Gần 1 năm truy quét những kẻ ‘khủng bố’ đòi nợ

Tiến Hùng 29/03/2023 10:18

(Baonghean.vn) - Gần 1 năm qua, Bộ Công an và công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây thu hồi nợ kiểu xã hội đen, núp bóng các công ty luật, công ty tài chính. Bước đầu, nhà chức trách cho rằng có hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm vu khống, khủng bố, đe dọa buộc trả tiền.

Đòi nợ bất chấp pháp luật

Ngày 28/3, gần trăm cảnh sát đến toà nhà trên đường Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức - trụ sở Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam. Cảnh sát đã làm việc với lãnh đạo, nhân viên công ty này, đồng thời kiểm tra một số hoạt động về tài chính, cho vay nghi vấn có sai phạm.

Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008, cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng trả góp "nhanh chóng, tiện lợi và thân thiện". Home Credit hiện có trụ sở chính tại TP HCM, chi nhánh tại Hà Nội, 8 văn phòng đại diện và hơn 9.000 điểm phục vụ tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Công ty tài chính tiêu dùng đã có mặt tại 10 quốc gia như Nga, Cộng hòa Séc, Slovakia, Kazakhstan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và có tổng tài sản lên đến 14,7 tỉ Euro.

Cũng trong ngày 28/3, hàng trăm cảnh sát có mặt tại chung cư Linh Tây, phường Linh Tây, TP Thủ Đức (TP.HCM) để kiểm tra Công ty mua bán nợ Galaxy, trụ sở nằm tại tầng 1, 2 tòa nhà Linh Tây Tower. Công ty này đăng ký kinh doanh mua bán nợ và hoạt động tài chính. Hiện cơ quan chức năng chưa thông tin về việc kiểm tra này.

Đây là 2 trong hàng loạt vụ kiểm tra, bắt giữ các công ty tài chính, các đường dây thu hồi nợ kiểu xã hội đen, núp bóng các công ty luật trong thời gian gần đây của lực lượng công an.

Cơ quan công an khám xét một công ty tài chính. Ảnh: CACC

Trước đó, trung tuần tháng 5/2022, Báo Nghệ An đã có loạt bài “Đòi nợ kiểu khủng bố lộng hành”, phản ánh tình trạng nhiều người dân, lãnh đạo các cơ quan, trường học dù không vay tiền những cũng bị đe dọa, “khủng bố’ bằng nhiều hình thức nhằm đòi nợ. Một số giáo viên thậm chí không chịu nổi áp lực khi chúng không chỉ tấn công gia đình và bản thân mà còn thường xuyên “khủng bố” lãnh đạo và toàn thể giáo viên trong trường, đã phải làm đơn xin nghỉ việc. Có trường hợp, chỉ vì một phụ huynh vay tiền chưa trả, những kẻ đòi nợ đã tìm ra số điện thoại của hơn 100 giáo viên toàn trường để tấn công. Có trường học thì vì người thân của giáo viên vay tiền, lãnh đạo nhà trường bị ghép ảnh đưa lên bàn thờ, bôi nhọ, vu khống. Chúng thậm chí còn mạo danh nhà trường để ship bình gas lên tận trường để đe dọa. Có lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo còn phải nhận hàng nghìn cuộc điện thoại chửi bới mỗi ngày…

Nhiều người trong những vụ việc này cho biết, trước đó họ chưa từng vay mượn tiền của cá nhân, tổ chức nào. Nhưng cũng có một số người thừa nhận có vay tiền qua mạng của một số công ty tài chính nhưng chưa có khả năng trả xong.

Ngay sau đó, ngày 24/5/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia trên. 300 nghi phạm ở khắp nước bị triệu tập, trong đó có nhiều người nước ngoài. Theo điều tra ban đầu, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua app. Khi nhận thấy người nào mất khả năng thanh toán, nhóm cho vay sẽ chỉ đạo bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần họ và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại. Nhiều trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh của người vay rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ.

Một người phụ nữ cầm đầu nhóm đòi nợ kiểu "khủng bố" bị bắt. Ảnh: CACC

Lợi nhuận khủng

Đến ngày 4/11/2022, cơ quan công an kiểm tra hành chính Văn phòng Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, sau đó bắt tạm giam, khởi tố 13 người về tội Vu khống. Đây là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở Việt Nam tại TP HCM, do L.J (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng Giám đốc; được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”.

Thủ đoạn của nhân viên công ty này là khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hàng tháng. Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Đối với nhóm nợ trên 180 ngày, nhân viên sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.

Ngày 1/12/2022, Công an TP HCM bắt tạm giam và khởi tố 13 người thuộc Công ty Luật TNHH Power Law với cáo buộc Vu khống để đòi nợ. Cơ quan điều tra xác định có khoảng 300 bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.

