Mở ra giai đoạn phát triển mới nhanh hơn, mạnh mẽ hơn cho Nghệ An

Thành Duy 01/05/2023 07:54

(Baonghean.vn) - Một Nghệ An phát triển xứng với vai trò, vị thế, chiều sâu văn hóa, lịch sử là nỗi đau đáu, mong mỏi không chỉ của tỉnh nhà, mà còn của Trung ương và cả nước.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 là dấu mốc quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện và xác lập tầm nhìn mới, giải pháp thực chất để hiện thực hóa khát vọng.

SỰ QUAN TÂM ĐẶC BIỆT

Nghệ An thường được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, với sự ưu đãi đặc biệt, có núi, rừng, sông, biển, phong cảnh hữu tình. “Sơ độ nam du đáo Nghệ An/ Phong quang nhất bộ nhất kỳ quan” (Lần đầu vào Nam đến Nghệ An/ Cảnh vật xung quanh, mỗi bước là mỗi kỳ quan) - hai câu thơ của danh sĩ Ngô Thì Nhậm, bậc quân sư hàng đầu của Hoàng đế Quang Trung đã mô tả lại vẻ đẹp bao la, hùng tráng, đặc sắc của quê hương xứ Nghệ, nơi mà thắng cảnh nào cũng có danh sĩ, tao nhân đề thơ, vịnh thơ. Cũng theo danh sĩ Ngô Thì Nhậm, Nghệ An là “Đất có công hầu, vì “sa thủy” kỳ thú/ Trời sinh hào kiệt, bởi “tinh đẩu” bao quanh”.

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh (ảnh chụp tại Cầu Cấm). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải

Có phải vì vậy mà suốt chiều dài lịch sử, Nghệ An được định danh là đất dừng chân trong quá trình ông cha ta đi mở nước, là tiền đồn, là chiến địa, lại là hậu phương, căn cứ địa cho nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Các triều đại phong kiến của nước ta, thời nào cũng đều rất coi trọng và đầu tư xây dựng xứ Nghệ. Nhà Nghệ học - PGS Ninh Viết Giao từng viết về Nghệ An: “Ngoài những nét đẹp do thiên nhiên ban cho, còn cái đẹp của những kỳ tích chiến đấu, xây dựng của tiền nhân. Nó làm cho thắng cảnh thêm sinh động vì có tâm hồn, có hơi thở, máu thịt của con người”.

Kể cả người Pháp, ngay khi vào đô hộ nước ta, ở vùng đất Trung Kỳ, họ đã sớm nhìn ra vị trí trọng yếu, tiềm năng to lớn của Nghệ An. Trong cuốn Hồi ký xứ Đông Dương, Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) đã mô tả rằng, Nghệ An “là một tỉnh rất đẹp”. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vùng Bến Thủy dần trở thành một thương cảng quan trọng bậc nhất Bắc Trung Bộ.

“Đây là điểm trung chuyển gỗ quý từ các rừng thượng nguồn, xuôi theo dòng sông (sông Lam – P.V). Chúng được xẻ trong một xưởng cưa máy lớn của những thương nhân người Pháp… Từ đó họ đã tạo ra những súc gỗ cứng tinh chất và nhiều sản phẩm khác để xuất khẩu sang châu Âu. Những năm gần đây, cùng với xưởng cưa, người ta đã mở thêm một xưởng sản xuất diêm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cả một phần xứ Đông Dương”, Paul Doumer viết.

Hình ảnh Bến Thủy do người Pháp ghi lại năm 1908. Ảnh tư liệu

Trong cuộc trường chinh đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trong thế kỷ XX, Nghệ An cũng là một trong những địa phương “đi đầu, dậy trước” dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của tỉnh, bước vào thời kỳ đổi mới, Trung ương đã có những chủ trương lớn nhằm thúc đẩy Nghệ An phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với vai trò, vị thế của tỉnh trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đặc biệt, cách đây đúng 10 năm, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là văn kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; định hướng, tạo động lực giúp tỉnh phát triển.

QUY MÔ KINH TẾ VÀO TOP 10 CẢ NƯỚC

Nhìn lại gần 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều rủi ro, đột biến bất ngờ khó dự báo. Những tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009, bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước giai đoạn 2007-2012, sự cố môi trường biển miền Trung, hệ lụy nghiêm trọng của 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột ở Ukraine nổ ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, không ngừng tìm kiếm và lựa chọn những cách làm mới, đúng đắn, chắc chắn và sáng tạo, Nghệ An đã đạt được những thành tựu phát triển khá toàn diện và quan trọng, có nhiều điểm sáng nổi bật.

Toàn cảnh cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá nhanh, toàn diện. Quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng. Năm 2022, quy mô GRDP đạt 175.740 tỷ đồng, gấp khoảng 2,4 lần năm 2013, đứng thứ 10 cả nước, thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước; trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt 6,92%; năm 2021 đạt 6,2%; năm 2023 đạt 9,08% (đứng thứ 22 cả nước, thứ 2 Bắc Trung Bộ).

Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2014 - 2020 đạt 88.589 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 14,97% năm; năm 2021 đạt 18.963 tỷ đồng, năm 2022 đạt 21.805 tỷ đồng; đặc biệt, cơ cấu thu ngân sách của Nghệ An từng bước bền vững hơn, với tỷ trọng thu nội địa tăng dần, đạt hơn 93,8% năm vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, từ 636 triệu USD năm 2013 lên 2,49 tỷ USD năm 2022. Thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là thu hút FDI. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 118 Dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 2,52 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng năm 2022, Nghệ An đã thu hút được hơn 961 triệu USD, đứng thứ 10 cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Ju Teng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Một số lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển rõ rệt, từng bước định hình là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. Mới đây, trong chuyến làm việc tại tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tái cam kết mạnh mẽ quan điểm đồng hành của bộ để cùng Nghệ An sớm đưa ngành Y tế tỉnh trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được tập trung đầu tư, nâng cấp, với nhiều công trình quan trọng; đặc biệt 2 “nút thắt” hạ tầng chiến lược và cảng biển nước sâu sau bao năm ấp ủ đã có lối ra, dự kiến sẽ khởi công trong thời gian tới. Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; xây dựng nông thôn mới có nhiều cách làm hay và sáng tạo, là một trong những điểm sáng của cả nước. Công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều và bền vững đạt được những kết quả tích cực. Phát triển văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Cầu Cửa Hội bắc qua dòng sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Hồ Đình Chiến

GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI, MẠNH MẼ HƠN

Những kết quả mà Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực rất đáng trân trọng nhưng chỉ mới là bước đầu, còn rất khiêm tốn, vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Trong quá trình tiến hành các bước để trình Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 -NQ/TW, toát lên trăn trở lớn nhất không chỉ của người Nghệ An, mà còn của các cấp lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, rằng vì sao, mảnh đất nổi danh hiếu học, kiên cường và khí phách lại chưa thể tạo nên “đột phá phát triển”, “bứt phá, tăng tốc”; chưa thể hiện thực hóa khát vọng về “Kỳ tích sông Lam”?

“Thuở xưa, người xứ Nghệ luôn tự hào “nghèo mà học giỏi”. Ngày nay, có lẽ chúng ta nên đặt lại vấn đề: Tại sao người xứ Nghệ thông minh, học giỏi, cần cù, chịu khó nhưng quê hương mãi vẫn chưa giàu? Cái gọi là “nghịch lý xứ Nghệ” chắc chắn không phải là một vấn đề hiển nhiên, nhưng bao giờ và bằng cách nào để Nghệ An thoát khỏi nghịch lý đó vẫn là câu hỏi qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đối với tất cả chúng ta?”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đặt câu hỏi tại Hội thảo khoa học Phát triển kinh tế - xã hội và Bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ảnh: Thành Duy

Vì vậy, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 -NQ/TW của Bộ Chính trị chính là thời điểm mà Trung ương, nhất là tỉnh Nghệ An quyết tâm nhìn nhận lại, đánh giá thật khách quan tiềm năng, thế mạnh và năng lực thật sự của tỉnh, để xây dựng và hình thành động năng phát triển mới, thực chất và thực tế. Đặc biệt là định vị thật đúng Nghệ An trong sự phát triển của vùng và quốc gia, nhận diện lại lợi thế và bất lợi thế của tỉnh; nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; qua đó, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập, điểm nghẽn trong sự phát triển cho Nghệ An.

Vị trí, vai trò của tỉnh Nghệ An với khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và với cả nước không phải đến bây giờ mới được minh định, xác lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, tình hình mới, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhận thức đầy đủ, thực chất trọng trách quốc gia và vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ mà Nghệ An đảm nhận là trách nhiệm của cả Trung ương và địa phương, cần được phân giao cụ thể. Trung ương bảo đảm điều kiện thể chế, cơ chế, chính sách (hỗ trợ, vượt trội, vượt trước) và nguồn lực giúp Nghệ An vượt ngưỡng “thấp” mà tự thân tỉnh không đủ lực giải quyết. Còn đối với Nghệ An, tỉnh đang có cơ hội lịch sử và phải tận dụng tốt nhất để “tiến vượt”; theo đó, cần phải xác lập hệ mục tiêu đúng tầm; quyết liệt đeo bám để Trung ương thực thi đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ; đồng thời, phải thiết kế một chiến lược hành động tốt (vượt trội và khả thi).

Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Theo dõi quá trình chuẩn bị các văn kiện để sắp tới trình Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, có thể thấy các chính khách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã có những đóng góp quan trọng, sâu sắc, mở ra những tư duy, cách tiếp cận mới, cách làm mới và đồng bộ “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” với phương châm: “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” để xây dựng một môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển, cho định hướng phát triển chung của tỉnh.

Đặc biệt, để phát triển nhanh và bền vững, Nghệ An sẽ phải dựa vào việc khai thác có hiệu quả hơn các yếu tố về thể chế, con người, khoa học và công nghệ. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ yếu dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Toàn cảnh trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Mặt khác, định hướng rõ vai trò, chức năng của các vùng động lực như: Thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam, vùng Hoàng Mai - Đông Hồi, các hành lang kinh tế (ven biển phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 7, Quốc lộ 48A); tăng cường liên kết nội tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nhất là với Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Quá trình tổng kết cũng cho thấy, Nghệ An tiếp tục cần được Trung ương tiếp tục ban hành các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn mới, đặc biệt là về các cơ chế, chính sách đặc thù trúng, đúng và kịp thời cho tỉnh.

Với tinh thần quyết liệt, kiên trì, bám sát và thực hiện bằng được mọi mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, dựa trên nền tảng phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích trước hết của tỉnh và của đất nước, đặc biệt là thông qua Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW, tin rằng, Nghệ An sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Thành Duy