bỏ mặc không thu hoạch. "Mỗi ngày cao nhất cũng chỉ thu được 30 - 40kg mủ. Sau khi chặt bỏ, tôi sẽ xin nông trường chuyển sang trồng ổi, chỉ trừ khi bắt buộc tuân theo kế hoạch của nông trường, phải trồng cao su thì mới tiếp tục trồng. Nản lắm, nếu trồng giống có khả năng chống chịu cao hơn thì năng suất thấp, giống cây cao sản lại hay bị gãy đổ”, bà Hằng chia sẻ.

Nhiều vườn cao su trong chu kỳ khai thác bị chặt bỏ ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Phú Hương

Là vùng “trọng điểm” trồng cây cao su của huyện Nghĩa Đàn, những năm 2007 - 2009, giá mủ cao su cao ở mức 14 - 15 nghìn đồng/kg, người dân xã Nghĩa Hồng ồ ạt phát triển diện tích cao su; tuy nhiên hiện nay, diện tích đã bị thu hẹp chỉ còn 337ha.

Ông Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cả chục năm nay giá mủ bấp bênh, sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người sản xuất. Hai năm nay giá ổn hơn, dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng do công thu hoạch nhiều, vất vả, trong khi năng suất kém, làm nhiều hộ dân chán nản, chặt bỏ cả những vườn cây đang trong thời kỳ cho thu hoạch, chuyển sang trồng cây ăn quả mong tăng thêm thu nhập.

Theo ông Minh, muốn cây cao su cho mủ nhiều, chất lượng tốt, cần thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật từ trồng, chăm sóc. Tuy nhiên, hiện nay các nông trường vẫn chưa thực sự đồng hành, gắn bó với người sản xuất, còn để người trồng tự mày mò là chủ yếu.

Ông Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: Nhiều hộ dân chán nản, chặt bỏ cả những vườn cây đang trong thời kỳ cho thu hoạch, chuyển sang trồng cây ăn quả mong tăng thêm thu nhập. Ảnh: Phú Hương

Chuyển vườn cam sang trồng cao su gần 10 năm, gia đình chị Đinh Thị Lan ở xóm Hồng Trường, xã Nghĩa Hồng mới bắt đầu được thu hoạch mẻ sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp bắt đầu đã bị sự thất vọng dập tắt.

“Chỉ cạo được 6 tháng, đến tháng 12/2022 là hết mùa, năng suất lại quá kém. Mỗi ngày, tôi đi cạo từ 3-4h sáng, nhưng toàn bộ 0,5 ha cao su chỉ thu được 7 - 8kg mủ. Đã vậy, mủ còn rất loãng, hàm lượng thấp, nên giá bán luôn thấp hơn các hộ khác, thường chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, thậm chí có lúc 3.000 - 4.000 đồng/kg, thật sự không bõ công”, chị Lan chán nản. Chặt bỏ vườn cây, gia đình chị không trồng lại cao su mà đầu tư hơn 40 triệu đồng để trồng ổi.

Chặt bỏ cây cao su, gia đình chị Đinh Thị Lan, xã Nghĩa Hồng chuyển sang trồng ổi. Ảnh: Phú Hương

Tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su, thay thế bằng các loại cây ăn quả như ổi, quýt; một số vườn cây mặc dù vẫn đang trong chu kỳ khai thác nhưng bà con không cạo mủ thường xuyên, thậm chí bỏ mặc đã diễn ra tại “thủ phủ” cao su vùng Phủ Quỳ từ nhiều năm nay. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, diện tích cây cao su trên địa bàn đã giảm từ 1.500ha còn khoảng 900ha.

Không chỉ huyện Nghĩa Đàn, mà tại thị xã Thái Hòa, tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến.

Sớm giải bài toán quy hoạch và đầu tư, liên kết sản xuất

Nhiều năm qua, vùng đất Phủ Quỳ vẫn được coi là thủ phủ trồng cây cao su của tỉnh, với những giá trị kinh tế mà loại cây trồng này mang lại. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều vườn cây đã bị đốn hạ. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây cao su hay bị bão gió làm gãy đổ; nhiều diện tích giống cây không đảm bảo, quy trình chăm sóc không được đầu tư, năng suất, sản lượng đạt thấp, trong khi công thu hoạch nhiều, vất vả, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, một phần do các nông trường - đơn vị được giao quản lý, phát triển cây cao su trên đất Phủ Quỳ thiếu sâu sát trong công tác tổ chức sản xuất, tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho các hộ sản xuất. Trong khi đó, nông dân vẫn “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sản lượng, chất lượng mủ không cao. Từ đó, nhiều diện tích sau khi hết chu kỳ khai thác mủ đã được chuyển sang trồng mía nguyên liệu. Một số diện tích khác được người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả mặc dù vẫn đang trong kỳ khai thác.

Nhiều diện tích trồng cao su ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà đã được người dân chuyển sang trồng mía. Ảnh: Phú Hương

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính, kỹ thuật của các nông trường vừa yếu, vừa thiếu nên chưa tạo được vùng nguyên liệu bền vững; sản lượng và chất lượng mủ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý, tìm kiếm thị trường chưa được chú trọng. Việc thu mua nguyên liệu với giá thấp không tạo được sức hấp dẫn với người sản xuất...

Với thị trường tiềm năng, những lợi thế về diện tích đất đai và những giá trị vượt trội mà cây cao su đem lại, loại cây trồng này từng được tỉnh Nghệ An đưa vào là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, rà soát đánh giá lại căn cứ trên tình hình thực tế, cây cao su đã được tỉnh đưa ra khỏi danh sách các loại cây trồng chủ lực giai đoạn tới.

“Thực tế, những vùng nguyên liệu cao su được doanh nghiệp đầu tư bài bản, sản phẩm có đầu ra ổn định thì sẽ phát triển bền vững và hiệu quả, công nhân yên tâm sản xuất mặc dù có những thời điểm giá cao su giảm”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.

Những thành công mang tính bền vững của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An là một ví dụ. Kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, hơn 10 năm nay, đơn vị đã phát triển được hơn 4.500ha cao su, trong đó 2.500ha đã cho khai thác, năng suất đạt bình quân 1,9 tấn/ha/1 chu kỳ khai thác 15 năm; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định, bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng cho hàng trăm lao động.

Công nhân Công ty cổ phần Đầu tư phát triển cao su Nghệ An khai thác vườn cây ở Thanh Đức, Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Tổng Giám đốc công ty cho biết: Xác định giống là khâu đầu tiên, số 1, nên chất lượng giống cây được ưu tiên hàng đầu; cùng với đó, quá trình chăm sóc luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tập đoàn đưa ra. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo, vườn cây của đơn vị được đánh giá có chất lượng tốt nhất khu vực miền Trung. Trong kế hoạch của công ty, khi được giao đủ đất để khép kín diện tích theo kế hoạch đã được phê duyệt, sẽ xây dựng nhà máy chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị và tăng tính bền vững cho phát triển cây cao su trên đất Nghệ An.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn cao su thiên nhiên phục vụ chế biến. Điều này có nghĩa, ngành cao su đang có đầu ra khá tốt. Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 17.000ha cao su. Trước tình trạng diện tích cây cao su ngày càng bị thu hẹp như hiện nay, bài toán quy hoạch, kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm cần phải được giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả hơn. Nếu không, mục tiêu đó rất khó đạt được.

Phú Hương