Nghệ An: Nỗi đau từ bệnh dại tiếp tục kéo dài

Thành Chung - Thái An 02/04/2023 10:58

(Baonghean.vn) - Nghệ An đang là một trong những địa phương có số người tử vong về bệnh dại cao nhất cả nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, ở tỉnh đã có 3 người tử vong do bệnh dại và hàng nghìn người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại.

3 tháng, 3 trường hợp tử vong do bệnh dại

Ngày 26/3, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc tiếp nhận một bệnh nhân 6 tuổi vào cấp cứu với những tổn thương rất nặng ở phần cánh tay. Các bác sĩ phải rất vất vả tìm các giải pháp điều trị để giữ lại cánh tay cho bệnh nhân. Nắm bắt thông tin từ người nhà thì các bác sĩ được biết, bệnh nhân sang nhà bạn chơi thì bị chó becgie vồ cắn. Rất may, chủ nhà đã về kịp để ngăn cản, nếu không hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc…

Trẻ bị bệnh dại lên cơn thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Ảnh: Hoàng Yến

Kém may mắn hơn, từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trường hợp thứ nhất là cháu L.B.T (sinh năm 2019, ở xã Châu Thôn, huyện Quế Phong). Ngày 18/2, cháu T. xuất hiện tình trạng sốt cao kèm theo nôn, co giật, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, có đờm dãi, mất ngủ, trốn chạy. Gia đình đã đưa cháu ra Trung tâm Y tế huyện Quế Phong và được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Cháu được bác sĩ chẩn đoán nghi dại thể điển hình. Cháu T. tử vong vào ngày 20/2. Kết luận điều tra dịch tễ là bệnh nhân bị dại do tiếp xúc với chó (bồng, bế chó chơi).

Trường hợp thứ hai là V.Q.H (sinh năm 2014, ở xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ). Ngày 9/3, cháu H. xuất hiện tình trạng sốt cao kèm theo chán ăn, đau đầu, đau cổ khó nuốt. Gia đình đưa cháu xuống Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ thăm khám và nhập viện vào khoa Nhi. Sau khi nhập viện, cháu vẫn tiếp tục mệt, đau đầu, khó nuốt, sợ ánh sáng, sợ nước và la hét. Ngày 10/3, cháu được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được các bác sĩ chẩn đoán nghi dại. Cháu tử vong vào chiều cùng ngày. Điều tra dịch tễ cho thấy: Trước đó, trong xóm xuất hiện 1 con chó có biểu hiện dại và cắn nhiều người. Người dân đã đập chết con chó này. Một số người khác bị chó cắn đã đi tiêm vaccine phòng dại. Riêng cháu V.Q.H không kể với gia đình về tình trạng chó, mèo cắn hoặc cào.

Trường hợp tử vong mới nhất là ông B.P (sinh năm 1960, ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu). Ngày 28/3, ông P có biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng. Ngày 31/3, ông P bị tức ngực, khó thở, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Minh An khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng theo dõi bệnh dại và được chuyển lên Bệnh Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Đến ngày 1/4, bệnh nhân B.P tử vong.

Theo lời kể của người nhà: Trước ngày phát bệnh gần 2 tháng, ông B.P vào trang trại của gia đình trong rừng và thấy 1 con chó chạy đến vẫy đuôi (không biết chó của ai). Ông P sờ vào chó thì bị chó cắn vào đầu ngón tay, chảy máu nhiều. Sau đó, ông P về nhà tự rửa vết cắn bằng xà phòng, nặn máu ra, sát khuẩn bằng cồn, không đến Trạm Y tế xã hay bệnh viện sơ cứu và không đi tiêm vaccine phòng dại. Sau khi bị cắn, ông P đã đập chết con chó và đem về nhà gọi hàng xóm mổ ăn thịt. Sau 3 ngày kể từ khi bị chó cắn, bệnh nhân đến nhà một người phụ nữ (không rõ tên) tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu thử bệnh dại bằng phương pháp dân gian và được thông báo là không mắc bệnh dại.

Từ đầu năm đến nay, ở Nghệ An đã có rất nhiều người bị chó, mèo cắn gây thương tích. Ảnh: Internet

Từ đầu năm đến nay, ở Nghệ An đã có rất nhiều người bị chó, mèo cắn gây thương tích. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An: Tháng 1 và 2/2023, tại 21 huyện thành thị trong tỉnh, đã có tới 1.454 người bị các loại động vật chó, mèo cắn, cào gây thương tích phải đi tiêm vaccine phòng dại.

Trong 1.454 người đi tiêm vắc xin phòng dại, có 712 người giới tính nam, 742 người giới tính nữ; 368 người dưới 15 tuổi, 155 người từ 15 đến 24 tuổi, 467 người từ 24 đến 49 tuổi, 464 người trên 50 tuổi; thời gian từ lúc bị cắn đến khi tiêm dưới 10 ngày là 1.146 người, trên 10 ngày là 308 người; người bị chó cắn là 1.385 người, người bị mèo cắn là 64 người, người bị động vật khác là 5 người; 326 người bị cắn ở mức độ 3 (bị một hay nhiều vết cắn xuyên da hoặc vết cào, vết liếm trên da hở)… Tình trạng động vật lúc cắn có 585 con bình thường, động vật ốm là 547 con, 274 con chạy rông và mất tích, 19 con lên cơn dại.

Câu chuyện rất nhiều người bị chó, mèo cắn nói trên đã là một hồi chuông cảnh báo về việc các phụ huynh cần phải luôn quan sát, giám sát và đảm bảo an toàn cho con cháu của mình. Đồng thời, cũng cảnh báo tới những gia đình nuôi chó, mèo cần có biện pháp nuôi nhốt, xích để đảm bảo an toàn cho những người khác, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc… Bên cạnh đó, cũng cần hoan nghênh tới những gia đình và bệnh nhân bị chó, mèo cắn với ý thức phòng bệnh, quan tâm tới sức khoẻ đã kịp thời đi tiêm vaccine phòng dại.

Tiêm phòng ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cào

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết liếm ở da bị tổn thương của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo). Bệnh dại khi đã lên cơn thì tỉ lệ tử vong là gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế Thanh Chương. Ảnh: Thành Chung

Việc gia đình nuôi con vật trong nhà (nhất là vật khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do thời gian ủ bệnh dại khá dài (từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm) nên nhiều cha mẹ thường không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người… Khi bị chó, mèo cắn, cào cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vaccine phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di - Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An: Để chủ động phòng chống bệnh dại, mọi người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Người nuôi chó, mèo tuyệt đối không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Mọi người không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Người bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70%, cồn Iod hoặc Povidone, Iodine. Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm vaccine phòng dại kịp thời.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di nhấn mạnh: “Tiêm phòng dại chính là cuộc chạy đua của vaccine với virus dại. Do đó, ngay khi bị chó dại, chó nghi dại hoặc động vật cắn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng, không nên chờ đợi theo dõi tình trạng của con chó, cũng không phải lo ngại sự ảnh hưởng của vaccine dại đến sức khỏe. Tất cả vaccine tiêm phòng thế hệ mới hiện nay đều rất an toàn. Đặc biệt, nạn nhân bị chó, mèo cắn tuyệt đối không dùng thuốc nam, đông y, không tự chữa và không nhờ thầy lang chữa bệnh dại”.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát tờ rơi về phòng chống bệnh dại. Ảnh: Thanh Hoa

Phòng, chống bệnh dại, các dân huyện/thị xã/thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 766 QĐ-UBND ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, tư vấn cho người dân tại cộng đồng về bệnh dại; các biện pháp phòng tránh, xử lý khi bị súc vật nghi mắc bệnh dại cắn, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng dại… Mọi người dân cần quan tâm đến tình trạng sức khoẻ, sự an toàn của con em mình trước nguy cơ bệnh dại, đặc biệt trong dịp hè./.

Những năm gần đây, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng lớn người tử vong do bệnh dại. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại, gồm: 1 trường hợp ở Nam Đàn; 1 trường hợp ở Thanh Chương; 2 trường hợp ở Quỳ Hợp và 1 trường hợp ở Thái Hòa. Kết quả điều tra các trường hợp tử vong cho thấy là hầu hết do phát hiện muộn, bệnh nhân không đi tiêm phòng và có tình trạng sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại.

Thành Chung - Thái An