Khám phá miền Trà Lân kỳ thú

Thành Chung 29/04/2023 11:00

(Baonghean.vn) - Thiên nhiên ưu đãi cho huyện Con Cuông cảnh sắc kỳ thú, sơn thủy hữu tình, độc đáo về đa dạng sinh học; là vùng đất cổ với nhiều huyền tích, sử liệu đậm bản sắc văn hóa… Vùng đất này lý tưởng để khám phá, trải nghiệm trong những dịp nghỉ lễ ngắn ngày hoặc cuối tuần.

Vị trí của miền sinh thái và di sản Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Nếu xuất phát từ thành phố Vinh (trung tâm của tỉnh Nghệ An) trong buổi sáng sớm, du khách có thể di chuyển về trung tâm huyện Con Cuông bằng đường bộ với 3 hướng đi. Hướng thứ nhất, từ TP. Vinh đi qua các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn để tới Con Cuông; hướng thứ hai, từ TP. Vinh đi qua các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn; hướng thứ ba, từ TP. Vinh đi qua các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Anh Sơn… Quãng đường 3 hướng đi khoảng từ 120 -130 km, và mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Thẳm Nàng Màn - điểm du lịch mới của huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Hành trình khám phá Con Cuông - miền Trà Lân thường được giới thiệu điểm dừng chân đầu tiên là Thẳm Nàng Màn (xã Yên Khê). Đây là một hang đá được hình thành do quá trình phong hóa cách đây hàng trăm triệu năm. Hang có diện tích tích khoảng 1.800 m2, cấu trúc dạng vòm, hệ thống hang ngầm xuyên thủy và thạch nhũ. Thẳm Nàng Màn gắn liền với huyền thoại về bản làng ở dưới chân núi, kể về câu chuyện tình yêu hóa đá giữa một người con gái xinh đẹp con nhà chúa đất và một chàng trai nghèo khó. Với đồng bào Thái bản địa, Thẳm Nàng Màn từ bao đời đã là một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh. Ngày nay, nơi Thẳm Nàng Màn, huyện Con Cuông đã xây dựng điểm dừng chân, giới thiệu về các đặc sản của địa phương.

Cảnh sắc trên sông Giăng, xã Môn Sơn. Ảnh: Cảnh Hùng

Rời Thẳm Nàng Màn, du khách tiếp tục di chuyển về thắng cảnh đập Phà Lài và sông Giăng (xã Môn Sơn). Đến với địa điểm nổi tiếng này, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với những vách núi đá chênh vênh soi bóng bên dòng sông Giăng trong xanh, mát lành, tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác mạnh như chèo thuyền kayak hoặc đu dây qua sông (zipline)… Trong hành trình khám phá sông Giăng, vừa ngắm khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ của rừng Pù Mát, vừa hòa mình cùng với nhịp sống hàng ngày của người dân bản địa. Buổi trưa, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản độc đáo của dân tộc Thái như cá sông Giăng, cơm Mường Quạ.

Chèo thuyền trên sông Giăng, khám phá đại ngàn. Ảnh: Thành Cường

Trong buổi chiều cùng ngày (trước khi về nghỉ ngơi tại homestay hoặc khách sạn), du khách có thể đến tham quan các bản du lịch cộng đồng, như bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Nưa (xã Yên Khê), bản Pha (xã Yên Khê) và bản Khe Rạn (xã Bồng Khê). Đây là các bản thuần Thái, có cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, những ngôi nhà sàn cổ kính, yên bình. Đến với các bản du lịch cộng đồng, du khách sẽ được tìm hiểu những phong tục, tập quán lâu đời của người Thái; tham gia các hoạt động du lịch nông nghiệp lý thú, trò chơi dân gian; tìm hiểu các ngành nghề truyền thống như mây, tre đan, dệt thổ cẩm…Du khách cũng có thể mua các sản phẩm lưu niệm, quà tặng tại đây như váy, áo, khăn, túi xách được dệt bằng thổ cẩm; mua đồ thủ công mỹ nghệ làm bằng mây, tre đan; dược liệu Pù Mát và các sản phẩm mứt, rượu cam.

Du lịch cộng đồng tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê. Ảnh: Thành Cường

Đến với huyện Con Cuông, nên thưởng thức bữa tối tại các bản du lịch cộng đồng để biết thêm về sự đặc sắc của ẩm thực dân tộc Thái. Ẩm thực người Thái huyện Con Cuông là sự hội tụ và giao hòa nét tinh túy của đất trời, núi rừng. Những món ngon khi đến với huyện Con Cuông mà du khách không thể bỏ qua, đó là: Cá mát nướng giòn; cá nướng; thịt nướng; các món hó mọc; thịt chua; canh bon; xôi tím và cơm lam; bánh chưng; thịt gà hấp - nướng; canh khẩu khiều, rau bún, măng rừng…; rượu cần, rượu men lá.

Thầy mo làm vía cầu may chúc phúc cho du khách. Ảnh: Thành Cường

Trước khi vào bữa ăn tối, du khách được tham gia chương trình làm vía cầu may - đây là một nghi lễ cổ truyền độc đáo, thể hiện sự hiếu khách. Theo đó, thầy mo sẽ tổ chức lễ làm vía cầu may mắn, buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho du khách…Sau bữa ăn tối, du khách được tham gia chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhảy sạp, múa lăm vông và có thể có thêm chương trình lửa trại và rượu cần. Trong chương trình văn nghệ, du khách được nghe những điệu nhuôn, xuối, lăm, khắp, hát đồng dao, hát ru; nghe các nghệ nhân trình diễn các nhạc cụ truyền thống như pí, khèn, chiêng, trống, múa lăm vông, múa xòe, múa trống chiêng, múa sạp…

Đặc sắc ẩm thực người Thái huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Vào ngày thứ 2 trong hành trình khám phá Con Cuông, sau bữa ăn sáng, du khách tiếp tục lên đường tham quan 2 điểm du lịch thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát, đó là Bảo tàng Pù Mát và thác Khe Kèm. Vườn Quốc gia Pù Mát là một khu bảo tồn tự nhiên nổi tiếng, có hệ động, thực vật phong phú, rừng nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao bậc nhất Việt Nam. Vườn Quốc gia Pù Mát được ví là một trong những “bảo tàng tự nhiên” tuyệt vời mang tầm vóc thế giới, là điểm đến cuốn hút cho những ai ưa thích khám phá và trải nghiệm…

Thác Khe Kèm uốn cong mềm mại như một dải lụa trắng nổi bật giữa núi rừng bao la. Ảnh: Cảnh Hùng

Thác Khe Kèm là một thác nước lớn và được đánh giá đẹp nhất Bắc miền Trung. Thác nằm cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng 25 km, được ví như món quà quý giá thiên nhiên ban tặng. Đứng dưới chân thác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng nước thác uốn cong mềm mại như một dải lụa trắng nổi bật giữa núi rừng bao la. Thác Khe Kèm được đánh giá là địa điểm du lịch của Con Cuông hoang sơ bậc nhất, bởi nơi đây chưa hề có bất kỳ sự tác động nào từ bàn tay con người… Không có gì thú vị hơn khi được vui chơi, tắm mát tại thác, ăn trưa ở dịch vụ ẩm thực tại chỗ và lưu lại những bức hình đẹp nhất ở đây trước khi kết thúc kỳ nghỉ ngắn ngày.

Hệ thống cọn nước ở xã Bình Chuẩn. Ảnh: Đình Tuyên

Nếu kỳ nghỉ được kéo dài thêm thì huyện Con Cuông cũng có sẵn hàng loạt di tích, thắng cảnh khác để du khách khám phá, đó là: Khu Di chỉ khảo cổ học hang Thẳm Hoi, bia Ma Nhai, đền Cửa Lũy, Di tích Lịch sử Nhà cụ Vi Văn Khang, suối Nước Mọc (Tạ Bó), bản Cò Phạt, đập Nà Cọ, hang Thẩm Tông và hệ thống cọn nước ở xã Bình Chuẩn, cung đường trekking trong Vườn Quốc gia Pù Mát, vườn dược liệu, vườn rượu men lá, khu trưng bày và dệt thổ cẩm…

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Với định hướng chiến lược xây dựng huyện Con Cuông thành một đô thị sinh thái, địa phương đã và đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc kết nối các tour, tuyến du lịch trong tỉnh và trong nước. Cùng với đó, huyện Con Cuông đang tập trung quy hoạch và thu hút các dự án đầu tư du lịch theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Các điểm du lịch được tập trung thu hút đầu tư là Khu Du lịch sinh thái Tạ Bó; Điểm du lịch văn hóa cộng đồng bản Nưa; Điểm du lịch Thẳm Nàng Màn; Điểm du lịch Di tích Lịch sử Quốc gia bia Ma Nhai; Thành cổ Trà Lân… Trong tương lai không xa, huyện Con Cuông sẽ có thêm nhiều điểm đến du lịch để du khách khám phá, nghỉ dưỡng.

Thành Chung