Cô giáo làng làm nhiều việc 'có lợi cho dân'
(Baonghean.vn) - Là người con của quê hương Nam Đàn, nhà giáo Nguyễn Thị Lan Cảnh được biết đến là người giàu tình yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và luôn tiên phong trong các hoạt động xã hội.
Một lòng vì quê hương
Nhà giáo Nguyễn Thị Lan Cảnh (sinh năm 1952) ở xóm 2, xã Xuân Lâm (Nam Đàn - Nghệ An) từng tham gia "đội thép", làm nhiệm vụ ở Truông Bồn thời chống Mỹ, trải qua bao gian khổ và chứng kiến sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của đồng chí, đồng đội. Sau đó, khi hoàn thành nhiệm vụ, cô thi vào ngành sư phạm và trở thành cô giáo.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Cảnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” ở các xã Nam Cát, Xuân Lâm và Kim Liên, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng. Năm 2007, được nghỉ hưu theo chế độ, cô lại tham gia Hội Cựu giáo chức, tiếp đến là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi. Tham gia tổ chức nào cô cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực sáng tạo và trở thành “đầu tàu” của các phong trào.
Cô Nguyễn Thị Lan Cảnh trồng và chăm sóc hoa dọc tuyến đường của xóm. Ảnh: Công Khang |
Người giáo viên này chia sẻ: “Tự hào là người con của quê hương Bác Hồ, tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Vì thế, khi đang còn sức khỏe, còn khả năng làm việc, tôi sẵn sàng làm mọi việc dù lớn hay nhỏ đến giúp đỡ mọi người và những việc có ý nghĩa đối với đời sống cộng đồng, thôn xóm”.
Người dân xóm 2, xã Xuân Lâm vẫn còn nhớ mấy năm trước, triển khai xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã phát động phong trào xây dựng cảnh quan xanh - sạch đẹp, hàng ngày cô giáo Nguyễn Thị Lan Cảnh tự nguyện quét dọn, thu gom rác thải trên các tuyến đường của xóm.
Rồi tiếp đến là ươm các loại giống hoa để gieo trồng dọc các tuyến đường, hướng đến mong ước về những con đường hoa rực rỡ ở quê hương. Lúc ấy, có người tỏ ra ái ngại, cho rằng việc làm của cô giáo Cảnh là “đội đá vá trời”. Nhưng nữ nhà giáo ấy vẫn kiên trì, cần mẫn với công việc quét dọn đường làng, tưới mát cho những luống hoa vừa mọc.
Cô Nguyễn Thị Lan Cảnh được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh Nghệ An. Ảnh: Công Khang |
Trước sự nhiệt tình, tâm huyết với phong trào của cô, bà con cùng thôn, xóm đã tích cực hưởng ứng, ban đầu chỉ một vài người, về sau hàng chục người, rồi hầu hết các gia đình trong xóm.
Và khi xã, thôn phát động phong trào hiến đất mở đường, góp tiền và công sức xây dựng giao đường thông nông thôn, một lần nữa gia đình cô Nguyễn Thị Lan Cảnh lại tích cực hưởng ứng. Cô đã vận động các con, cháu gần, xa góp tiền ủng hộ làm đường bê tông nông thôn, tổng số tiền do đại gia đình cô đóng góp lên tới hàng chục triệu đồng, được xã công nhận là gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với uy tín có được, cô Lan Cảnh còn tham gia cùng Ban quản lý và các đoàn thể của xóm vận động bà con hiến đất, hiến cây để mở rộng đường quê. Việc làm của cô giáo Lan Cảnh đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, chẳng bao lâu các tuyến đường của xóm luôn sạch sẽ, hai bên đường rực rỡ sắc hoa. Điều đó đã góp phần thay đổi diện mạo của quê hương, tạo niềm tin về sự đổi thay, khởi sắc trong đời sống mọi mặt.
Gieo mầm thiện cho đời
Nói đến nhà giáo Nguyễn Thị Lan Cảnh, người dân xã Xuân Lâm còn nói về một con người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Cách đây mấy năm, ông Trần Văn Thắng, người ở cùng xóm không may bị đột quỵ, gia cảnh lại nghèo khó, không có tiền chữa trị, thuốc thang đã được cô Lan Cảnh giúp đỡ.
Tham gia hoạt động xã hội, cô Nguyễn Thị Lan Cảnh được tặng nhiều danh hiệu. Ảnh: Công Khang |
Cùng với hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, cô giáo đã đăng hoàn cảnh ông Thắng lên mạng xã hội Facebook kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Và không ai ngờ được số tiền các nhà hảo tâm gửi về giúp đỡ lên tới hơn 400 triệu đồng, mang đến cơ hội để ông Thắng và gia đình “qua cơn bĩ cực”.
Một trường hợp khác được cô Lan Cảnh giúp đỡ là cháu Trần Thị Cẩm Tú ở cùng xóm, sống với mẹ bị bệnh tâm thần và bà ngoại hơn 80 tuổi. Hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bé Cẩm Tú có nguy cơ không được đến trường. Thương hoàn cảnh gia đình của bé, cô Lan Cảnh đã bớt chi tiêu, tự nguyện hỗ trợ bé mỗi tháng 200 nghìn đồng để bé có thêm cơ hội được đến lớp.
Cô Nguyễn Thị Lan Cảnh được công nhận là điển hình trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Công Khang |
“Nhà giáo Nguyễn Thị Lan Cảnh là hội viên tích cực tham các hoạt động, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Sự nhiệt tình và tích cực của cô đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, nổi bật là Bằng khen của Hội Cựu giáo chức Việt Nam và của Hội LHPN tỉnh, Giấy khen của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn về điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…”.
- Chị Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đàn -