Nhóm người chuyên gọi điện "khủng bố" để đòi nợ. Ảnh: CACC

Ngày 14/2, hàng chục cảnh sát vũ trang ập vào trụ sở Công ty luật TNHH Pháp Việt (TP HCM), bắt quả tang gần 130 người có dấu hiệu đòi nợ thuê, thu nhiều tang vật. Công ty luật này đăng ký hoạt động được khoảng hai năm.

Cơ quan điều tra đã xác định được hàng nghìn người bị công ty này đòi nợ kiểu xã hội đen. Liên quan vụ án này, công an đã bắt tạm giam Trần Văn Châu, Hồ Quốc Hùng (Phó Giám đốc Công ty Pháp Việt), Nguyễn Đình Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng) và ít nhất 13 người khác về hành vi Cưỡng đoạt tài sản và có dấu hiệu của tội Khủng bố.

Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa công ty luật, hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính... để "xử lý nợ xấu". Sau đó, những người của công ty luật thực hiện các hành vi đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần người nợ tiền như: gọi điện, nhắn tin hăm dọa; đặt bình gas, mang quan tài đến nhà, đe doạ; hù sẽ gây nổ cơ quan của các "con nợ" hoặc người thân của họ để buộc trả tiền.

Tại Cần Thơ, ngày 3/3, Cơ quan công an bắt giữ Võ Thị Bích Tuyền (32 tuổi, ngụ Long Mỹ, Hậu Giang), là người cầm đầu nhóm phụ nữ chuyên tổ chức đòi nợ thuê qua app. Khi ập vào một căn nhà, lực lượng công an phát hiện 10 người, đều là nữ, đang thực hiện các hành vi đòi nợ cho Công ty Bamboo; đòi nợ app vay tiền trên mạng, bước đầu các nghi phạm khai do người Trung Quốc điều hành. Nhóm nghi phạm đòi nợ thuê do Tuyền cầm đầu đều là người từ nơi khác đến, thuê nhà để tham gia vào đường dây đòi nợ kể trên.

Ngày 5/3, Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 người để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Trong số này, Trần Hồng Tiến, trú TP HCM, là giám đốc điều hành hệ thống. Nhóm này lập 7 công ty, mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của công ty tài chính và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả. Sau đó, dùng nhiều thủ đoạn để “khủng bố” tinh thần con nợ. Dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022, nhóm đã thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay nợ có tổng tiền hàng nghìn tỷ đồng; đã đòi được khoảng 500 tỷ đồng.

Ngày 6/3, Công an TP HCM phối hợp Công an quận Gò Vấp phong toả một đoạn đường khám xét Công ty F88 - công ty tài chính chuyên cho vay với quy mô lớn. Bước đầu, cơ quan điều tra cho rằng nhân viên thu hồi nợ ở đây trong thời gian qua đã đe doạ người vay, nghi có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Ngày 15/3, Công an TP HCM bắt tạm giam 14 người là quản lý, lãnh đạo, nhân viên Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (phường 1, quận Tân Bình) và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ (phường 15, quận Tân Bình) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Trong đó, Nguyễn Minh Thành (quản lý CP Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng) và Trần Hà Anh Thư (Trưởng phòng tín chấp, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ) có vai trò cầm đầu.

Trước đó, Công an TP HCM tiếp nhận nhiều đơn kêu cứu của người dân, cho biết bị những thanh niên xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện đe doạ, gửi hình ảnh có tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm lên mạng xã hội. Thậm chí, bạn bè, người thân, nơi làm việc của họ cũng bị những người này đe dọa. Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định, những người có hành vi khủng bố để đòi nợ là nhân viên Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ. Họ được các ông chủ phân công nhiệm vụ theo từng cấp bậc (nhân viên, quản lý, trưởng nhóm); áp chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng hoa hồng theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi.

Hai doanh nghiệp này đã mua hồ sơ người vay tiền từ một công ty tài chính có trụ sở ở Hà Nội. Nhân viên Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng được chia thành 4 đội, mỗi đội 7-10 người. Mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện 2.500-3.000 cuộc gọi khủng bố để đòi nợ, tổng số tiền đòi được từ 2-3 tỷ đồng.

Cảnh sát cho rằng, với tần suất đòi nợ như trên, mỗi tháng có hơn 100 người phải trả tiền nợ và lãi suất cho nhóm đòi nợ thuê này. Mỗi khi đòi nợ thành công, phía thu nợ sẽ được công ty tài chính ở Hà Nội (nơi bán nợ) trả công lên đến 86%. Vì lợi nhuận quá lớn nên lãnh đạo các công ty đòi nợ thuê đã chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân với tần suất và mức độ dày đặc.

Mới nhất

x
Gần 1 năm truy quét những kẻ ‘khủng bố’ đòi nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO