Đội nắng gom rơm, nông dân Nghệ An thu về hàng trăm triệu đồng
(Baonghean.vn) - Cùng với không khí hối hả thu hoạch lúa vụ xuân trên khắp các cánh đồng, một bộ phận nông dân ở huyện Yên Thành tranh thủ ra đồng thu gom rơm. Công việc này kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng do phải ra đồng vào thời điểm nắng nóng nhất trong ngày, nên rất vất vả.
Những người làm nghề thu gom rơm phải ra đồng cả trưa nắng nóng. Ảnh: Xuân Hoàng |
Những ngày nắng nóng cao điểm cũng là thời điểm bà con nông dân trên địa bàn Nghệ An vào vụ thu hoạch lúa xuân. Cùng đó, người làm nghề thu gom rơm cũng tất bật chạy theo thời vụ để lấy được nhiều "chiến lợi phẩm".
Tại cánh đồng các xã Nam Thành, Liên Thành, Xuân Thành... của huyện Yên Thành, lúc mặt trời đứng bóng, xuất hiện những tốp đàn ông "đội nắng" bốc xếp từng bó rơm đã được cuộn tròn chất lên xe ô tô tải.
Anh Lê Văn Sỹ ở xóm 2, xã Liên Thành cho biết, cách đây nhiều năm, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy cuộn rơm để tiến hành thu gom rơm mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa. Nghề này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất rất vất vả, bởi yêu cầu của khách hàng là rơm phải khô, vàng óng, không được ẩm ướt, mốc... Do vậy, những người thu gom rơm bắt buộc phải ra đồng từ khi mặt trời đứng bóng cho đến 4 giờ chiều.
Toàn bộ rơm thu gom được trong ngày đều phải vận chuyển về kho trước khi mặt trời lặn để tránh sương xuống gây ẩm. Ảnh: Xuân Hoàng |
"Hiện tôi có 2 máy cuộn rơm, mỗi ngày tôi thuê 5 - 7 nhân công thu gom rơm trên các cánh đồng. Tính ra, mỗi vụ thu hoạch lúa, tôi thu gom được trên 4.000 cuộn rơm (mỗi cuộn gần 20 kg), giá bán 40.000 đồng/cuộn, thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do nhân công phải làm vào giờ cao điểm nắng nóng, chi phí cao, nên tiền lãi chỉ còn khoảng 30%. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quy mô lớn, nhu cầu rơm làm thức ăn rất lớn, nên chỉ sợ không có sức mà thu gom, chứ không lo ế", anh Lê Văn Sỹ chia sẻ.
Làm nghề thu rơm đã hơn 5 năm và là một trong những người đầu tư máy thu rơm sớm nhất huyện Yên Thành, anh Sỹ chia sẻ thêm, trước đây bà con thường huy động sức người để gom rơm mang về trữ cho gia súc ăn. Nhà nào không dùng thì đốt bỏ, không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để tận dụng nguồn phụ phẩm dồi dào này, anh chủ động tìm hiểu đầu tư mua máy thu rơm và cung ứng cho thị trường. Nhờ có sự tiện lợi của máy thu rơm, một phần rơm rạ sau mùa gặt đã được tận dụng có hiệu quả.
Nghề thu rơm thuận lợi nhất là khi tiết trời nắng ráo. Mỗi đám ruộng sau khi thu hoạch, rơm được phơi nắng trên cánh đồng từ 2 - 3 ngày cho khô hẳn mới có thể cuộn. Tuyệt đối không được thu gom rơm vào thời điểm cuối chiều hoặc sáng sớm, vì lúc này độ ẩm cao, rơm sẽ bị ẩm, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Do vậy, làm nghề này đòi hỏi phải ra đồng vào thời điểm nắng nóng nhất trong ngày thì rơm mới đảm bảo. Nếu thời tiết mưa nắng thất thường thì việc thu gom rơm sẽ bị ảnh hưởng, do đó vào những ngày nắng nóng liên tục là phải tranh thủ thời gian.
Vào mùa thu hoạch lúa, lượng rơm thải ra đồng ruộng rất nhiều, nếu không thu gom để phục vụ nông nghiệp thì rất lãng phí. Ảnh: Xuân Hoàng |
Được biết, trên địa bàn huyện Yên Thành hiện mới có vài nông dân đầu tư mua máy thu gom rơm, ngoài ra các huyện khác như Đô Lương, Thanh Chương... cũng có người đầu tư làm nghề này nhưng chưa nhiều.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: Rơm là nguồn phụ phẩm khá dồi dào sau mỗi mùa thu hoạch lúa tại Nghệ An. Rơm khô được sử dụng vào nhiều mục đích trong nông nghiệp: Làm thức ăn cho trâu bò, sản xuất nấm, phân bón vi sinh, phục vụ trồng trọt... Do vậy, việc một số nông dân thu gom rơm cần được khuyến khích. Bởi nếu không thu gom, bà con nông dân sẽ đốt trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn tài nguyên này.