Học sinh Nghệ An tìm giải pháp để tạo môi trường an toàn trên mạng xã hội
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, tác động của mạng xã hội và nhiều yếu tố khác đã ảnh hưởng khá nhiều đến văn hóa học đường. Vì vậy, các em cần được định hướng đúng đắn để tránh sa đà và gây nên những hệ quả đáng tiếc.
Mặt trái của lạm dụng mạng xã hội
"Hot trend" là trào lưu đang thịnh hành, nổi tiếng và được nhiều người quan tâm, trong đó có đối tượng học sinh. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, sự xuất hiện, lan tràn của các “hot trend” đã tạo ra không ít những hệ lụy, để lại nhiều hậu quả khó lường, nhất là khi nhiều học sinh sau khi học theo “hot trend” lại có xu hướng “ăn theo” nhưng lại chưa đủ kiến thức để phân biệt được đúng sai.
Diễn đàn của học sinh Trường THCS Diễn Tháp và vấn đề hot trend trong tuổi học trò. Ảnh: MH. |
Nghiên cứu về hot trend, nhóm học sinh gồm hai em Phạm Quỳnh Giao và Hồ Thị Khánh Huyền Trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu) đã có thống kê và phát hiện: Có gần 10 ngôn ngữ trên mạng xã hội được học sinh sử dụng khá phổ biến như “còn cái nịt”, “toang”, “u là trời”... Bên cạnh đó, có những hot trend khá nguy hiểm đang được nhiều học sinh làm theo như trào lưu “dọa ma trẻ em trên mạng xã hội” - một trò đùa vô hại, nhưng trào lưu này rất dễ ảnh hưởng tâm lý của trẻ, “thử thách cá voi xanh” được mệnh danh là “trò chơi chết chóc” nếu không thực hiện theo yêu cầu có thể bị ảnh hưởng đến bản thân và gia đình.
Hay như gần đây trong giới trẻ, trào lưu hút vape hay còn gọi là “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” đang lan rộng, được coi là xu hướng "thời thượng". Trong đó, đáng chú ý lứa tuổi sử dụng loại thuốc lá điện tử này còn rất trẻ, chủ yếu là học sinh cuối cấp 2 và học sinh cấp 3.
Qua phát phiếu khảo sát trên 1.400 học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Diễn Châu, nhóm học sinh này cũng nhận ra có nhiều số liệu rất đáng quan tâm bởi có trên 70% học sinh sử dụng hot trend như một trào lưu nhưng thực tế học sinh lại chưa hiểu được hết những tác hại của nó.
Nói về điều này, học sinh Hồ Thị Khánh Huyền - nhóm nghiên cứu hot trend Trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu) cho biết: Có cả những hot trend tích cực và tiêu cực, cũng không ít những hot trend vốn vô hại, nhưng nếu "đu trend" mà không có sự chọn lọc sẽ dẫn đến đua đòi, tiêu tốn tiền bạc, thời gian. Ở một khía cạnh khác, do hiện nay tỷ lệ học sinh dùng điện thoại thông minh khá nhiều. Vì thế, việc sử dụng hot trend, sử dụng mạng xã hội thường xuyên sẽ khiến học sinh mất nhiều thời gian ảnh hưởng lớn đến học tập, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, ảnh hưởng xấu đến giao tiếp học đường và nguy cơ tiếp xúc với các thử thách không lành mạnh.
Các thông tin trên mạng xã hội nếu không có sự kiểm chứng sẽ nguy hiểm đến lứa tuổi học trò. Ảnh: MH |
Mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ, điện thoại thông minh đang ảnh hưởng rất nhiều học sinh ở lứa tuổi học đường. Đó cũng là lý do vì sao, những tác động của mạng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau là đề tài được nhiều học sinh lựa chọn để triển khai tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Với đề tài Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng mạng TikTok an toàn, hiệu quả cho học sinh THPT trên địa bàn thị xã Cửa Lò của hai học sinh Mai Tú Anh và Trương Thị Thùy Nhi - Trường THPT Cửa Lò đã đưa ra một nhận định rất đáng suy nghĩ: Hiện nay, nhiều học sinh có thể dành từ 1 - 3h để sử dụng mạng xã hội nhưng có đến 85% sử dụng để giải trí.
Trong khi đó, việc xem bất cứ video nào trên mạng xã hội, trong đó có những video không được kiểm chứng đã ảnh hưởng tiêu cực đến lời nói và cả những hành vi đáng lo ngại khác như làm theo các thử thách, trò chơi nguy hiểm... ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Qua khảo sát gần 1.000 học sinh của Trường THPT Cửa Lò, Trường THPT Cửa Lò 2 và Trung tâm GDTX có đến 31,3% học sinh lựa chọn kết quả từng bị bạo lực trực tuyến và tấn công tình dục khi sử dụng và xem video trên mạng xã hội và 43,6% học sinh bị TikTok theo dõi. Điều này cũng cho thấy, học sinh chủ yếu lựa chọn các nội dung theo trào lưu, theo giải trí mà không quan tâm đến độ tin cậy của video và thiếu các kỹ năng khi sử dụng.
Xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng Internet thì tất cả các hoạt động của học sinh ở trong và ngoài nhà trường đều dễ dàng được ghi lại và chia sẻ lên mạng. Trong số này, những hình ảnh đẹp, ý nghĩa có thể được lan tỏa. Nhưng ngược lại, những hình ảnh xấu, phản cảm cũng dễ dàng bị chia sẻ lên mạng xã hội và gây nên nhiều phản ứng ngược. Việc nữ sinh ẩu đả nhau bị lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua ở một số trường là một minh chứng rõ rệt.
Tổ chức các sân chơi lành mạnh để giúp học sinh không bị phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. Trong ảnh: Giải thể thao của học sinh Trường THPT Cửa Lò. Ảnh: NTCC |
Việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách đã tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của học sinh và dẫn đến những áp lực không nhỏ ở tuổi học đường. Học sinh Nguyễn Vũ Trúc Chi - Trường THCS Đội Cung (thành phố Vinh) từng thừa nhận rằng “đã từng là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt qua mạng xã hội”. Trước áp lực không hề nhỏ này, Trúc Chi chọn cách giải quyết là im lặng và xa rời tất cả những thông tin trên mạng và không còn sử dụng mạng xã hội cho cá nhân. Chia sẻ thêm về điều này, Trúc Chi cho biết: Em cảm thấy những áp lực từ mạng xã hội đem lại là rất lớn và chi phối rất nhiều đến việc học tập. Trong khi đó, việc ứng xử thế nào cho phù hợp lại là một hạn chế với học sinh chúng em. Rất may, trong sự việc của mình, em đã được mẹ hỗ trợ và đưa ra lời khuyên hữu ích, không nên đối chọi mà nhìn nhận sự việc một cách bình tĩnh, bao dung.
Làm sao để ứng xử với mạng xã hội một cách lành mạnh, an toàn cũng là những vấn đề được nhiều bạn trẻ, nhiều giáo viên và các nhà trường cùng trăn trở.
Hiện nay 100% học sinh trong trường chúng tôi đều sử dụng điện thoại thông minh. Chúng ta không thể cấm các em sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, giải pháp hiện nay, đó là chúng ta phải định hướng làm sao để các em sử dụng mạng xã hội hợp lý. Tại trường chúng tôi, các bạn học sinh đã đứng ra tổ chức chương trình hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng xã hội TikTok cho học sinh THPT thông qua các cuộc tọa đàm.
Ngoài ra, xây dựng và phát cẩm nang sử dụng mạng sao cho an toàn, hiệu quả, xây dựng góc truyền thông về hướng dẫn sử dụng mạng trên bảng tin an toàn của học sinh. Đặc biệt, nhà trường tổ chức cuộc thi Tiktok với học đường và học sinh sẽ tự dựng các clip hay, ý nghĩa để chia sẻ nhằm lan tỏa những hình ảnh đẹp, câu chuyện đẹp.
Việc tiếp cận Internet và mạng xã hội tại Việt Nam là rất thuận lợi. Ảnh: Tư liệu |
Nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề sử dụng hot trend, khắc phục tình trạng sử dụng mạng xã hội không hợp lý, Trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu) đã tổ chức một diễn đàn để học sinh trong trường chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này. Từ đó, cũng đã đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó với các trào lưu không lành mạnh xâm nhập học đường. Thay vì để các em học theo những hiện tượng chưa tốt trên mạng xã hội, nhà trường thường xuyên phát động các cuộc thi thuyết trình, viết thư cho những người mình yêu thương.
Thầy giáo Lê Xuân Lợi - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau một thời gian triển khai các cuộc thi, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực của học sinh. Việc hướng các em đến nhiều hoạt động tập thể, nhà trường, của lớp góp phần giúp các em từng bước hạn chế sử dụng mạng xã hội và làm phong phú thêm đời sống học đường, hướng đến lối sống tích cực hơn.
Để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, từ năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng. Qua đó đã yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, đảm bảo lành mạnh, hữu ích. Giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại, sai trái trên môi trường mạng đối với học sinh.
Sở cũng yêu cầu 100% trường học, cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh khai thác, sử dụng môi trường mạng đúng quy định, phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh. 100% các trường học phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên quản lý, giáo dục chính trị đối với học sinh trên môi trường mạng.